Hà Nội dự kiến thu phí ô tô vào nội đô: Có giải được bài toán tắc đường?

30/10/2021 00:04

Việc đặt trạm và thu phí được xem là cách để thay đổi hành vi sử dụng phương tiện cá nhân sang công cộng. Liệu đây có phải là lời giải cho bài toán tắc đường?

Mức thu sẽ thay đổi theo khung giờ

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Tp. Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải) báo cáo Thành phố về đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường.

Theo đề xuất, mức phí sẽ được thu linh hoạt thay đổi theo khung giờ, từ 5h đến 21h (giờ cao điểm, giờ thường và giờ thấp điểm). Trong đó, giờ thấp điểm sẽ thu thấp hơn hoặc miễn phí cho tất cả phương tiện; ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày lễ sẽ không thu.

Mức phí dự kiến ngày thường với ô tô dưới 9 chỗ từ 25.000 đến 60.000 đồng/lượt, ô tô 9 chỗ trở lên và xe tải từ 15.000 đến 40.000 đồng/lượt.

Phương tiện được miễn phí, gồm: Xe ưu tiên theo quy định hiện hành (công an, quân đội, cứu thương, cứu hỏa...), xe công vụ, xe buýt. Phương tiện được giảm phí gồm: Xe kinh doanh vận tải, xe dưới 9 chỗ của người dân trong khu vực, xe ôtô của cơ quan công sở trong khu vực.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Tp.Hà Nội cho, mức phí được xây dựng trên một số nguyên tắc như: khả thi; tác động tích cực thay đổi hành vi người tham gia giao thông; áp dụng mức thu tăng dần với phương tiện có nguy cơ gây ô nhiễm và ùn tắc; lợi nhuận không phải mục tiêu ưu tiên, có thể phi lợi nhuận, thu để bù đắp chi phí đầu tư và vận hành.

Chính sách - Hà Nội dự kiến thu phí ô tô vào nội đô: Có giải được bài toán tắc đường?

Mức phí dự kiến ngày thường với ô tô dưới 9 chỗ từ 25.000 đến 60.000 đồng/lượt, ô tô 9 chỗ trở lên và xe tải từ 15.000 đến 40.000 đồng/lượt. Ảnh: VOV. 

Trích dẫn kết quả điều tra xã hội học năm 2019, mức phí chấp nhận được của người dân là 23.500 đồng. Ở mức này, 55% chấp nhận trả phí để đi lại bằng ôtô, số còn lại sẽ chuyển sang phương tiện được miễn hoặc giảm phí.

Theo đề án, nếu thu phí sẽ đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường. Mật độ giao thông sẽ giảm từ 8 đến 30% lưu lượng trên trục chính. Lưu lượng giao thông giảm cũng sẽ làm giảm trên 350.000 tấn CO2 trên địa bàn.

Quy định thu phí sẽ làm thay đổi hành vi sử dụng phương tiện và văn hóa giao thông của người dân đô thị theo hướng chuyển từ ôtô sang phương tiện thân thiện môi trường như vận tải hành khách công cộng, xe đạp.

Ngoài ra, đơn vị xây dựng đề án thu phí cho biết, chưa có phương án về hình thức đầu tư cụ thể cũng như biến động về tỉ giá tương lai nên mức phí cuối cùng sẽ do UBND Hà Nội quyết định ở bước nghiên cứu khả thi lập dự án đầu tư hệ thống thu phí.

Dự kiến đầu tư 2.600 tỷ đồng cho 87 trạm thu phí

Đề án đã xác định 68 vị trí với 87 trạm thu phí đặt bên trong ranh giới vành đai 3, nằm trên các trục đường hướng tâm vào trung tâm thành phố. Phương tiện đi đường vành đai 3, xe quá cảnh, không vào trung tâm sẽ không phải trả phí.

Khái toán tổng chi phí đầu tư 87 trạm hơn 2.600 tỷ đồng, gồm chi phí đầu tư ban đầu, thay thế thiết bị hết khấu hao, chưa tính chi phí vận hành.

Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 sẽ xây dựng 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các trục nội đô có lưu lượng giao thông cao; sang giai đoạn 2025 - 2030 xây dựng 59 trạm thu phí tại 46 vị trí phía Nam sông Hồng; sau năm 2030 sẽ khép kín vành đai thu phí theo phương án hoàn chỉnh của dự án, xây 13 trạm thu phí còn lại.

Chính sách - Hà Nội dự kiến thu phí ô tô vào nội đô: Có giải được bài toán tắc đường? (Hình 2).

Tp.Hà Nội đang có khoảng 6,4 triệu phương tiện, trong đó có 5,6 triệu xe máy và 600 nghìn ô tô. Ảnh: Vietnamnet. 

Đề án sẽ được xin ý kiến cấp thẩm quyền, đơn vị, tổ chức liên quan và trình Hội đồng Nhân dân (HĐND) Tp.Hà Nội xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối năm 2021.

Được biết, Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,6 triệu; ôtô 600.000, thêm khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai. Năm 2017, HĐND Hà Nội đã thông qua Đề án tăng cường quản lý xe cá nhân đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó xác định nhiệm vụ xây dựng thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực có nguy cơ ùn tắc, là một trong các giải pháp hạn chế xe cá nhân và ô nhiễm môi trường.

Thu phí liệu có hết tắc đường?

Trao đổi với VietNamNet, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ - nguyên Giám đốc NXB GTVT nêu ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông ở khu vực nội đô Hà Nội bao gồm: Hạ tầng, đường sá kém; mật độ dân cư cao và hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển.

“Diện tích đất dành cho giao thông ở Hà Nội mới đang chiếm khoảng 7-8%, trong khi yêu cầu cơ bản mà các nước đang đạt được là 20%. Đường bé, hẹp, thiếu đồng bộ trong quy hoạch thì ùn tắc là chuyện đương nhiên. Không thể đổ lỗi cho phương tiện cá nhân như ô tô được”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Từ 3 nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông ở khu vực nội đô nêu trên, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, phải giải quyết tận gốc vấn đề tắc đường trước, thay vì đề xuất lập trạm thu phí để hạn chế ô tô đi vào khu vực nội thành.

Theo vị chuyên gia giao thông này, nếu việc nâng cấp hạ tầng, đường sá và giảm mật độ dân cư không phải câu chuyện “ngày một ngày hai” thì khả thi nhất là Hà Nội nên tập trung phát triển, hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng để đáp ứng được nhu cầu của người dân.

“Đến khi nào mà các tuyến đường sắt đô thị hoạt động, kết nối tốt việc đi lại; xe buýt sạch đẹp, chạy đúng giờ, khoa học, thuận tiện, giá rẻ,… thì những người đi ô tô cá nhân sẽ tự cân nhắc và chuyển sang dùng phương tiện công cộng", TS. Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ.

Bên cạnh đó, nhiều ng độc giả cũng đưa ra nhiều băn khoăn, thắc mắc trước đề án thu phí xe ô tô vào nội đô. Có thể kể đến như chị B.L, chị cảm thấy việc thu phí thể hiện rõ sự bất công giữa ô tô và xe máy. 

"Xe ô tô đã phải đóng phí đường bộ tức là trả phí cho việc sử dụng đường bộ rồi, trong khi đó xe máy thì không phải đóng, giờ lại thu phí vào nội đô cũng là thu phí ô tô chứ xe máy thì không vậy có công bằng hay không? Trong khi đó ô tô có tiêu chuẩn khí thải cao hơn tức là ít gây hại tới môi trường hơn xe máy và rõ ràng thủ đô mà ùn ùn toàn xe máy rất mất mỹ quan và gây hỗn loạn giao thông. Theo tôi nếu thu phí của ô tô thì đồng thời nên cấm xe máy vào nội đô", chị B.L. viết. 

Hay như có những độc giả khác như anh C.L thì cho rằng các nhà nghiên cứu đề án giao thông cần lưu ý những vấn đề là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng ùn tắc giao thông để đưa ra hướng đề xuất: “Khi phương tiện lưu thông công cộng đáp ứng được sự mong đợi của người dân thì mới mong hạn chế được lưu lượng phương tiện cá nhân hoạt động. Nếu phương tiện công cộng đáp ứng tốt sự mong mỏi của người dân thì chẳng tội gì người dân phải bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư xe cá nhân làm gì. Nếu chưa đáp ứng được thì không nên hạn chế hay thu phí gì cả vì người có xe ô tô họ đã phải chịu rất nhiều các loại thuế, phí rồi. Họ bắt buộc phải mua xe ô tô cá nhân chỉ vì phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được mà thôi".

Song, cũng không ít người lại đưa ra những thắc mắc lật ngược lại vấn đề. 

“Nếu trả phí vào nội đô mà đường vẫn tắc thì sao, hoặc tình trạng giao thông vẫn không thay đổi, thì ý nghĩa của việc trả phí là gì? Khoản phí đó sẽ dùng ra sao trong khi đường vẫn đông đúc, chật chội?", chị H.P chia sẻ. 

Một ý kiến khác cho rằng, nếu được phân làn tốt, thì những con đường dẫn vào trung tâm Thủ đô không đến nỗi bị tắc như vậy. "Ví dụ, trục đường Trần Phú (Hà Đông) và đường Nguyễn Trãi nên có dải phân cách cứng cho ôtô và xe máy. Hay trục đường Lê Văn Lương và Tố Hữu, bị tắc là do làn đường BRT chiếm 1/3 lòng đường. Có việc đơn giản như đèn giao thông tại ngã ba Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh theo hướng Hà Nội - Hà Đông cực kỳ bất hợp lý, đó là tín hiệu đèn xanh cho xe đi thẳng và rẽ trái vào Vũ Trọng Khánh không đồng pha, mà 1/3 đường thì đã dành cho BRT, dẫn đến xe đi 2 hướng này cứ thay phiên án ngữ nhau, như thế thì hỏi làm sao không tắc đường".

Nhiều vấn đề khác liên quan đến việc bất cập trong tổ chức giao thông của Hà Nội là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc cũng được bạn đọc "mổ xẻ": 

"Vấn đề cần ưu tiên của giao thông Hà Nội trong nội đô hiện nay là bãi đỗ xe tĩnh. Không có chỗ đỗ xe, lái xe buộc phải đỗ ven đường, vốn đã chật chội, gây ách tắc giao thông; cùng với đó là tình trạng lấn chiếm vỉa hè của các quán nước hàng quán". 

"Từ ngày xe khách liên tỉnh được hoạt động trở lại thì đường phố Hà Nội cũng trở nên tắc đường hơn, nhất là trên tuyến vành đai 3, những xe liên tỉnh mà chạy thẳng vào bến thì sẽ không sao, ít ảnh hưởng đến giao thông, nhưng ở đây lại có nhiều xe đi chậm, dừng đỗ, bốc hàng hoặc bắt khách dọc đường gây cản trở giao thông rồi dẫn đến dồn ứ, tắc đường. Cần mạnh tay xử phạt các trường hợp như vậy thì cũng có thể giảm được tình trạng tắc đường hiện nay. Chưa kể đến nhiều xe nhỏ như kiểu transit còn luồn lách đi trong phố đón khách để tăng bo chở khách ra xe to đang đợi ở các khu vực không phải bến xe nữa".

Lời giải cho bài toán tắc đường vẫn là câu hỏi chờ đáp án ở thì tương lai.

Hương Anh (tổng hợp)