Sáng 2-7, UBND TP HCM đã chủ trì tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng đường Vành đai 3 và công tác chuẩn bị dự án đường Vành đai 4 TP HCM. Bốn địa phương đã ký kết triển khai kế hoạch thực hiện, quy chế phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 3.
Khởi công sớm hơn dự kiến
Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho dự án Vành đai 3 sau khi Quốc hội (QH) thông qua chủ trương đầu tư, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết TP HCM cùng với các địa phương đã khẩn trương phối hợp triển khai nhanh các đầu việc tiếp theo. Cụ thể: Hoàn thành dự thảo nghị quyết triển khai dự án, bàn giao hồ sơ cho các địa phương thực hiện những đầu việc liên quan, chuẩn bị đo vẽ, kiểm kê, thống kê ranh dự án, hoàn thiện việc tổ chức bộ máy điều hành của các địa phương.
Theo Giám đốc Sở GTVT TP HCM, mục tiêu đặt ra theo yêu cầu của Chính phủ là làm sao khởi công dự án sớm hơn vài tháng, dự kiến tháng 6-2023 thay vì cuối năm 2023. Theo kế hoạch, tháng 7-2022, Chính phủ ban hành nghị quyết triển khai nghị quyết của QH. Tháng 10-2022, bàn giao ranh dự án để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đến cuối năm 2023, bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng. Tất cả công việc phải được các địa phương triển khai, bảo đảm thi công đồng bộ, đặt mục tiêu thông xe toàn tuyến, hoàn thành cơ bản phần cao tốc vào tháng 10-2025 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.
Lãnh đạo 4 địa phương TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An ký kết quy chế, kế hoạch triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 3. Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ TP HCM
Theo quy chế phối hợp được 4 tỉnh, thành TP HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai ký kết, TP HCM là địa phương đầu mối, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sau khi QH ban hành nghị quyết, sau đó sẽ bàn giao cho chủ đầu tư các thành phần của 3 tỉnh thực hiện. Trong quy chế phối hợp cũng nhấn mạnh sự đồng bộ giải pháp kỹ thuật cho toàn dự án như: khung tiêu chuẩn áp dụng, giải pháp kỹ thuật, các hạng mục công trình ảnh hưởng đến mỹ quan chung. Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong việc thiết kế thi công, vận hành cũng phải đồng bộ như hệ thống thu phí không dừng, hệ thống giám sát vận hành.
Giải phóng mặt bằng là khó nhất
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh tuyến Vành đai 3 TP HCM là dự án lớn, thời gian thực hiện rất ngắn, trong khi trình Chính phủ ban hành nghị quyết thì phải thực hiện song song các công việc khác. Dự án này được chia làm 8 dự án thành phần, độc lập nên vai trò đầu mối của TP HCM rất quan trọng, nhằm đồng bộ khi thực hiện toàn tuyến.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng giải phóng mặt bằng là phần việc khó khăn nhất của dự án, nên 4 tỉnh, thành phải tập trung phối hợp triển khai. "Dứt khoát thời điểm khởi công phải có 70% mặt bằng cho ban quản lý dự án triển khai thi công như kế hoạch. Để bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng, cần phải gắn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Chẳng hạn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phải chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, căn cứ vào kế hoạch để kiểm điểm tiến độ" - Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.
Theo kết quả khảo sát, dự án Vành đai 3 có khoảng 3.863 hộ bị ảnh hưởng sẽ được bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Trong đó, khoảng 1.476 hộ dự kiến bố trí tái định cư (TP HCM 741 hộ, Đồng Nai 100 hộ, Bình Dương 515 hộ và Long An 120 hộ). Các địa phương đã sơ bộ có phương án tổ chức thực hiện việc tái định cư theo quy định, như: chuẩn bị các địa điểm, số lượng nền, căn hộ để bố trí, bảo đảm quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Riêng tỉnh Bình Dương dự kiến áp dụng chính sách hỗ trợ bằng tiền để người dân tự lo nơi ở mới.
Một trong những vấn đề được TP HCM lưu ý là đơn giá bồi thường khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành. Theo UBND TP HCM, hiện nay, Sở TN-MT TP HCM chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An thống nhất báo cáo UBND các tỉnh, thành ban hành đơn giá, chính sách bồi thường tại các khu vực này, làm sao để tương đồng, hài hòa. Đại diện các bộ, ngành cho biết sẽ sát cánh cùng các địa phương để triển khai dự án theo tiến độ đề ra và lưu ý các địa phương về việc không chỉ định thầu để bảo đảm tính pháp lý.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ngành trung ương, đồng thời cho biết TP HCM cùng các địa phương sẽ khẩn trương các đầu việc để bảo đảm tiến độ dự án đường Vành đai 3 đề ra.
Bàn bạc kỹ cơ chế vốn để triển khai
Liên quan dự án đường Vành đai 4, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đề nghị các địa phương có mốc tiến độ cụ thể, bàn bạc kỹ cơ chế vốn để triển khai. Dự án này sẽ thực hiện theo hình thức PPP và giao cho cơ quan chức năng các địa phương có thẩm quyền thực hiện.
Đường Vành đai 4 dài gần 200 km, vốn đầu tư 100.000 tỉ đồng, dự kiến khởi công năm 2024. Tuyến đường thiết kế 6 - 8 làn xe, điểm đầu giao với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, điểm cuối tại cảng Hiệp Phước (TP HCM). Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2022, quý I/2023 có quyết định chủ trương đầu tư, khởi công giữa năm 2024 và hoàn thành thông xe kỹ thuật cuối năm 2027.