Đại gia đi lên từ khai thác khoáng sản
Nổi bật trong số những xe sang này có 1 chiếc Mercedes S680 Maybach 2022 có giá 27 tỷ. Ngoài ra, có 4 chiếc là Mercedes G63 AMG, 4 chiếc Mercedes GLE, 4 chiếc Mercedes GLS450, 1 chiếc Lincoln Navigator, 6 chiếc Range Rover Autobiography LWB, hơn 10 chiếc Mercedes GLC300, GLC200, Toyota Cross, Toyota Lancruiser, Huyndai i10…
Một lãnh đạo doanh nghiệp này xác nhận với báo chí rằng số xe nói trên được đại lý bán xe chở đến để “chào hàng”.
“Chúng tôi có mua một số xe hạng sang để phục vụ cho công việc đi lại. Chắc người ta thấy bên cửa hàng bán xe cứ chở xe về liên tục nên nhầm tưởng là chúng tôi mua hết xe. Nhưng thực chất phía cửa hàng họ cứ chở xe về chào bán, mình mua thì mua, không mua họ lại chở xe về”, lãnh đạo công ty cho biết.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết, công ty sẽ lựa chọn 40 nhân viên có đóng góp nhiều nhất năm để hỗ trợ họ mua xe ô tô. Mức hỗ trợ cao nhất là 50% giá trị chiếc xe hoặc phía công ty sẽ đứng ra bảo lãnh cho việc mua xe trả góp. Trong số 40 người được hỗ trợ tiền mua xe, họ cũng chỉ mua những loại xe tầm trung bình và xe phổ thông để phục vụ việc đi lại.
Theo tìm hiểu của PV Infonet, doanh nghiệp nói trên chính là Tập đoàn Indevco của đại gia Quảng Ninh, ông Đỗ Thành Trung (biệt hiệu là Trung 'con').
Doanh nhân Đỗ Thành Trung sinh năm 1966 tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, là con thứ 6 trong một gia đình có tới 9 người con. Từ nhỏ ông Trung đã ra Quảng Ninh sống cùng gia đình người chị, hàng ngày vừa trông cháu vừa đi giao bánh kiếm tiền.
17 tuổi ông Trung đi bộ đội. Sau khi rời quân ngũ, ông lao vào cơn sốt khai thác và xuất khẩu than tại đất mỏ Quảng Ninh. Đầu tiên, ông mua lại một chiếc xe Zin 157 mà đơn vị cũ thanh lý với giá 2 triệu đồng và bắt đầu công việc chở thuê than. Sau một vài tháng, ông thuê người khác lái còn ông mở thêm bến bãi, thu mua than để xuất khẩu.
Chỉ sau một vài năm, cái tên Trung “con” đã được biết đến rộng rãi trong giới khai thác than. Ngoài biệt danh Trung “con”, ông Đỗ Thành Trung còn được biết đến với tên gọi “quái kiệt vùng than”. Năm 1995, ông thành lập công ty với tên “Công ty TNHH Hỗ trợ và phát triển hàng công nghiệp Quảng Ninh” với số vốn ban đầu là 600 triệu đồng. Đây là công ty tư nhân đầu tiên ở Quảng Ninh.
Từ 2002 đến 2007, công ty ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác nhau như, sản xuất than, sản xuất kính dân dụng, vận chuyển, chế biến than, làm môi trường đô thị, xây dựng lò hỏa thiêu và công viên nghĩa trang.
Trở thành ông “vua” sản xuất kính nổi và xây nghĩa trang
Sau này, công ty đổi tên thành “Tập đoàn Indevco” gồm 10 đơn vị thành viên: 3 công ty cổ phần mua lại từ Tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam, 1 Công ty An Lạc Viên gồm Công viên đài hoá thân An Lạc Viên và Nhà tưởng niệm lưu giữ tro cốt tại 2 xã Vũ Oai và Hòa Bình thuộc huyện Hoành Bồ có quy mô rộng 639ha và tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.
Đây là công viên nghĩa trang cấp vùng có quy mô lớn nhất ở Việt Nam đến thời điểm này. Indevco đã và đang triển khai các “An Lạc Viên” tại các tỉnh, thành như Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, TP.HCM, Cần Thơ, Kiên Giang, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu,…
Đại gia Đỗ Thành Trung trong ngày khởi công nghĩa trang An Lạc Viên INDEVCO Thái Nguyên năm 2016.
Indevco còn sở hữu một đơn vị với hơn 500 công nhân làm nhiệm vụ dọn rác tại khu vực TP Hạ Long, thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh).
Tập đoàn Indevco hiện là đơn vị sản xuất kính lớn nhất Việt Nam với các nhà máy kính như: Nhà máy sản xuất kính Cửa Ông với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng; Nhà máy kính CFG Ninh Bình với tổng mức đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, và Nhà máy kính nổi Chu Lai (Quảng Nam) với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, là nhà máy kính nổi lớn nhất Việt Nam, công suất 900 tấn/ngày.
Indevco còn sở hữu cảng Cửa Suốt sau khi góp vốn với TKV để khai thác cảng biển này.
Tuy nhiên, lĩnh vực khai thác than tại Quảng Ninh vẫn là cốt lõi của tập đoàn này thông qua Công ty cổ phần Ngân Sơn Indevco.
Cũng liên quan đến xe cộ, năm 2016 ông Đỗ Thành Trung (thông qua Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Hoa Lư) gây xôn xao dư luận cả nước khi tặng UBND tỉnh Ninh Bình 3 chiếc xe ô tô hạng sang trị giá 6,6 tỷ đồng để phục vụ việc “phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn”. 3 ô tô Toyota được Công ty Hoa Lư nhập khẩu về, chưa qua sử dụng. Một chiếc Land Cruiser VX có giá hơn 2,85 tỷ đồng, chiếc Land Cruiser GXR có giá 2,39 tỷ đồng và chiếc Toyota Camry 2.5Q có giá 1,36 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi có nhiều ý kiến trái chiều, Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã quyết định từ chối nhận số xe biếu tặng của doanh nghiệp nói trên.
Infonet