Cậu Vũ Ngọc Chinh, thủ từ
Dấu xưa ở ngôi đền thiêng nơi cửa biển
29/01/2022 16:10
(NLĐO)- Đền Đức Thánh Cả - một ngôi đền thiêng thờ tứ vị Thánh Nương ở vùng biển Thanh Hóa - hiện vẫn còn giữ được một nghinh môn (cổng) hàng trăm năm tuổi với lối kiến trúc độc đáo.
Nghinh môn hàng trăm năm tuổi tại đền Đức Thánh Cả
Theo sử sách để lại thì tứ vị Thánh Nương có 81 nơi thờ trong đó có làng Hanh Cù (xã Đa Lộc). Tục thờ tứ vị Thánh Nương là tín ngưỡng phổ biến, có vai trò quan trọng trong tâm linh của ngư dân người Việt.
Theo lưu truyền, cuối niên hiệu Trùng Hưng (1278-1279), quân Tống bị quân Mông đánh tan ở Nhai Sơn, vua Tống đã mang gia quyến, bề tôi, quân lính tùy tùng hơn 800 người lên thuyền trốn ra biển. Thế cùng lực tận, lại bị quân giặc đuổi theo rất gấp, vua tôi nhà Tống đã phải nhảy biển tự tử. Thi thể Thái hậu họ Dương và bà Thái Hậu trôi dạt vào cửa Cờn sắc mặt vẫn hồng hào như người sống. Dân chài thương xót đã lập am thờ.
Sau này, khi vua Trần Anh Tông mang quân đi đánh Chiêm Thành đã chiêm bao thấy vị nữ thần đến giúp sức nên thắng trận. Khi trở về vua đã cho lập đền thờ cho nhân dân thờ cúng bốn mùa.
Theo chính quyền xã Đa Lộc, trong những năm tháng chiến tranh, ngôi đền là nơi che bom đạn cho dân làng, là nơi ẩn nấp của nghĩa quân Ba Đình, nơi tạm trú của các nhà hoạt động cách mạng trên đường từ Phú Lương về nhà Mẹ Tơm. Đây cũng là nơi tiến hành các hội nghị của tổ Đảng làng Khang Cù trong thời kỳ bí mật. Không những thế, những năm diệt giặc dốt, đền Đức Thánh Cả cũng là nơi để bà con tập trung mở lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ, giác ngộ cách mạng.
Cụm di tích này hiện là điểm đến tâm linh của người dân địa phương và du khách xa gần
Với giá trị lịch sử đó, nhằm giữ lại cho hậu thế mai sau, năm 2005 chính quyền xã Đa Lộc kêu gọi nhân dân trong vùng quyên góp để dựng lại môt ngôi đền nhỏ 5 gian làm nơi thờ tự và có mời cậu Vũ Ngọc Chính làm thủ từ.
Thời điểm đó, diện tích của đền còn lại rất ít, hầu hết đất xung quanh đã được người dân địa phương làm nhà ở. Sau khi tiếp quản ngôi đền, cậu Chinh luôn thành tâm, mong muốn gây dựng lại đền Đức Thánh Cả khang trang, thanh tịnh, là nơi yên bình giúp người dân trong vùng, du khách thập phương lui tới cầu may mắn, sức khỏe, mong quốc thái dân an.
Từ ngày tiếp quản ngôi đền, cậu Chinh đã đứng ra kêu gọi phát tâm, được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, ngôi đền dần được khôi phục và trở nên bề thế, phát huy được giá trị văn hóa vốn có, xứng tầm là nơi thờ tứ vị Thánh Nương. Năm 2010, đền đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Ông Vũ Ngọc Vân (84 tuổi, ngụ xã Đa Lộc) cho biết sau chiến tranh, ngôi đền gần như bị xóa sổ, chỉ còn lại 1 cái cổng (nghinh môn) như ngày nay. Đây là một trong 3 địa điểm ven biển Hậu Lộc còn lưu giữa được nghinh môn tương đối nguyên vẹn. "Tôi cũng không biết nghinh phong này có từ khi nào, thế nhưng hồi nhỏ khi lớn lên tôi đã thấy nó đứng sứng sững ở đây. Theo lối kiến trúc và chữ trên nghinh môn thì nó đã tồn tại hàng trăm năm"- ông Vân cho biết.
Cậu Vũ Ngọc Chinh, thủ từ đến Đức Thánh Cả
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, cho biết ở vùng biển Thanh Hóa hiện có cụm di tích Diêm Phố (xã Ngư Lộc) và đền Đức Thánh Cả (xã Đa Lộc) còn nghinh môn tương đối nguyên vẹn.
Theo ông Hải, các nghinh môn này được xây dựng rất kỳ công, tỉ mỉ, thể hiện được nét tài hoa của người xưa. Từ lối kiến trúc đền, cổng, cho tới những tư liệu còn lại, ông Hải cho biết nghinh môn này có từ thời Nguyễn (hơn 200 năm trước).
Hiện đền Đức Thánh Cả không chỉ là địa điểm sinh hoạt tâm linh của người dân địa phương cũng như trong vùng, mà nó còn là điểm du lịch hút khách, có nhiều người lui tới vãn cảnh khi về với đất và người xứ Thanh.
Nghinh môn này được xây dựng cách ngày nay khoảng hơn 200 năm
Theo lối kiến trúc, công trình này được xây dựng dưới triều Nguyễn
Nét rêu phong theo thời gian
Đây là một trong 3 cụm di tích ở huyện Hậu Lộc còn giữ được các nghinh môn tương đối nguyên vẹn
Chữ nôm khắc trên nghin môn đã mờ theo thời gian
Nét xưa cũ đan xen cùng những công trình mới được tôn tạo
Ngôi đền hiện được nhiều du khách thập phương lui tới tham quan, vãn cảnh mỗi khi tới về với xứ Thanh