Tại cuộc họp về nhập khẩu và sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19 trong nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 26-11, trên thế giới có 326 loại vắc-xin đang được nghiên cứu, trong đó 132 loại vắc-xin đang được thử nghiệm lâm sàng bằng các công nghệ khác nhau. Đến thời điểm này, Việt Nam có 9 loại vắc-xin Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Sẽ có ít nhất một vắc-xin nội trong năm 2021
Với vắc-xin Covid-19 được nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng trong nước, Bộ Y tế cho biết hiện có các ứng viên vắc-xin như Nano Covax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, vắc-xin do Công ty Shionogi (Nhật Bản) phát triển. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang hướng dẫn các đơn vị trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19 từ các quốc gia khác như Cuba, Ấn Độ… và có thư gửi WHO giới thiệu các đơn vị của Việt Nam tham gia chương trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ mRNA của WHO.
Trước đó, hồi tháng 9, tại cuộc họp về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng, sản xuất thuốc, vắc-xin Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết song song với các nỗ lực đàm phán mua vắc-xin từ các nhà sản xuất nước ngoài, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về nghiên cứu, phát triển vắc-xin Covid-19 trong nước. Để sớm phát triển vắc-xin Covid-19 trong nước theo tinh thần rút gọn tối đa các trình tự, thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc, quy định về pháp lý, khoa học và thực tiễn, các hội đồng chuyên môn, các vụ, cục chức năng của Bộ Y tế đã chủ động hướng dẫn, hỗ trợ, các đơn vị nghiên cứu, các nhà sản xuất trong nước triển khai nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, hồ sơ đăng ký lưu hành vắc-xin.
Thử nghiệm vắc-xin Covid-19 trên người tình nguyện
Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định Việt Nam là một trong số ít nước ở khu vực đã chủ động nghiên cứu vắc-xin Covid-19. Dự kiến, sẽ có ít nhất 1 vắc-xin Covid-19 nội được cấp phép lưu hành vào cuối năm 2021.
Đến thời điểm hiện tại, vắc-xin Sputnik do Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) sản xuất từ nguyên liệu bán thành phẩm được đánh giá là khả quan nhất. TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH, cho biết công ty đã sản xuất thành công hơn 1 triệu liều vắc-xin Sputnik V. Đây là vắc-xin do Việt Nam sản xuất với công nghệ chuyển giao từ Nga. "Hơn 1 triệu liều vắc-xin Sputnik này sẽ thông qua các nhà tài trợ để đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho người dân. Quy mô gia công, đóng ống vắc-xin Sputnik V là 5 triệu liều 1 tháng, dự kiến nâng lên 100 triệu liều một năm" - TS Đạt cho hay.
Gấp rút về đích
Tương tự, vắc-xin ARCT-154 cũng cơ bản bảo đảm tiến độ thử nghiệm. Đây là vắc-xin chuyển giao công nghệ từ Mỹ. Theo các chuyên gia, vắc-xin ARCT-154 là nghiên cứu kế thừa công nghệ của vắc-xin Pfizer và Moderna, đã được nghiên cứu thử nghiệm tại Mỹ và Singapore. Hiện vắc -xin ARCT-154 đã được thử nghiệm trên hơn 16.000 tình nguyện viên tại miền Nam và miền Bắc. Thông qua thử nghiệm cho thấy vắc-xin ARCT-154 an toàn, tuy nhiên giới chuyên môn nhận định sớm nhất quý I/2022, vắc-xin này mới có thể đưa vào sử dụng.
Với 2 vắc-xin Covid-19 được nghiên cứu, phát triển hoàn toàn trong nước là Nano Covax của Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen và COVIVAC do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế, đến nay vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và đánh giá. Hiện vắc-xin Nano Covax đã hoàn tất thử nghiệm giai đoạn 3b và được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh quốc gia thông qua báo cáo đánh giá thử nghiệm giữa kỳ giai đoạn 3. Dự kiến, tới đây, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia sẽ họp lại để tiếp tục xem xét việc đề nghị cấp phép lưu hành cho vắc-xin Covid-19 Nano Covax.
Trong khi đó, với vắc-xin COVIVAC hiện đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo IVAC cho biết đơn vị nghiên cứu đã hoàn thành việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 đối với vắc-xin COVIVAC, tuy nhiên đơn vị đang gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm và tuyển người tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a.
Theo kế hoạch trong tháng 11 này, cả nước sẽ hoàn thành mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên. Hiện gần 70% nhóm đối tượng này đã hoàn thành mũi 2 nên việc tìm kiếm người đủ điều kiện tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc-xin rất khó. "Chúng tôi có ý định đề xuất Bộ Y tế cho phép chuyển hướng sang việc sử dụng vắc-xin COVIVAC cho mũi tiêm nhắc lại (mũi 3 và mũi 4) hoặc nghiên cứu vắc-xin để tiêm cho trẻ em. Tuy nhiên, tại thời điểm này đây mới là dự định" - lãnh đạo IVAC nói.
Trước đó, TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, cho biết khi được đánh giá hoàn thành các giai đoạn nghiên cứu (tất cả gồm 3 giai đoạn), nếu được Bộ Y tế cấp phép, IVAC sẽ sản xuất được ngay vắc-xin COVIVAC trong vòng 1 tháng. Với năng lực hiện tại, IVAC sẵn sàng sản xuất mỗi năm từ 20-30 triệu liều.
Trong bối cảnh hiện nay, ngoài các chủng virus SARS-CoV-2, hiện những nhà sản xuất vắc-xin cần nghiên cứu theo hướng hiệu quả vắc-xin ở liều tiêm bổ sung, thử nghiệm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em và đáp ứng của vắc-xin với các biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh như biến thể Omicron…
Biến thể Omicron kháng vắc-xin?
Giới nghiên cứu đang gấp rút tìm câu trả lời về việc liệu biến thể Omicron có thể kháng các loại vắc-xin ngừa Covid-19 hiện có hay không.
Các chuyên gia cảnh báo biến thể mới có thể dễ lây lan hơn và có khả năng tránh được các phản ứng miễn dịch của cơ thể so với các biến thể SARS-CoV-2 trước đó. Theo tờ New York Times, các loại vắc-xin vẫn có thể ngăn ca mắc Covid-19 chuyển nặng và tử vong nhưng vẫn cần thêm liều vắc-xin tăng cường để nâng cao hiệu quả phòng ngừa. Trong vòng một giờ kể từ khi có cảnh báo đầu tiên về Omicron, các nhà khoa học ở Nam Phi đã gấp rút thử nghiệm vắc-xin chống lại biến thể này. Các nhà sản xuất vắc-xin Pfizer-BioNTech và Moderna cũng chuẩn bị cải tiến vắc-xin tăng cường trong trường hợp cần thiết. Ông Paul Burton, Giám đốc y tế của Moderna, hôm 28-11, thông báo hãng này có thể cung cấp vắc-xin công thức mới chống lại biến thể Omicron vào đầu năm sau.
Trong khi chờ kết quả nghiên cứu về biến thể mới, nhiều nước đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh người đến từ Nam Phi và các nước miền Nam châu Phi. Thận trọng trước kịch bản tồi tệ nhất, Thủ tướng Kishida Fumio tuyên bố Nhật Bản sẽ đóng cửa biên giới với tất cả người nước ngoài từ ngày 30-11. Trước Nhật Bản, Israel cũng ra lệnh cấm nhập cảnh tương tự từ nửa đêm 28-11. Trong khi đó, Mỹ vẫn chưa áp đặt thêm bất kỳ biện pháp kiểm soát đặc biệt nào sau lệnh cấm nhập cảnh người đến từ 8 quốc gia ở châu Phi. Trước sự xuất hiện của biến thể Omicron, Philippines hôm 29-11 có cách tiếp cận khác khi đẩy nhanh chương trình tiêm vắc-xin cho 9 triệu người trong 3 ngày.
X.Mai