Đề xuất phân cấp UBND tỉnh phê duyệt phương án tổ chức giao thông cao tốc

01/07/2022 12:34

Dự thảo đã phân cấp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm phê duyệt phương án, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý.

Ngày 28/6, Bộ GTVT đã đăng tải "Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc" các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến.

Theo Bộ GTVT, ngày 10/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước, trong đó có quy định tại mục 3 "Các Nghị định của Chính phủ" thuộc phụ lục kèm theo Nghị quyết có yêu cầu đối với Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc: “Nghiên cứu để sửa đổi Điều 6 theo hướng phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm phê duyệt phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý; nghiên cứu để sửa đổi Điều 20 để làm rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức giao thông và quản lý, bảo trì đường cao tốc do địa phương đầu tư”.

Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 của Chính phủ đang quy định một số nội dung liên quan đến Quỹ bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, ngày 13/01/2020 Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2020/NĐ-CP bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về Quỹ bảo trì đường bộ, gồm các Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012, Nghị định số 56/2014/NĐ-CP ngày 30/5/2014, Nghị định số 28/2016/NĐ-CP ngày 20/4/2016.

Bên cạnh đó, căn cứ ban hành Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 của Chính phủ là Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25/12/2001 đã được sửa đổi, bổ sung bằng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019.

Đồng thời, sau 8 năm thực hiện, đến nay một số nội dung của Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định mới để phù hợp với công tác quản lý khai thác đường cao tốc giai đoạn hiện này và thời gian tới.

"Do vậy, để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ cao tốc và phù hợp với Nghị quyết số 04/NQ-CP của Chính phủ, việc xây dựng Nghị định để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 của Chính phủ là cần thiết", Bộ GTVT cho biết.

Nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định sửa đổi

Dụ thảo sửa đổi, bổ sung các Điểm, khoản, Điều của Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 của Chính phủ để quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án tổ chức giao thông, bao gồm các trường hợp đặc biệt trên đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của địa phương; kiểm tra, giám sát việc tổ chức khai thác, bảo trì và việc thực hiện phương án tổ chức giao thông đối với các đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Quy định về Trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia và Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến để phù hợp với thực tiễn trong trường hợp các Trung tâm này được đầu tư cùng với tuyến đường cao tốc hoặc đầu tư trong giai đoạn vận hành khai thác tuyến đường; sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế tổ chức hoạt động của các Trung tâm này.

Quy định doanh nghiệp đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh khai thác đường cao tốc thực hiện việc tuần kiểm trên đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý và làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền doanh nghiệp đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh khai thác đường cao tốc.

Bỏ thủ tục công bố đưa công trình đường cao tốc vào khai thác, việc đưa công trình đường cao tốc vào khai thác thực hiện sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng, công trình được nghiệm thu hoàn thành theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Quy định thu phí trên đường cao tốc áp dụng hình thức thu phí điện tử tự động không dừng (ETC) theo chủ trương hiện nay của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Quy định việc kết nối với đường cao tốc đang khai thác tuân theo quy hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia; công tác thỏa thuận khi thực hiện đầu tư tuyến đường kết nối với đường cao tốc đang khai thác, nhằm bảo đảm an toàn giao thông liên kết giữa các tuyến cao tốc do Trung ương đầu tư, địa phương đầu tư hoạc Doanh nghiệp PPP đầu tư được an toàn, thông suốt và thống nhất về trạm thu phí, các vấn đề liên quan khác.

Quy định Bộ Công an chủ trì (trước đây quy định Bộ Giao thông vận tải chủ trì), phối hợp với Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định phối hợp trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xử lý tai nạn, sự cố về giao thông trên đường cao tốc để tăng hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên đường cao tốc.

Quy định nội dung liên quan đến chi phí cho công tác cứu nạn, cứu hộ, công tác đảm bảo an toàn giao thông trong các hoạt động cứu nạn, cứu hộ trên đường cao tốc nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác, kịp thời, nhanh chóng và chủ động thực hiện công tác tiếp cận hiện trường, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông khi có sự cố trên đường cao tốc; ngăn ngừa các trường hợp sự cố nghiêm trọng, như có thể va chạm liên hoàn khi có phương tiện ở làn xe chạy tốc độ cao không thể di chuyển,…

Quy định cơ quan quản lý đường cao tốc tổ chức thực hiện bảo trì, vận hành khai thác khi sử dụng ngân sách Nhà nước để thay Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh, nhằm thể hiện việc tăng cường phân giao trách nhiệm, giảm công việc cho các cơ quan Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và phù hợp với pháp luật về xây dựng, bảo trì công trình xây dựng.

Bỏ quy định liên quan đến Quỹ bảo trì đường bộ phù hợp với Nghị định số 09/2020/NĐ-CP ngày 13/01/2020 của Chính phủ.

Bãi bỏ nội dung giải thích từ ngữ tại Khoản 8 về Trung tâm quản lý điều hành giao thông khu vực và Khoản 9 về Trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến của Điều 3. Các nội dung về hai Trung tâm này được quy định cụ thể trong các Điều 7 và Điều 8 của Nghị định sửa đổi.

Bãi bỏ khoản 5 Điều 16. Cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra tai nạn, sự cố trên đường cao tốc: Do việc chia sẻ, điều hành thông tin giao thông đã được quy định tại Điều 8A và Điều 9 của dự thảo Nghị định sửa đổi.

Bãi bỏ Điều 19. Chi phí bảo trì công trình đường cao tốc: Do nguồn chi phí bảo trì công trình đường cao tốc đã được quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước đối với đường cao tốc của Nhà nước; quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ và quy định tại các hợp đồng PPP, hợp đồng chuyển nhượng đường cao tốc theo quy định của pháp luật khác.

Tuệ Minh