Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,4 triệu người, tăng 666.500 người so với năm trước. Trong đó, lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 19,5 triệu người, chiếm 37,3%, khu vực nông thôn là 32,9 triệu người, chiếm 62,7%. Năm 2023, cả nước có gần 1,07 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 14.600 người so với năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao ở mức 7,63% (năm 2023).
Chuyển đổi số phải hướng tới người lao động
Cũng theo Tổng cục thống kê, dù nền kinh tế Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động của kinh tế toàn cầu nhưng thị trường lao động Việt Nam có sự tiến triển nhất định khi nhiều doanh nghiệp có đơn hàng mới, mở rộng kinh doanh và các dự án trọng điểm bắt đầu đi vào hoạt động. Từ đó, nhu cầu tuyển dụng dần khởi sắc trở lại.
Đáng chú ý, những việc làm mới dần xuất hiện tại Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2024 sẽ tập trung về trí tuệ nhân tạo, công nghệ kỹ thuật số, xử lý dữ liệu, phân tích tình hình kinh doanh... Trong đó, các công việc liên quan đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và xử lý dữ liệu đang xuất hiện trong hầu hết các ngành nghề như: công nghệ thông tin - viễn thông, xây dựng - bất động sản, ngân hàng, giáo dục, dịch vụ tài chính - tư vấn, dịch vụ tư vấn, bảo hiểm...
Theo báo cáo nghiên cứu của Navigos Group, để có sự chuẩn bị tốt khi tình hình kinh tế thị trường bình ổn và phát triển trở lại, cũng như việc đáp ứng yêu cầu tuyển dụng thời đại mới, người lao động cần nắm bắt các xu hướng việc làm mới, biết áp dụng trí tuệ nhân tạo vào công việc để tạo ra lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thị trường tuyển dụng đòi hỏi ngày một cao.
Chia sẻ tại cuộc họp tổng kết công đoàn Bộ TT&TT mới đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Đức Long cho biết, chuyển đổi số phải hướng đến người lao động, giải quyết bài toán lớn về chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Định hướng của Bộ TT&TT sẽ tắt sóng 2G trong năm 2024, dẫn đến một số trường hợp người lao động chưa mua được điện thoại thông minh, hỗ trợ 4G/5G. Do đó, ông Phạm Đức Long cho rằng cần có chiến dịch hỗ trợ chuyển đổi từ điện thoại 2G lên 4G và tải sẵn app sẽ vừa giúp sức người lao động, vừa đưa ứng dụng đến tận tay mọi người.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết đang chỉ đạo xây dựng ứng dụng mới có thể truyền thông, gắn kết với người lao động. Tuy nhiên, ứng dụng phải như một mạng xã hội. Trong đó, phần tuyên truyền, truyền thông chính sách chỉ tối đa 20%, 80% còn lại để giải trí, chia sẻ, trao đổi và người lao động tự sáng tác nội dung. Chỉ có như vậy, ứng dụng mới “sống” được.
“Bộ TT&TT cũng đang yêu cầu phát triển nền tảng đào tạo trực tuyến, trong đó nội dung đào tạo là quan trọng hơn cả. Cách mạng công nghiệp 4.0 lấy đi nhiều việc nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội mới. Muốn có trí tuệ nhân tạo, phải có dữ liệu lớn. Muốn sử dụng dữ liệu lớn phải có kỹ năng số. Phải đào tạo cho người lao động kỹ năng số để sau này họ có cơ hội chuyển đổi công việc”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.
Làng số - chuyển đổi số từ con người, công việc cụ thể
Từ tháng 1/2024, Bộ TT&TT ra mắt Cẩm nang Làng số trên các nền tảng số với mục đích hướng dẫn mỗi hộ gia đình chủ động xây dựng mô hình kinh tế số và xã hội số nhỏ nhất.
Làng số viết về những câu chuyện của người dân bình thường đã tự mình sử dụng công nghệ số để giải quyết các vấn đề hàng ngày trong cuộc sống. Mỗi câu chuyện khắc họa con người cụ thể, công việc cụ thể, vấn đề cụ thể, cách làm cụ thể, công cụ cụ thể và kết quả cụ thể. Người dân tự làm để giúp chính mình, sau đó giúp gia đình mình và những người xung quanh, sẽ dần hình thành nên những công dân số, gia đình số, ngôi làng số và quốc gia số.
Làng số giới thiệu khoảng 30 nền tảng số Make in Viet Nam. Mỗi nền tảng số là một viên gạch, hướng tới giải quyết các nhu cầu trong cuộc sống của người dân. Mỗi nền tảng số được giới thiệu giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ, tiện ích, thụ hưởng thành quả do công nghệ số mang lại. Mỗi người dân, mỗi làng, dựa trên nội lực, văn hóa, đặc điểm địa phương có thể lựa chọn những viên gạch này để xây dựng nên ngôi làng số của chính mình.
Bên cạnh đó, Làng số cũng giới thiệu khoảng 50 câu chuyện điển hình, gắn với hơn 100 con người điển hình, cụ thể. Mỗi làng, mỗi xã sẽ là một cộng đồng khác biệt, vì thế, sẽ không có mô hình làng số phù hợp cho tất cả. Tuy nhiên, từng câu chuyện đều gắn với bối cảnh, cách làm và kết quả để người dân, chính quyền tham khảo, học hỏi, áp dụng để giúp lan tỏa, nhân rộng, từng bước hình thành nên các làng số trên khắp cả nước.