Đề xuất phân quyền cho địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt

19/04/2022 21:01

Đến nay, chưa có dự án đầu tư phát triển đường sắt quốc gia theo hình thức đối tác công tư thay vào đó vẫn chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách của Nhà nước.

Cục Đường sắt Việt Nam đang tiến hành lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Báo cáo tổng kết Luật Đường sắt 2017. Một trong những điểm đáng chú ý tại Dự thảo là đề xuất phân quyền cho UBND cấp tỉnh tham gia tổ chức xây dựng đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Theo dự thảo, tính đến nay chưa có dự án đầu tư phát triển đường sắt quốc gia theo hình thức đối tác công tư. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách của Nhà nước.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội, Bộ GTVT đang khẩn trương thực hiện đầu tư để phấn đấu hoàn thành 4 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh trong kế hoạch trung hạn nhằm đảm bảo an toàn giao thông, từng bước nâng cao năng lực thông qua.

Cụ thể là Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội-Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội-TP Hồ Chí Minh; Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Vinh-Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội-TP Hồ Chí Minh; Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Nha Trang-Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội-Tp.Hồ Chí Minh; Dự án cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đang tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án: Cải tạo khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện, tuyến đường sắt Hà Nội - Tp.HCM; Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; Dự án đường sắt Sài Gòn - Cần Thơ; Dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc; Các dự án quan trọng quốc gia tạo động lực giai đoạn trung hạn 2025-2030 (đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành; đường sắt phía Đông: Ngọc Hồi - Lạc Đạo).

Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đang tiếp tục dừng, hoãn giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ.

Các dự án nêu trên theo quy định hiện nay đều do Bộ GTVT tổ chức xây dựng bằng nguồn ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có).

Chính sách - Đề xuất phân quyền cho địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt

Ngân sách Nhà nước bố trí cho đầu tư hạ tầng đường sắt giai đoạn 2021-2025 là 14.025 tỷ đồng, bằng khoảng 5,8% so với nhu cầu.

Trong khi đó, tại Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đến năm 2030 cần khoảng 240.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện ngân sách Nhà nước bố trí cho đầu tư hạ tầng đường sắt giai đoạn 2021-2025 là 14.025 tỷ đồng, bằng khoảng 5,8% so với nhu cầu.

Được biết, trong giai đoạn 2016-2021 nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt đạt 6,8% toàn ngành; vốn bố trí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đạt 43%.

Cục Đường sắt Việt Nam đánh giá với kinh phí đầu tư trong giai đoạn 2016-2021 là chưa đảm bảo được mục tiêu về chính sách của Nhà nước về phát triển đường sắt được nêu tại Luật Đường sắt 2017.

Do đó, Cục Đường sắt Việt Nam nhấn mạnh thời gian tới cần tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, công nghiệp đường sắt, quản lý kinh doanh hạ tầng đường sắt.

Trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định “tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại” và “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả”, Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất xem xét phân quyền cho UBND cấp tỉnh tham gia tổ chức xây dựng đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

“Ngoài Bộ GTVT đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cần thiết xem xét bổ sung thêm chủ thể là UBND cấp tỉnh được quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia để huy động các nguồn vốn hợp pháp để tham gia hỗ trợ đầu tư; tổ chức đầu tư, thí điểm đầu tư, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng các tuyến đường sắt”, Cục Đường sắt nêu ý kiến tại Dự thảo.

Theo đề xuất của Cục Đường sắt Việt Nam, dự kiến sẽ phân quyền cho 26 UBND tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương đầu tư, bảo trì, khai thác đường sắt kết nối đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng, các cảng biển lớn, cảng cạn, cảng thủy nội địa, khu kinh tế, khu du lịch... trên địa bàn với mạng lưới đường sắt quốc gia; đường sắt kết nối nội vùng.

Cụ thể bao gồm:   Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, TP Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tp. HCM

Đối với các tuyến đường sắt quốc gia qua địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên sau khi có ý kiến của Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do UBND cấp tỉnh tổ chức đầu tư xây dựng.