Đại lý di động Việt Nam mắc bẫy iPhone 14

09/03/2023 20:04

Sự lạc quan từ thị trường giai đoạn cuối 2022 kích hoạt chuỗi hệ quả tiêu cực. Tính toán sai của đại lý khiến ngành di động Việt Nam đang rơi vào tình huống bất ổn.

Lượng đơn đặt hàng trăm nghìn chiếc, hàng bán ra nhỏ giọt, số cung ứng không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường khi iPhone 14 ra mắt. Các đại lý bán lẻ chính hãng đều đặt kỳ vọng cao trong “mùa Táo” 2022.

Từ các chỉ số của thị trường, đơn vị bán lẻ và nhà phân phối trong nước đặt hàng lượng thiết bị vượt quá khả năng hấp thụ của người dùng trong nước.

Đến đầu 2023, khi hàng về đầy kho, đa phần nhu cầu của người dùng đã được đáp ứng. Lượng máy iPhone 14 tồn ở các đại lý lên đến hàng trăm nghìn chiếc. Áp lực công nợ, dòng tiền đè nặng lên nhiều hệ thống bán lẻ lớn, gây mất ổn định trên toàn ngành di động Việt Nam.

Mùa mở bán thành công

Nhìn lại nửa đầu 2022, thị trường di động Việt Nam không có nhiều khởi sắc. Toàn ngành đi xuống sau mùa mua sắm Tết Nguyên đán. Một vài đợt giảm giá của Apple cho iPhone 11, iPhone 12 giúp sức mua ấm lại trong ngắn hạn.

Sự kiện mở bán iPhone 14 là điểm sáng lớn nhất trên toàn thị trường. Chỉ sau thời gian ngắn mở chương trình đặt trước, tổng lượng đơn hàng được ghi nhận tại các nhà bán lẻ chính hãng đã vượt mốc 150.000. Trong đó, iPhone 14 Pro Max chiếm áp đảo tỷ trọng.

iPhone 14 gia re anh 1

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế Giới Di Động, chia sẻ về kỳ vọng cao trong đợt mở bán iPhone 14. Ảnh: Phương Lâm.

Chính từ sự lệch pha trong nhu cầu tạo ra tình trạng khan hiếm nghiêm trọng cho model nói trên. Chỉ một nhóm nhỏ khách hàng sở hữu được thiết bị trong đợt giao đầu tiên. Ngay cả những người dùng đặt sớm vẫn phải đợi 1-2 tháng.

Trả lời Zing, đại diện các hệ thống lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viettel Store cho biết đều liên tục làm việc với Apple để nhập hàng, cung ứng cho khách đặt trước. Trong khi đó, những đơn vị nhỏ hơn cũng tác động tới nhà phân phối, chiếm quyền ưu tiên mua máy.

Theo nguồn tin của Zing, một số hệ thống bán lẻ cố tình “kê khống” số lượng đặt hàng lên cao hơn tình hình thực tế. Điều này nhằm chiếm quyền ưu tiên lấy hàng từ nhà cung ứng trong tình hình thiếu máy nghiêm trọng. Tuy nhiên, chính số đặt ảo cũng khiến đại lý đối mặt với nguy cơ tồn kho khi hàng về đủ.

Bẫy lạc quan

Từ giữa tháng 10/2022 đến cuối 2022, các nhà bán lẻ trong nước có phản hồi tích cực về thị trường bởi kinh doanh thuận lợi. Vấn đề duy nhất doanh nghiệp cần xử lý là nguồn hàng iPhone, không bận tâm đầu ra. Đây là lúc các sai số dần xuất hiện.

Thực tế, con số đặt hàng từ các nhà bán lẻ trong nước không phản ánh đúng thực tế của thị trường. Với kinh nghiệm từ sự khan hiếm trong những đợt mở bán trước đó, nhiều khách hàng chọn cách đăng ký tại nhiều đại lý để tăng cơ hội nhận được thiết bị sớm.

iPhone 14 gia re anh 2

Lường trước khan hiếm, khách hàng chọn cách đặt máy ở nhiều đại lý. Ảnh: Phương Lâm.

Nói với Zing, ông Quang Minh (Tân Phú, TP.HCM) cho biết bản thân đặt 3 chiếc iPhone 14 Pro Max tại nhiều đơn vị bán lẻ khác nhau. Sau đó, một trong 3 đơn hàng này được giao vào ngày 14/10/2022. Hai đơn còn lại bị khách hàng này hủy.

Không chỉ ông Minh, cách thức nói trên cũng được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội, áp dụng trong mùa mở bán iPhone 14. Thực tế, khoản tiền cọc bị mất vẫn thấp hơn nhiều so với chênh lệch giá máy mua lại trên thị trường thứ cấp. Đồng thời, nhiều đại lý cũng không thu tiền cọc của khách trong giai đoạn đầu.

Mặt khác, lượng lớn iPhone 14 bán ra không thể đến tay người dùng cuối ở đợt mở bán. Nhiều cá nhân tận dụng nhu cầu lớn của thị trường để đầu cơ, tích trữ thiết bị chờ bán lại kiếm lời.

“Tôi không có vốn lớn, chỉ thu được cỡ hơn 10 máy. Những đội nhóm đông, vốn mạnh có thể ôm hàng trăm đến cả nghìn máy trong đợt này. Nhu cầu thị trường còn nhiều, khó mà lỗ được”, ông B.P, chủ một cửa hàng di động ở TP Vũng Tàu, nói hồi tháng 11/2022.

Chính những yếu tố trên tạo ra lượng cầu “ảo” trên thị trường trong giai đoạn cuối năm ngoái. Trên thực tế, sức mua từ thị trường không cao đến vậy.

Chuỗi domino đổ sập

Cơn khủng hoảng chính thức bắt đầu vào đầu tháng 1. Một đợt hàng iPhone 14 rất lớn được cung ứng cho thị trường trong nước. Trả lời trong giai đoạn này, ông Tuấn Minh, quản lý ngành hàng Apple tại Hoàng Hà Mobile cho biết rất vui khi nhận được lượng thiết bị cho mùa mua sắm cuối năm, đảm bảo chỉ tiêu.

Tuy nhiên, chính lô iPhone 14 này lại kích hoạt chuỗi hệ quả bất ngờ, tác động xấu lên toàn ngành.

iPhone 14 gia re anh 3

Kho hàng đầy ắp iPhone 14 của Thế Giới Di Động. Ảnh: Quỳnh Danh.

“Nguyên nhân của khủng hoảng lần này là lượng hàng về không đều. Có lúc cả tháng cháy hàng, chờ từng chiếc một. Bỗng dưng máy ồ ạt về một lần. Ví dụ như phần đó được dàn đều theo tuần, theo tháng thì vẫn ổn. Nhưng nguyên một ‘cục’ thế này, nhà phân phối không thể để lâu trong kho, sẽ bị đứng dòng tiền”, bà C.T., quản lý sản phẩm Apple của một nhà phân phối lớn trong nước, nói với Zing.

Theo vị này, khi hàng cập bến, đơn vị phân phối phải sớm đẩy về đối tác bán lẻ trong một thời điểm để giảm công nợ ngân hàng. Đại lý nhận được lượng hàng quá lớn lại nhanh chóng giảm giá để tiêu thụ, hạn chế tồn kho.

Tuy nhiên, nhu cầu của thị trường đã giảm sút sau thời gian dài chờ đợi. Sức nóng của thiết bị khó được duy trì liên tục. Lô hàng nói trên trở thành áp lực tồn kho khổng lồ cho các nhà bán lẻ.

Mặt khác, khi đại lý lớn giảm giá, những cá nhân đang "gom" hàng chờ kiếm lời cũng nhanh chóng thanh lý cắt lỗ. Điều này tạo ra một lượng máy lớn được bơm vào thị trường cùng thời điểm.

Trong ngành bán lẻ lan truyền thông tin về việc có đại lý nhóm đầu đang tồn kho khoảng 60.000 chiếc iPhone 14. Lô thiết bị này có giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Nếu không sớm được giải quyết, số máy này sẽ khiến dòng tiền của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trả lời về nghi vấn mức tồn kho cao, đại diện Thế Giới Di Động, FPT Shop đều khẳng định công ty vẫn đang duy trì ở khoảng an toàn, đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên thực tế cho thấy tình hình có thể nghiêm trọng hơn phát biểu của nhà bán lẻ. Hiện tại, iPhone 14 Pro Max có giá 27,5-28,5 triệu đồng tại các đại lý chính hãng, giảm 4-5 triệu đồng so với 3 tháng trước. Trả lời Zing, bà Ánh Hồng, đại diện 24h Store, cho biết mức này đang khiến họ phải chịu lỗ trên mỗi thiết bị được bán ra.

Đồng thời, doanh nghiệp bán lẻ cũng đang gặp vấn đề về công nợ. Xác nhận với Zing, ông P.V., quản lý cấp cao của thương hiệu di động thuộc top 3 thị phần tại Việt Nam, cho biết lượng smartphone của công ty này tại các nhà bán lẻ chỉ bằng 1/2 những năm trước.

“Theo phân tích của chúng tôi, dòng tiền tại đối tác đang phải chia sẻ nhiều cho tồn kho iPhone, không dư giả để nhập thêm hãng khác”, ông V. nói.

Theo bà C.T., sau đợt hàng đầu năm, các đại lý đều đang nói không với việc nhập thêm thiết bị. “Đã khoảng 1–2 tháng không có đợt hàng iPhone mới. Áp lực bị dồn về phía chúng tôi khi phải đứng giữa Apple và đại lý. Đa số đối tác không dám ôm thêm hàng vì ngại tồn kho, lo Táo khuyết đẩy thêm”, bà T., chia sẻ.

Trong mùa mở bán, phía nhà bán lẻ phải tìm cách chạy số, tăng lượng kích hoạt để nhận được nhiều hàng hơn từ Apple. Hiện tại, các đại lý lớn đều đang tập trung cho mục tiêu xả tồn kho. “Tình hình chung đã thay đổi, chúng tôi không cần nhập nhiều hàng. Mục tiêu trước mắt là xử lý tồn kho”, đại diện một chuỗi bán lẻ cho biết.

Những câu chuyện ít được biết về tỷ phú công nghệ

Tủ sách Công nghệ đem đến cho độc giả những cuốn sách hay nhất, đúc kết hàng trăm giờ chia sẻ của Steve Jobs, Elon Musk và những người liên quan. Chúng chứa đựng những câu chuyện công nghệ thú vị, ít khi được bật mí.

Bạn đang đọc bài viết "Đại lý di động Việt Nam mắc bẫy iPhone 14" tại chuyên mục THIẾT BỊ SỐ.