“Cuộc chiến sinh tồn” ở thị trường TMĐT nhìn từ hai "ông lớn" trong ngành

13/01/2024 16:09

"Bạn có thể có một giấc mơ to lớn, một tham vọng hoài bão nhưng trước tiên bạn phải sống sót. Chúng tôi hiện phải tiết kiệm đến từng đồng một. Những công ty khởi nghiệp như chúng tôi luôn lo lắng đến một ngày nào đó sẽ không còn tiền hoạt động", Forrest Li, nhà sáng lập SEA từng bộc bạch.

 

“Cuộc chiến sinh tồn” ở thị trường TMĐT nhìn từ hai "ông lớn" trong ngành - Ảnh 1.


Bước vào thị trường, không sàn thương mại điện tử (TMĐT) nào là không phải trải qua giai đoạn “đốt tiền” - được xem là giai đoạn cần thiết để giành được thị phần, thay đổi thói quen mua sắm của người dùng từ trực tiếp lên trực tuyến, hay từ sàn này sang sàn khác. Nhưng sàn nào rồi cũng sẽ đến lúc phải điều chỉnh chiến lược, để giảm lỗ và hướng tới mục tiêu có lợi nhuận.

“Sa thải hàng loạt nhân sự, cắt giảm chi phí, thậm chí là tiết kiệm cả giấy vệ sinh là chiến lược tiết giảm nghiêm ngặt của Sea Limited, công ty mẹ Shopee trong năm qua để giúp công ty ghi nhận lần đầu có lãi trong quý 1/2023 sau 14 năm hoạt động” - báo chí quốc tế từng nhận định về sự kiện đáng chú ý trong giới công nghệ - Sea Limited (SEA) có lãi.

Sự kiện này cũng đã đánh dấu một bước ngoặt đối với thị trường TMĐT ở Đông Nam Á: xuất hiện công ty đầu tiên có lãi, là Shopee.

Trước đó, vào quý 1/2022, Shopee ghi nhận khoản lỗ khoảng 810 triệu USD từ chi phí logistics và tiếp thị, và phải đến nửa cuối năm 2022, họ mới bắt đầu có lãi. Báo cáo quý 2/2023 của Sea Group, đã tiết lộ Shopee, đóng góp 2/3 vào doanh thu của tập đoàn, đã thu về 2,1 tỷ USD trong quý, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống mức 20,6%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của giới chuyên gia.

KrAsia cho rằng, Shopee đã chủ động giảm tốc độ tăng trưởng để chuyển sang cách tiếp cận ổn định hơn về lợi nhuận.

Phía sau lợi nhuận: Cắt giảm nhân sự, tiết kiệm cả chi phí công tác, trà nước, giấy vệ sinh

Trước khi có lãi, trong suốt ba năm trước đó, Shopee đã chật vật với các vấn đề cố hữu, là hệ quả của việc chạy theo chiến lược giá rẻ, và cả sự cạnh tranh liên tục của các sàn TMĐT khác. Họ “đốt” rất nhiều tiên cho việc khuyến mãi và tiếp thị, đổi lại mức tăng trưởng GMV (tổng giá trị hàng hoá) của cao trong giai đoạn 2018 – 2020, nhưng hệ quả là sự tốn kém chi phí, dẫn tới việc khó đạt được mục tiêu có lợi nhuận bền vững.

Trước năm 2019, tỷ suất lợi nhuận gộp của Shopee vẫn âm, chỉ tăng nhẹ ở mức 0,6% trong quý IV/2019, đồng thời ghi nhận tổng khoản lỗ EBITDA (lỗ trước lãi vay, thuế và khấu hao) là 1 tỷ USD trong năm. Khoản lỗ kéo dài và tỷ suất lợi nhuận gộp ít ỏi của Shopee hoàn toàn trái ngược với tỷ suất lợi nhuận gộp ấn tượng 81% của một sàn TMĐT giá rẻ khác tại châu Á là Pinduoduo trong quý IV/2019.

Khó khăn của Shopee cũng ngày càng chồng chất với sự gia nhập của TikTok vào thị trường TMĐT. Cùng với những sai lầm trong việc mở rộng thị trường vào năm 2021, Shopee sau đó đã phải đóng cửa hoạt động, rút khỏi hàng loạt thị trường như Pháp, Mexico, Ấn Độ.

Tất cả những kết quả đó đã thúc đẩy SEA phải thực hiện những thay đổi lớn.

photo-1705054410278

Vào năm 2022, Shopee đã thực hiện ba đợt sa thải tác động đến hơn 7.000 nhân viên trên tất cả các ngành nghề kinh doanh, và động thái này không thể tránh được những phản ứng tiêu cực từ dư luận. Nhiều nguồn tin cho thấy Shopee vẫn tiếp tục sa thải nhân viên vào năm 2023, tiêu biểu là việc cắt giảm nhân sự ở Indonesia.

Môi trường làm việc ở tập đoàn này cũng đã chứng kiến nhiều sự xáo trộn. Các chuyến bay hạng thương gia đã được thay thế bằng chuyến bay thường, bất kể là lãnh đạo hay nhân viên. Chi phí ăn uống khi đi công tác cũng bị giảm xuống còn 30 USD dù có tiếp khách quan trọng. Còn khách sạn cũng bị giới hạn ở mức 150 USD/đêm. Những món ăn ở trụ sở SEA bị cắt bỏ như dòng trà cao cấp TWG bị thay bằng trà Lipton thông thường. Thậm chí, nhiều phòng vệ sinh ở công ty đã thay giấy hai lớp bằng các loại giấy một lớp.

"Bạn có thể có một giấc mơ to lớn, một tham vọng hoài bão nhưng trước tiên bạn phải sống sót. Chúng tôi hiện phải tiết kiệm đến từng đồng một. Những công ty khởi nghiệp như chúng tôi luôn lo lắng đến một ngày nào đó sẽ không còn tiền hoạt động", Forrest Li, nhà sáng lập SEA thừa nhận.

Cuối cùng, những thay đổi đó đã cho thấy hiệu quả không thể phủ nhận, chính là con số lợi nhuận quý 1/2023 của SEA đạt 427 triệu USD, giúp cổ phiếu tăng mạnh 22%.

Vừa được bơm tiền nhưng lại cắt giảm nhân sự: Vì sao Lazada làm thế?

Chưa đầy một tháng trước, có tin về một đợt bơm vốn trị giá 634 triệu USD vào Lazada của Alibaba. Trước đó, vào tháng 7, phía Lazada cũng đã nhận 1 khoản hỗ trợ trị giá 826 triệu USD, và trước nữa là 353 triệu USD vào tháng 4/2023. Năm 2022, công ty này cũng tiếp nhận một khoản đầu tư hơn 1,5 tỷ USD. Như thế có nghĩa là Alibaba không hề thiếu tiền mặt để có thể dễ dàng hỗ trợ vốn cho Lazada trong nhiều năm mà không phải lo lắng về các vấn đề tài chính. Vậy tại sao chúng ta lại chứng kiến việc cắt giảm nhân sự của Lazada?

Jianggan Li, CEO của Momentum Works- công ty nghiên cứu chuyên sâu và xây dựng dự án đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore nói trong một podcast mới đây: “Nhìn vào những gì đang diễn ra, chúng ta có thể thấy được phần nào chiến lược của Lazada. Lazada có vẻ như đang muốn nâng cao tính linh hoạt và khả năng thích ứng của mình trong bối cảnh thị trường TMĐT Đông Nam Á ngày càng cạnh tranh”.

Bằng cách tập trung hóa các chức năng ở cấp khu vực, Lazada có thể phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn và đưa ra quyết định nhanh hơn để giải quyết các thách thức và nắm bắt các cơ hội mới. Lazada đang chuyển hướng sang một chiến lược dài hơi hơn.

“Một phần của chiến lược này cũng là việc Lazada đang cố gắng tìm ra hướng đi đúng đắn cho tổ chức, cố gắng thúc đẩy bản thân để có thể cạnh tranh hiệu quả hơn” - Jianggan Li nhận định. “Các thương hiệu vẫn mong muốn hợp tác với Lazada để định vị thương hiệu. Về khía cạnh nguồn nhân lực, Lazada có rất nhiều nhân sự chất lượng tốt”.

photo-1705054474284

Các chuyên gia cho rằng, động cắt giảm chi phí này thậm chí có thể được nhà đầu tư đón nhận, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu rơi vẫn còn nhiều khó khăn, và sự cạnh tranh trên thị trường TMĐT ngày một khốc liệt như hiện nay.

Ở thị trường TMĐT Đông Nam Á, những “tay chơi” mới liên tục xuất hiện, đẩy mức độ cạnh tranh lên cao không ngừng. Sau TikTok, “người đồng hương” Trung Quốc - Temu, nền tảng TMĐT thuộc PDD Holdings, gã khổng lồ đứng sau Pinduoduo, đã gia nhập thị trường vào quý 3 năm ngoái, tập trung vào Malaysia và Philippines.

KrAsia nhận định: “Những gã khổng lồ TMĐT tại Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt vào năm 2024, với việc tốc độ tăng trưởng đang chậm lại”.

“Đối với các công ty lớn như Facebook và Google, việc cắt giảm nhân sự nhằm thể hiện cho nhà đầu tư thấy họ đang quan tâm đến lợi nhuận. Còn với nhiều startup chưa niêm yết hoặc thua lỗ, đó thực sự là điều cần thiết để tồn tại. Tuy nhiên, tôi không nghĩ Lazada chịu áp lực sống còn như vậy. Tôi tin họ có chiến lược đúng đắn, nhưng cần phải cải tổ tổ chức để đảm bảo khả năng thực thi hiệu quả” - Jianggan Li đánh giá.

Ông Nirgunan Tiruchelvam, người đứng đầu bộ phận tiêu dùng và Internet tại công ty tư vấn đầu tư Aletheia Capital cho rằng, trong bối cảnh lãi suất cao như hiện tại, động thái điều chỉnh chiến lược, cắt giảm chi phí có thể sẽ là tích cực trong mắt các nhà đầu tư, bởi họ mong muốn nhìn thấy “con đường dẫn đến lợi nhuận”.

“Nhà đầu tư kỳ vọng các công ty có thể giữ lại nhiều doanh thu hơn với chi phí thấp hơn, qua đó đem lại lợi nhuận. Đôi khi điều này cũng có thể đem lại tác động tích cực đến giá cổ phiếu của công ty” - ông Trevor Yu, Phó Giáo Sư tại Trường Kinh doanh Nanyang nói.