Đề xuất sửa một số quy định về phí sử dụng đường bộ

30/06/2022 22:06

Dự thảo mới này về cơ bản kế thừa quy định hiện hành, ngoài ra cũng đề xuất thay đổi thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản…

Ngày 24/6, Bộ Tài chính đã đăng tải dự thảo "Nghị định quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ" để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến.

Theo Bộ Tài chính, triển khai quy định tại Luật Phí và lệ phí, trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 293/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ và Thông tư số 70/2021/TT-BTC ngày 12/8/2021 (thay thế Thông tư số 293/2016/TT-BTC).

Thông tư thu phí sử dụng đường bộ được ban hành đảm bảo đồng bộ với quy định tại Luật Phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí; Luật Giao thông đường bộ; Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012, Nghị định số 56/2014/NĐ-CP ngày 30/5/2014, Nghị định số 28/2016/NĐ-CP ngày 20/4/2016 của Chính phủ về quỹ bảo trì đường bộ.

Theo Bộ Tài chính, chính sách thu phí sử dụng đường bộ được ban hành đã tạo khung pháp lý rõ ràng cho tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí. Tiền phí đường bộ thu được hàng năm khoảng 9.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) và dành toàn bộ cho hoạt động bảo trì đường bộ. Ngoài số tiền phí thu được, hàng năm, NSNN cấp thêm khoảng 3.000 tỷ đồng cho hoạt động duy tu, bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý.

Tuyến đường bộ được sửa chữa kịp thời các hư hỏng, bảo đảm hệ thống đường bộ thông suốt, an toàn và phát huy hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện Thông tư số 293/2016/TT-BTC phát sinh một số vướng mắc về: Đối tượng chịu phí; tính phí và truy thu phí đối với xe của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp bán thanh lý (chưa nộp phí cho thời gian chờ thành lý thì người mua có phải nộp không); thay đổi tổ chức thu phí đối với xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng (Tổng cục Đường bộ Việt Nam thay cho Văn phòng Quỹ bảo trì trung ương – đã giải thể),...

Để giải quyết các vướng mắc nêu trên, năm 2021, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng và ban hành Thông tư số 70/2021/TT-BTC ngày 12/8/2021 (thay thế Thông tư 293/2016/TT-BTC).

Mức thu phí sử dụng đường bộ vẫn như hiện hành

Năm 2021, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ GTVT đánh giá tình hình thực hiện thu phí sử dụng đường bộ và ban hành Thông tư số 70/2021/TTBTC. Vì vậy, nội dung Nghị định cơ bản kế thừa nội dung đang quy định tại Thông tư số 70/2021/TT-BTC.

Dự thảo Nghị định quy định đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là ô tô (xe ô tô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự) đã đăng ký, kiểm định để lưu hành. Đồng thời, quy định một số trường hợp xe không chịu phí sử dụng đường bộ do: Bị hủy hoại, bị tịch thu, bị tai nạn không thể sử dụng tiếp sau sửa chữa; xe không sử dụng đường bộ trong thời gian dài trên 30 ngày (trong đó, có xe kinh doanh vận tải của doanh nghiệp kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục 30 ngày trở lên).

Ngoài ra, dự thảo nghị định quy định 5 trường hợp miễn phí gồm: Xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe phục vụ tang lễ, xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.

Các trung tâm đăng kiểm thu phí đối với các loại xe ô tô (trừ xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng) khi thực hiện đăng kiểm xe. Tổng cục Đường bộ Việt Nam thu phí đối với xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng (xe này do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý và kiểm định).

Mức thu phí áp dụng cho ô tô (trừ xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng) chia làm 8 nhóm theo tải trọng và ghế ngồi của xe: Từ 130.000 đồng/tháng đến 1.430.000 đồng/tháng.

Xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng chia làm 2 nhóm: Xe ô tô con mức 1.000.000 đồng/năm; xe tải, xe khách: 1.500.000 đồng/năm (phí sử dụng đường bộ nộp cho xe ô tô của công an, quốc phòng do NSNN đảm bảo).

Chính sách - Đề xuất sửa một số quy định về phí sử dụng đường bộ

Mức thu phí sử dụng đường bộ tại dự thảo vẫn như hiện hành.

Về cách tính và thu phí: Xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nộp phí cho toàn bộ xe ô tô mình quản lý 01 lần/năm; xe ô tô còn lại nộp theo: Chu kỳ đăng kiểm; theo năm dương lịch; theo tháng đối với trường hợp doanh nghiệp có số phí phải nộp từ 30 triệu đồng trở lên.

Về quản lý, sử dụng tiền phí: Tổng cục Đường bộ Việt Nam được để lại 1,2% tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí. Các Trung tâm đăng kiểm thu phí nộp về Cục Đăng kiểm Việt Nam (trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày thu phí) để Cục Đăng kiểm Việt Nam tổng hợp và khai, nộp phí vào NSNN.

Các Trung tâm đăng kiểm được để lại 1,32% tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí. Trường hợp Trung tâm đăng kiểm thuộc doanh nghiệp thì tiền phí để lại là doanh thu của Trung tâm, Trung tâm khai, nộp thuế theo quy định.

So với quy định hiện hành, dự thảo Nghị định không quy định về in và phát hành vé "phí đường bộ toàn quốc". Vì vé "phí đường bộ toàn quốc" để phục vụ cho mục đích xe ô tô của lực lượng quốc phòng, an ninh khi lưu thông qua các trạm thu phí BOT trên toàn quốc được miễn phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Việc quy định chứng từ miễn phí BOT thuộc Bộ GTVT. Ngày 30/11/2021, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 28/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT quy định về giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn các dự án đầu tư xây dựng đường bộ do Bộ GTVT quản lý. Trong đó, đã có quy định về việc in, phát hành vé "phí đường bộ toàn quốc".

Tuệ Minh