Đề xuất thêm quyền cho thành phố Thủ Đức

07/04/2023 16:03

Sau 2 năm thành lập, ngoài sự hấp dẫn về những lợi thế của việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị đặc thù, việc vận hành TP.Thủ Đức đang vướng một số trở ngại.

Giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập

Ngày 7/4, UBND TPHCM và Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp tổ chức hội thảo "Cơ chế chuyển dịch đất đai và Chính sách pháp lý đột phá cho TPHCM".

Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Trọng Hiểu (Trường ĐH Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, pháp luật đất đai ghi nhận 3 cách thức chủ đạo trong dịch chuyển đất và quyền sử dụng đất giữa các chủ thể.

Tuy nhiên, với những lý do về tính đặc thù cũng như mức độ và tần suất triển khai các dự án, chuyên gia này cho rằng cần cho phép TPHCM tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công.

Cụ thể, khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B, HĐND TPHCM được quyết định tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập cũng như mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm đầu tư của dự án án độc lập này.

Đề xuất thêm quyền cho thành phố Thủ Đức - Ảnh 1.

Cần cho phép TPHCM tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công.

Trên cơ sở đó, UBND TPHCM sẽ quyết định đầu tư hoặc điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng trong phạm vi dự án bồi thường độc lập mà HĐND TPHCM đã quyết định. Quyết định đầu tư các dự án bồi thường độc lập này là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm để thực hiện.

“Đây là một đề xuất mang tính đột phá vì có thể giải quyết được vấn đề nghẽn vốn và nguồn kinh phí để bồi thường trong các dự án đầu tư công có thu hồi đất”, ông Hiểu nói.

Về xác định nguyên tắc bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất, ông Hiểu kiến nghị cần cho TPHCM phương án áp dụng theo các cấp độ ưu tiên giảm dần như giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường. Khi đó, dựa vào điều kiện thực tế tại địa phương, HĐND TPHCM là cơ quan có thẩm quyền quyết định tỷ lệ quy đổi cũng như điều kiện bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng hoặc bằng nhà ở.

“Việc tách dự án bồi thường độc lập là tiền đề để các cơ quan quản lý có thể đảm bảo đủ điều kiện ban hành quyết định thu hồi đất ngay cả khi các giai đoạn khác của quá trình phê duyệt, quyết định và triển khai dự án đầu tư công chưa hoàn tất. So với Luật đất đai 2013, dự thảo Luật đất đai sửa đổi đã bổ sung quy định về tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng khi thu hồi đất”, ông Hiểu nói.

Cần thêm quyền cho TP.Thủ Đức

Ngày 1/1/2021, TP Thủ Đức được thành lập và là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức bộ máy hành chính theo mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Hiện nay, phương án tổ chức thêm các đơn vị hành chính theo mô hình này tiếp tục được đề xuất áp dụng ở một số địa phương khác, kể cả quận huyện khác của TPHCM.

Tuy nhiên, ngoài sự hấp dẫn về những lợi thế của việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị đặc thù, việc vận hành TP.Thủ Đức đang vướng một số trở ngại.

Một trong những nhu cầu rất lớn của Thủ Đức chính là cơ chế phân quyền, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước về đô thị. Tuy nhiên, Luật đất đai hiện hành đều quy định thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và cả thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện, thẩm quyền này được các cơ quan nói trên trực tiếp thực hiện mà không được ủy quyền cho cơ quan khác.

Đề xuất thêm quyền cho thành phố Thủ Đức - Ảnh 2.

Ngoài sự hấp dẫn về những lợi thế của việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị đặc thù, việc vận hành TP.Thủ Đức đang vướng một số trở ngại.

Đối với thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND cấp tỉnh được quyền ủy quyền nhưng chỉ có Sở Tài nguyên Môi trường nhận sự ủy quyền này để thay UBND cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất thuộc quyền quản lý trong một số trường hợp được ủy quyền. Dự thảo Luật đất đai sửa đổi hiện nay không thay đổi cách tiếp cận này. Do đó, khả năng TP Thủ Đức được trao thêm quyền quyết định là khó xảy ra.

Do đó, ông Hiểu kiến nghị, dự thảo Luật đất đai cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở ra một số quy định ngoại lệ cho các địa phương đang hoạt động theo mô hình đặc thù. Cụ thể, đối với nội dung quy định về thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh, dự thảo cần đề cập đến tình huống cơ quan này có thể ủy quyền, trao quyền hoặc phân quyền lại cho chính quyền thành phố thuộc thành phố. Trong trường hợp cần thiết, dự thảo tiến tới bổ sung quy định xác định UBND thành phố thuộc thành phố được quyền ban hành quyết định hành chính gắn với các chủ thể thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, đặc biệt là các tổ chức kinh tế sử dụng đất trên địa bàn.

“Cả TPHCM và Thủ Đức đều cần những cơ chế đặc thù, mang tính đột phá để có thể tiếp tục phát triển, hỗ trợ các địa phương trong vùng và cả nước phát triển. Những tiếp nối trong quy định chi tiết của Luật đất đai là cần thiết và góp phần quan trọng trong quá trình bảo đảm việc triển khai thực thi có hiệu quả việc tổ chức bộ máy chính quyền địa phương đặc thù ”, ông Hiểu khẳng định.

Bạn đang đọc bài viết "Đề xuất thêm quyền cho thành phố Thủ Đức" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG.