Sáng nay (22/7), phiên xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” dành thời gian cho hơn 30 bị cáo còn lại nói lời sau cùng.
Ở cuối phiên xử ngày 21/7, gần 20 bị cáo, trong đó có Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao) được “giãi bày” tâm tư nguyện vọng trước khi tòa nghị án.
Khi trình bày, Hương Lan cảm thấy đau lòng, bởi sau 27 năm cống hiến tại Bộ Ngoại giao bị cáo đã sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật. “Bị cáo cũng luôn theo đuổi nguyên tắc làm việc vì lợi ích của nhân dân, lợi ích của tập thể và quốc gia dân tộc, chưa bao giờ có tư tưởng vụ lợi cá nhân”, Hương Lan nói.
Cựu Cục trưởng bày tỏ thật chua xót vì nhận thức chưa đầy đủ về “nhận quà - tặng quà”, nên hôm nay phải đứng trước tòa. Càng chua xót hơn khi nghe đại diện Viện kiểm sát bác bỏ sự cố gắng, nỗ lực của bị cáo cũng như tất cả cán bộ của Cục Lãnh sự trong việc bảo hộ công dân suốt thời gian qua, đặc biệt khoảng hơn hai năm dịch COVID-19.
Bị cáo Hương Lan một lần nữa xin HĐXX, đại diện Viện kiểm sát ghi nhận những cố gắng của bản thân cũng như nhóm cán bộ của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.
Nhận tiền vì doanh nghiệp quá khéo léo
Ngoài những lời "chua xót", Hương Lan nói bản thân rất hối hận vì trong quá trình giải quyết thủ tục cấp phép chuyến bay đã gặp rất nhiều doanh nghiệp.
Theo Hương Lan, thực tế doanh nghiệp tham gia chuyến bay combo không cần gọi điện cho bị cáo nhưng Cục Lãnh sự vẫn kiến nghị các cấp thẩm quyền phê duyệt. Thậm chí có những bị cáo ngồi ở đây muốn gặp cảm ơn nhưng bị từ chối.
Tuy nhiên, Hương Lan cũng thừa nhận đã gặp đại diện 8 doanh nghiệp. Lý do gặp là “nể nang” những người này đều được lãnh đạo cơ quan giới thiệu. "Khi gặp mặt, bị cáo không đủ bản lĩnh vượt qua được lời nói cũng như sự khéo léo của các anh chị doanh nghiệp. Kết quả là bị cáo đã nhận quà, đây là nguyên nhân bị cáo vướng lao lý", bị cáo Hương Lan trầm giọng.
Trải qua giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, Hương Lan gửi lời cảm ơn đến điều tra viên, HĐXX đã phân tích "cái đúng, cái sai”.
Ngừng một lúc, bị cáo Hương Lan nói thêm phiên tòa sẽ kết thúc trong vài tuần nữa, song một “tòa án lương tâm” sẽ phán xét bị cáo trong suốt phần đời còn lại; “tòa án lương tâm” sẽ phán xét tại sao bị cáo lại làm như vậy, để ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây thiệt hại cho nhân dân, ảnh hưởng đến lòng tin của đồng nghiệp. Để rồi bây giờ, bị cáo cùng gia đình mất tất cả.
Cuối trình bày, Hương Lan cho biết, gia đình rất neo người, có mẹ già và hai con nhỏ tuổi đang đi học, bị cáo là mẹ đơn thân. Từ khi bị bắt, gia đình không có người làm trụ cột, chỉ có bà và hai cháu chơi vơi.
"Biết là mình có tội với dân với nước thì phải hoàn thành nghĩa vụ cải tạo nhưng bị cáo kính mong HĐXX sẽ mở rộng khoan hồng để bị cáo sớm trở về chăm sóc mẹ già và các con", Hương Lan bày tỏ.
Trong vụ án, bà Nguyễn Thị Hương Lan bị cáo buộc nhận hơn 25 tỷ đồng từ đại diện các doanh nghiệp khi thực hiện cấp phép chuyến bay giải cứu. Đến nay, HĐXX ghi nhận gia đình cựu Cục trưởng mới nộp khắc phục hơn 1 tỷ đồng. Phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên bà Lan mức án từ 19 – 20 năm tù giam.
Ở giai đoạn điều tra, bà Lan bị cơ quan tố tụng đánh giá là một trong bốn bị cáo "không chịu hợp tác và làm khó cơ quan điều tra".
Với số tiền khắc phục vỏn vẹn hơn 1 tỷ trong tổng số hơn 25 tỷ đồng nhận hối lộ, song tại phần tự bào chữa, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự đề nghị HĐXX xem xét gỡ kê biên căn nhà tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) để gia đình có nơi sinh sống.