Giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu: Ai có cơ hội tham gia BHXH muộn?

07/06/2023 20:07

Giảm số năm đóng BHXH xuống 15 là ý tưởng hay, nhưng đợi đến tuổi hưu mới được hưởng lương hưu là quá lâu.

Trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần theo Nghị quyết số 93/2015/QH13, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2021, cả nước có 4.058.317 người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần. Bình quân, mỗi năm có gần 700.000 người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%.

Đáng chú ý, số lượng người lao động hưởng BHXH một lần trong giai đoạn 2016 - 2021 tập trung chủ yếu ở đối tượng đóng BHXH do người sử dụng lao động quyết định (ngoài nhà nước), chiếm 90,74% tổng số người hưởng BHXH một lần.

Trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ LĐ-TB-XH, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.

Giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu: Ai có cơ hội tham gia BHXH muộn? - Ảnh 1.

Liên quan đến đề xuất trên, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết phản ánh những bất cập của Luật BHXH hiện hành và nhận được sự đồng thuận cao của bạn đọc. Bạn đọc Yến Dương bày tỏ: "Không biết các nhà làm luật thống kê được bao nhiêu người độ tuổi từ 45 mới đi làm? Đa phần người rút BHXH một lần là ở khu vực ngoài quốc doanh. Ở loại hình này, cứ 100 người thì có đến 80 là lao động chân tay. Số lao động này sau 45 tuổi, có mấy người đi xin được việc mà đóng BHXH, nói chi chờ đến 60 tuổi. Tôi ủng hộ đề xuất đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu".

Bạn đọc Hoàng Văn Việt góp ý: "Tuổi nghỉ hưu nên áp dụng cho từng ngành nghề,lao động nặng nhọc làm sao mà cầm cự được đến 62 tuổi, đến 55 tuổi là cố gắng hết sức rồi". Một bạn đọc giấu tên Khánh bày tỏ: "Giảm tuổi nghỉ hưu là mấu chốt của việc NLĐ sẽ không rút BHXH 1 lần như hiện này. Chứ dự thảo đưa ra phương án giảm năm đóng BHXH cho người từ 45 hay 47 tuổi mới bắt đầu đi làm để đóng BHXH cho đến khi 60- 62 tuổi là không khả thi. Tuổi đó doanh nghiệp nào nhận?".

Bạn đọc Lương Hồng Tâm đặt câu hỏi: "Ai, và bao nhiêu người mà 45, 47 tuổi mới bắt đầu đi làm? Và công ty nào nhận người vào làm việc khi họ đã 45, 47 tuổi... Nhờ các vị thống kê giúp vài con số cụ thể. Việc giảm năm đóng BHXH xuống 15 năm để người đi làm muộn (45,47 tuổi) được nhận lương hưu là... phi thực tế". Theo bạn đọc Hạnh Phan, người lao động đủ 50 tuổi đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, bị mất việc làm, mất sức lao động, nên giải quyết lương hưu cho họ, vì độ tuổi này sức khỏe suy giảm khó tìm việc làm, có làm cũng không năng suất.

Một chuyên gia giấu tên góp ý: "Việc giảm số năm đóng BHXH xuống 15 là ý tưởng hay, nhưng đợi đến tuổi hưu mới được hưởng lương hưu là quá lâu. Do vậy, đi kèm với giảm năm đóng cần giảm tuổi hưởng, rút ngắn thời gian chờ để lao động vừa có khoản trang trải cuộc sống trong khi đợi lương hưu, tức cần tách tuổi hưởng chế độ với tuổi hưu".