Dư địa chính sách tiền tệ có khả năng thúc đẩy phục hồi kinh tế

28/10/2021 20:10

Các chính sách lớn thời gian tới sẽ tác động đến vĩ mô và công tác chỉ đạo, điều hành với mục tiêu chung là tháo gỡ rào cản, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế.

Vừa qua, Tổ công tác liên Bộ đã họp để đánh giá và đề xuất các chính sách kinh tế vĩ mô, tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thế Ngân - Vụ trưởng Vụ Tài chính, tiền tệ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin về kết quả tăng trưởng kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa, xuất nhập khẩu; giá cả, lạm phát; thu, chi ngân sách nhà nước; thị trường tiền tệ, tín dụng; chính sách và phối hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; tình hình sản xuất kinh doanh...

Vụ trưởng Nguyễn Thế Ngân cho biết, hiện, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. "Nền kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng dương dù chịu ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19", ông nói.

Chính sách - Dư địa chính sách tiền tệ có khả năng thúc đẩy phục hồi kinh tế

Vụ trưởng Nguyễn Thế Ngân cho biết nền kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng dương dù chịu ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài chính đã thông tin về tình hình thu - chi ngân sách nhà nước quý III, 9 tháng đầu năm 2021 và đánh giá về kết quả triển khai thực hiện các chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Theo đại diện Bộ Tài chính, thời gian qua, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Nghị quyết được ban hành nhằm đảm bảo các chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng, trúng đối tượng để đạt được mục tiêu về hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19, sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng quy định các giải pháp miễn, giảm thuế tại Nghị quyết gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, giảm thuế giá trị gia tăng và miễn tiền chậm nộp.

Chính sách - Dư địa chính sách tiền tệ có khả năng thúc đẩy phục hồi kinh tế (Hình 2).

Đại diện Bộ Tài chính đã thông tin về tình hình thu - chi ngân sách Nhà nước quý III và 9 tháng đầu năm 2021.

"Số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 140.000 tỷ đồng", đại diện Bộ Tài chính cho hay.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước thông tin về tình hình tiền tệ, tín dụng, ngân hàng trong quý III, 10 tháng đầu năm 2021 cùng kết quả triển khai thực hiện các chính sách tiện tệ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo lãi suất cho vay; điều chỉnh mức lãi suất cho vay; đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng đảm bảo cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời cho nền kinh tế; huy động vốn tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước; mặt bằng lãi suất điều hành theo xu hướng giảm.

Qua đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước nhận định dư địa chính sách tiền tệ có khả năng thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế.

Chính sách - Dư địa chính sách tiền tệ có khả năng thúc đẩy phục hồi kinh tế (Hình 3).

Đại diện Ngân hàng Nhà nước thông tin về tình hình tiền tệ, tín dụng, ngân hàng quý III và 10 tháng đầu năm 2021. 

Cũng tại buổi họp, đại diện Bộ Công Thương thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2021, đồng thời đánh giá về những điểm sáng trong xuất, nhập khẩu, đưa ra các triển vọng trong thời gian tới.

"Tăng trưởng xuất khẩu đạt kết quả tích cực. Các thị trường chính vẫn duy trì các mặt hàng chủ lực, việc triển khai các FTA mang lại hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu trong 9 tháng qua", đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết cần tiếp tục triển khai quyết liệt các nội dung, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP về quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Bên cạnh đó, cần cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu đảm bảo sản xuất kinh doanh; duy trì, khôi phục chuỗi cung ứng; thúc đẩy các hoạt động thương mại từ các hiệp định FTA mang lại; tiếp tục đẩy mạnh lưu thông, đảm bảo cung ứng hàng hóa; triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh các hoạt động kêt nối cung cầu; áp dụng thương mại điện tử trong lưu thông hàng hóa; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh giữa các quốc gia; chú trọng triển khai các FTA nhằm phát huy các ưu đãi; triển khai Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương ghi nhận và đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, các ý kiến đã đưa ra các nhận định về thực trạng nền kinh tế.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, các chính sách lớn thời gian tới được ban hành tác động đến vĩ mô và công tác chỉ đạo, điều hành như Chương trình phục hồi và phát triển nền kinh tế. "Mục tiêu chung là tháo gỡ rào cản, khơi thông nguồn lực, gia tăng đầu tư, sử dụng tiền tệ, nguồn vốn", Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, các chỉ số kinh tế - xã hội về vĩ mô, lạm phát; cân đối ngân sách; tiền tệ tín dụng… cho thấy sự ổn định về thương mại và sản xuất công nghiệp.

Trên cơ sở các ý kiến, Thứ trưởng đề nghị Vụ Tài chính, tiền tệ tổng hợp, bám sát nội dung các định hướng, giải pháp các tháng cuối năm 2021 nhằm hoàn thiện báo cáo chung của Tổ để báo cáo cấp có thẩm quyền.