Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều vừa ban hành quyết định về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, yêu cầu hạn chế tụ tập nơi đông người, hạn chế người dân ra đường khi không cần thiết, cấm các hoạt động dịch vụ tại chỗ, như: quán cà phê, quán ăn, giải trí, làm đẹp.
Những quy định trên được áp dụng trên toàn tỉnh, không phân biệt các vùng xanh, vàng, cam, đỏ. Theo lý giải của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, việc áp dụng theo từng cấp độ vùng như trước đây dễ xảy ra tình trạng người dân ở "vùng đỏ", "vùng cam" chạy qua "vùng xanh", "vùng vàng" sử dụng dịch vụ. Điều này dẫn đến nguy cơ cho các vùng có cấp độ thấp, vì phải tiếp nhận lượng lớn người đến từ vùng nguy cơ cao, dễ lây nhiễm cộng đồng.
Bạc Liêu đang là một trong những điểm nóng nhất về dịch Covid-19 ở ĐBSCL. Mặc dù tỉnh đã huy động tổng lực để khống chế dịch bệnh, song số ca mắc vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Trước tình hình này, tỉnh đã chuẩn bị cho kịch bản tiếp nhận, điều trị cùng lúc cho 5.000 ca mắc.
"Hệ thống điều trị Covid-19 tại Bạc Liêu đang được thiết lập theo mô hình 3 tầng. Trong đó, tầng 3 điều trị ca nặng. Đến nay, Bạc Liêu đã nhận được sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM). Ngoài ra, Bạc Liêu cũng đặt vấn đề với Bộ Tư lệnh Quân khu 9 để hỗ trợ nguồn nhân lực phục vụ chống dịch, trang thiết bị. Tỉnh vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ thuốc men, đồ bảo hộ... phục vụ phòng chống dịch" - ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, thông tin.
Ngành y tế TP Cần Thơ tổ chức tiêm vắc-xin cho học sinh ở quận Ninh Kiều vào sáng 22-11 Ảnh: Ca Linh
Trong ngày 22-11, TP Cần Thơ ghi nhận 535 ca mắc Covid-19, tăng 194 ca so với ngày 21-11. Đến nay, TP có hơn 14.750 F1 và hơn 3.500 F0 đang được cách ly, điều trị tại nhà. Nhằm giảm áp lực điều trị, nhất là trước tình hình dịch có chiều hướng tăng, UBND TP Cần Thơ yêu cầu các sở, ban ngành tiếp tục thực hiện cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà.
UBND TP cũng quyết định thành lập 50 đội y tế lưu động (4 thành viên/đội) là sinh viên và 10 bác sĩ của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ hỗ trợ hoạt động này. Đội y tế lưu động có nhiệm vụ giám sát, theo dõi F1 và F0 được cách ly và điều trị tại nhà; hỗ trợ các trạm y tế khám chữa bệnh, theo dõi sức khỏe, phát thuốc cho F1 và F0.
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, vừa yêu cầu ngành y tế tỉnh này tăng cường cách ly F1 và theo dõi, điều trị F0 tại nhà. Song song đó, các sở, ngành và địa phương sẵn sàng triển khai các trạm y tế lưu động để kịp thời đáp ứng yêu cầu cách ly, điều trị, bảo đảm theo dõi y tế đối với trường hợp nhiễm bệnh.
Các địa phương chủ động hình thành các đội phản ứng nhanh để bảo đảm phục vụ hoạt động của trạm y tế lưu động; xem xét thiết lập chốt kiểm soát dịch để hướng dẫn, nâng cao nhận thức tuân thủ các quy định phòng dịch của người dân.
UBND tỉnh Tiền Giang cũng đưa ra nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả điều trị và ứng phó với dịch Covid-19, trong đó có việc triển khai đồng loạt việc cách ly, điều trị F0 tại nhà, trạm y tế; củng cố trạm y tế xã, liên xã để hỗ trợ F0 ngay từ cơ sở; tổ chức tốt hoạt động của các trạm y tế lưu động.
4.776 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh
Bộ Y tế cho biết ngày 22-11, Việt Nam ghi nhận 10.321 ca mắc Covid-19 tại 58 tỉnh, thành, tăng 417 ca so với ngày 21-11, trong đó có 5.647 ca trong cộng đồng. Đây là ngày ghi nhận số mắc cao nhất trong 2 tháng qua. Cùng ngày, có 4.776 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 910.276.
D.Thu