Trao đổi bên lề hành lang Quốc hội, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho biết gói phục hồi kinh tế là nội dung chính kỳ họp và cũng là điều mà xã hội, doanh nghiệp rất quan tâm. Về nội dung của gói, ông Cường nhấn mạnh sự kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ được đánh giá cao nhất.
"Nguồn lực về tài khóa của chúng ta không còn nhiều. Tuy nói rằng nợ công của chúng ta còn khá thấp, dư địa nâng nợ công đến trần còn khá nhiều, nhưng mục tiêu của chúng ta là ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì thế, huy động nguồn lực thông qua nợ công quá lớn có thể sẽ dẫn đến bất ổn về kinh tế vĩ mô và ảnh hưởng tới kiểm soát lạm phát", đại biểu Cường nhấn mạnh.
Chính vì thế, gói kích thích kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ. Một mặt dùng dư địa tăng nợ công, mặt khác là dùng chính ngân sách đó để tác động sang chính sách tiền tệ. Điều này giúp các ngân hàng ngân hàng thương mại không bị buộc hạ lãi suất nhưng doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận lãi suất thấp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
"Cách thiết kế của gói là hợp lý. Đây chính là cơ sở để kỳ vọng khi gói này được triển khai, nó không ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mơ, chỉ số nợ công, vay trả nợ công và lạm phát. Bên cạnh đó, có nhiều chính sách, vốn đã chứng minh được hiệu quả khi được đưa vào trong giai đoạn 2020-nay, sẽ tiếp tục được triển khai trong gói mới. Cùng với đó là những chính sách về tài khóa mới, như là giảm VAT 2%, hay giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô", PGS. TS Hoàng Văn Cường cho biết.
Ngoài ra, gói còn bổ sung thêm nguồn lực, chủ yếu dựa vào nguồn lực từ hệ thống tín dụng bằng cách hỗ trợ lãi suất. Điều này giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận các gói vay lãi suất thấp. Còn nguồn tiền mới, ĐB Cường cho rằng không nhiều. Tính tổng quy mô hỗ trợ là hơn 400.000 tỷ nhưng thực tế đều nằm ẩn trong các chính sách như là miễn, giãn, hoãn, giảm thuế. Còn lại, tiền mặt đưa vào chỉ khoảng chừng 176.000 tỷ. Đây rõ ràng không phải một lượng tiền lớn trong quãng thời gian 2 năm.
"Như vậy, tôi cho rằng chúng ta không coi đây là bơm tiền vào nền kinh tế. Đừng gọi đây là bơm tiền. Nếu chúng ta quan niệm chính sách này là bơm tiền vào nền kinh tế, nhiều người sẽ nghĩ rằng lượng tiền được bơm vào lưu thông sẽ rất nhiều, đẩy tình trạng lạm phát, khiến tiền mất giá…. Điều này dẫn tới hiện tượng ùa nhau đầu cơ vào bất động sản, chứng khoán…. Nó rất nguy hiểm", Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết.
Đại biểu Cường giải thích thêm, con số 176.000 tỷ đồng nhưng được giải ngân trong 2 năm và có thể kéo dài hơn nữa không phải là con số lớn. Nếu chia ra trung bình, tiền đâu đó chỉ vào khoảng hơn 80.000 tỷ mỗi năm, quá nhỏ so với chính lượng vốn đầu tư công mà nước ta vẫn giải ngân hàng năm.
"Phải nói rằng lượng vốn đưa vào trực tiếp vào nền kinh tế là rất nhỏ. Gói này tập trung vào các lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch hoặc nó thúc đẩy hoạt động phòng chống dịch để phục hồi kinh tế. Chứ với gói nhỏ như thế mà dàn trải nhiều dự án thì không mang lại hiệu quả kinh tế. Hoặc kéo quá dài thì cũng không hiệu quả", ông Cường nhấn mạnh.
Các lĩnh vực được đưa vào danh mục gồm có các trung tâm phòng chống dịch vùng, tăng cường cơ sở y tế ở các vùng đông dân cư. Ngoài ra, có ưu tiên ở các ngành đang bị tác động rất mạnh, ví dụ như du lịch, vận tải. Ngoài ra, có hỗ trợ nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp hay thành lập các trung tâm trung chuyển vùng để ngăn chặn đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch….
Tuy nhiên, đại biểu Cường cũng tỏ ra băn khoăn với một số dự án được đưa vào ưu tiên. Cụ thể, trong 176.000 tỷ đồng có thể được bơm vào nền kinh tế, đầu tư cho giao thông chiếm 103.000 tỷ.
"Giao thông là quan trọng, nhưng cần mở ra điểm tắc, điểm nút chứ không phải tất cả đều được đưa vào phục hồi. Các dự án không nằm trong diện đó thì nên đưa vào chương trình đầu tư công của Chính phủ", ông Cường nói.
Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng cần lưu ý hơn nữa chính sách hỗ trợ lãi suất. Hiện nay, các ngân hàng thương mại phải đảm bảo nguyên tắc kinh doanh, lấy lãi suất cho vay, trừ lãi suất huy động, chi phí vận hành, trích lập dự phòng rủi ro. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện giãn, hoãn các khoản nợ đến hạn phải trả, cơ cấu lại nợ. Nếu không có chính sách đó, nhiều khoản nợ của doanh nghiệp hiện nay đã trở thành nợ xấu. Khi thành nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro phải lớn. Điều đó cho thấy tiềm ẩn nợ xấu của ngân hàng rất cao.
Từ thực tế đó, không thể ép ngân hàng thương mại giảm lãi suất. Cũng vì thế, không phải tất cả các doanh nghiệp đều có thể tiếp cận với mức hỗ trợ lãi suất 2% mà không gặp rủi ro.
"Tôi cho rằng một số lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nặng, cần được ưu tiên, cần hỗ trợ lãi suất 4%. Nếu hỗ trợ 4% cho một số lĩnh vực, người ta chỉ phải trả lãi suất cho ngân hàng sau trợ cấp là 4-5%. Nó chỉ tương đương tỷ lệ tăng giá lạm phát. Kinh doanh, dù không hiệu quả, cũng không phải bù lỗ vốn vay. Các doanh nghiệp vẫn được yêu cầu phải làm ăn hiệu quả nhưng họ sẽ không phải chịu sức ép từ nợ vay khi chưa thể phục hồi hoàn toàn ngay lập tức. Cần tăng thêm hỗ trợ cấp bù lãi suất", ông Cường nói.
Lấy ví dụ cụ thể, vị Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng nếu dành 40.000 tỷ để cấp bù lãi suất với mức hỗ trợ 4% thì có 1 triệu tỷ được bơm vào nền kinh tế, được các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hấp thụ. Nó góp phần làm tăng nguồn lực rất lớn và có tính lan tỏa cao.
Biện pháp kể trên cũng sẽ giúp các ngân hàng thương mại tiếp tục kinh doanh. Với mức lãi suất hợp lý, quy mô dư nợ tín dụng ngân hàng thương mại tăng lên nhờ doanh nghiệp tiếp cận vốn nhiều hơn. Khi đó, các ngân hàng mới có điều kiện để cắt giảm bớt chi phí vận hành trên tổng dư nợ tín dụng. Đó là điều kiện để ngân hàng tăng lãi suất huy động.
"Hiện nay, lãi suất cho vay cao nhưng lãi suất huy động lại thấp, điều đó không tốt cho nền kinh tế bởi người dân có tiền nhàn rỗi sẽ không đưa vào hệ thống ngân hàng mà đầu tư sang bất động sản, chứng khoán…. Chỉ khi nào ngân hàng tăng lãi suất huy động lên thì mới có thể hút vốn vào, tránh tình trạng tiền trôi nổi trong các lĩnh vực đầu cơ, giảm thiểu nguy cơ khủng hoảng kinh tế. Đó là điều rất là cần thiết", ông Cường nói.
Một trong những biện pháp để hạn chế dòng tiền vào đầu cơ chính là để xã hội, người dân hiểu rằng gói kích thích này không phải bơm tiền vào nền kinh tế. So sánh với thế giới, ông Cường nhấn mạnh gói ích thích của chúng ta rất nhỏ. Thế giới, có những nước phát tiền mặt tương đương 10% GDP cho người dân. Cá biệt như Nhật Bản, số tiền lên tới 40% GDP. Trong khi đó, tính theo năm, số tiền kích thích của Việt Nam chỉ rơi vào khoảng 1-1,2% GDP.
"Trước hết, cần giải tỏa về mặt tâm lý cho người dân, tránh trường hợp dự phòng lạm phát bằng việc đổ tiền vào đầu cơ cho BĐS, chứng khoán… thay vì đưa vào sản xuất kinh doanh. Đó là điều không tốt", ĐBQH Hoàng Văn Cường nói.
Về thị trường chứng khoán, ông Cường nói rằng thông thường, chứng khoán phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Kinh tế tăng lên thì chứng khoán mới tăng.
"Tuy nhiên, nền kinh tế chúng ta đang rất khó khăn mà chứng khoán tăng nhanh thế, tôi đánh giá là có vấn đề, có thể là tăng nóng. Nói như vậy không có nghĩa là không có những doanh nghiệp làm ăn thực sự hiệu quả. Trong đại dịch, có nhiều công ty làm ăn hiệu quả, dẫn tới giá chứng khoán tăng. Tuy nhiên, tăng đồng đều, tăng cả, thì phải xem xét", ông Cường nói.
Ngoài ra, việc xây dựng gói kích thích cũng đã tính đến nguy cơ có thể xảy ra tình trạng trục lợi chính sách như giai đoạn 2009-2011. Thời điểm đó, có những doanh nghiệp vay tiền lãi suất thấp nhưng không đưa vào đầu tư, không đưa vào kinh doanh mà vay tiền về gửi ngân hàng, hưởng chênh lệch lãi suất. Vay tiền lãi suất thấp mang đi đầu tư BĐS, chứng khoán càng nguy hiểm hơn.
"Dòng tiền không chảy vào sản xuất mà chảy sang các khu vực đầu cơ chính là điều mà các nhà hoạch định chính sách rất lo ngại khi đưa ra gói hỗ trợ này", ông Cường nói.
Tuy nhiên, chúng ta có những công cụ để giải quyết vấn đề này. Với sự phổ biến của công nghệ thông tin, các ngân hàng hoàn toàn có thể kiểm soát được dòng tiền cho vay lãi suất thấp. Điều này đảm bảo tiền đến đúng nơi cần đến, từ đó mang lại hiệu quả ích thích kinh tế thay vì đầu cơ.
"Trước đây, do tiền mặt là chủ yếu nên chúng ta không thể theo dõi được dòng tiền. Bây giờ, ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi, đặc biệt là nỗ lực chuyển đổi số, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát để biết dòng tiền chảy về đâu. Khi cho vay ưu đãi, phải kiểm soát được dòng tiền ấy. Cũng nhờ vậy, chính sách cho vay không bị cứng nhắc về thời gian. Chính sách cơ động, cá thể hóa, đảm bảo an toàn cho tín dụng, tránh việc tiền cho vay ra mà chảy vào đầu cơ", ông Cường nhấn mạnh.
Theo Tổ Quốc