Cuộc chiến của các nhà bán lẻ mùa iPhone 14

17/10/2022 17:01

Mỗi chiếc iPhone 14 được kích hoạt trong đợt đầu sẽ ảnh hưởng đến lượng hàng cung ứng về sau, quyết định thành bại của cả chiến dịch kinh doanh tại đại lý.

Apple chỉ là thương hiệu smartphone lớn thứ 3 tại Việt Nam, nhưng không dòng sản phẩm riêng lẻ nào mang lại nhiều doanh thu như iPhone. Mỗi đợt phát hành, doanh số có thể đạt hàng trăm đến nghìn tỷ đồng tùy quy mô đại lý.

Sản phẩm Apple có sức hút lớn với khách hàng trong nước dù thương hiệu không quảng cáo rầm rộ. Do đó, các nhà bán lẻ Việt Nam tập trung nguồn lực, đầu tư mạnh cho chương trình đặt hàng, phát hành iPhone mới.

Thi nhau nói "đủ hàng"

Theo các nhà bán lẻ, kế hoạch bán hàng iPhone giống với các sản phẩm điện thoại khác. Quy trình cũng bao gồm các yếu tố chính như cung ứng, kho vận, truyền thông và chính sách giá bán, khuyến mãi.

Tuy nhiên, ngành hàng Apple tại Việt Nam có yếu tố đặc thù, trong giai đoạn đầu mở bán. Từ khi công ty này hiện diện rõ ràng hơn tại thị trường trong nước, nguồn hàng iPhone ở các đợt phát hành luôn thiếu hụt. Do đó, lượng máy cung ứng là yếu tố quan trọng, quyết định thắng lợi của chiến dịch bán hàng tại các đại lý.

cuoc chien ban iphone 14 anh 1

Lượng hàng được cung ứng quyết định thành bại của đợt phát hành iPhone mới. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong mùa mở bán iPhone 14 năm nay, cụm từ “luôn có hàng”, “đảm bảo có máy” xuất hiện trên nhiều website của đại lý. Điều này đánh vào tâm lý lo lắng của người dùng khi các năm trước xảy ra tình trạng khan hiếm, phải đợi nhiều tháng.

Theo chia sẻ từ đại diện (yêu cầu giấu tên) của một hệ thống ủy quyền Apple, lượng hàng hóa của Apple cung ứng đợt đầu có hạn. Trong đó, năng lực xử lý của đối tác là yếu tố quan trọng, Táo khuyết dùng để quyết định phân chia hàng.

Tại Việt Nam, Thế Giới Di Động và FPT Shop là những nhà bán lẻ thuộc nhóm xếp hạng cao nhất của Apple. Hai đơn vị này ký kết giấy phép ủy quyền với Apple từ nhiều năm trước. Đồng thời, các hệ thống cũng có số cửa hàng lớn, phủ rộng. Do vậy, năng lực bán hàng của họ vượt trội các đại lý còn lại.

Trả lời Zing, đại diện FPT Shop và Thế Giới Di Động đều nhiều lần khẳng định là đối tác số một của Apple tại thị trường trong nước, được cung ứng lượng máy lớn nhất.

Đại diện CellphoneS hay ShopDunk từng chia sẻ việc họ được ưu tiên hàng hóa vì có năng lực bán hàng tốt. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ không được chia sẻ con số chính xác lượng máy được phân chia, bởi đây là một phần trong cam kết bảo mật giữa bên bán hàng và Apple.

Ngoài ra, một số nguồn tin tiết lộ việc Apple từng cắt hàng của đối tác vì không làm đúng cam kết như lộ thông tin hoặc kích hoạt máy sớm trước ngày mở bán. Trong trường hợp này, các nhà bán lẻ khác hưởng lợi vì được chia thêm máy.

Bên cạnh đó, một số đại lý chia sẻ việc người dùng Việt Nam quá nghiêng về dòng iPhone 14 Pro và Pro Max, ít quan tâm hai bản thường cũng có điểm bất lợi. Do nhu cầu dòng Pro quá cao, cửa hàng không đủ máy để trả cho những người đã đặt cọc. Vì thế, khách hàng có thể phải chờ tới các đợt hàng sau, vào cuối tháng 10 hoặc tháng 11 mới nhận được phiên bản mình mong muốn.

Trong khi đó, các mẫu iPhone 14 và 14 Plus lại đang sẵn hàng ngay sau ngày mở bán bởi nhu cầu không cao. Trên mỗi đơn hàng, các đại lý vẫn phải cân đối giữa bản thường và Pro, không thể chỉ nhập mỗi bản Pro. Vì thế, người dùng muốn nâng cấp iPhone mới nhất sẽ dễ chọn được đúng phiên bản màu, dung lượng mình thích nếu mua 2 mẫu 14 thường.

Căng thẳng trên từng chiếc iPhone được kích hoạt

Như đã đề cập ở trên, Apple phân phối hàng dựa trên đánh giá năng lực của các hệ thống bán lẻ. Bên cạnh quy mô, số cửa hàng, lượng máy kích hoạt là rất quan trọng với riêng ngành hàng iPhone.

Theo nhà bán lẻ, các hãng điện thoại đều quan tâm đến lượng máy bán ra trong giai đoạn phát hành. Riêng Apple, công ty có thể theo dõi real-time (thời gian thực) con số này trên toàn cầu dựa vào hệ thống kích hoạt qua máy chủ.

cuoc chien ban iphone 14 anh 2

Đại lý cạnh tranh trên từng chiếc iPhone được kích hoạt để được nhập thêm hàng. Ảnh: Phương Lâm.

Tại đại lý, mỗi chiếc máy được kích hoạt đồng nghĩa với thêm một sản phẩm unbrick (thoát khỏi tình trạng tồn kho). Tiết lộ với Zing, đại diện một hệ thống bán lẻ lớn cho biết Apple dùng thuật ngữ "Velocity" để chỉ lượng máy kích hoạt trên tổng sản phẩm tồn kho mà công ty cung ứng cho đối tác.

“Chỉ số này được dùng để đánh giá hiệu quả vận hành của một đại lý Apple. Đây được xem là cơ sở quan trọng để nhà phân phối chia máy cho các đợt hàng tiếp theo, năm tiếp theo”, vị này chia sẻ.

Điều này đồng nghĩa, cuộc chiến tranh giành lượng hàng ưu tiên diễn ra liên tục. Để được nhập nhiều iPhone 14, đại lý phải tìm cách tăng lượng iPhone 13 bán ra và kích hoạt trong cả năm trước.

Mặt khác, việc đo lường dựa trên velocity gây ra sai số giữa nhà bán lẻ và Apple. Đại lý bán máy ra nhưng sản phẩm không được kích hoạt, chỉ số nói trên vẫn bằng 0. Tình trạng iPhone bị đầu cơ khiến điểm năng lực của nhà bán lẻ đi xuống và không được cấp thêm hàng mới.

Nhiều chính sách phức tạp

Bởi sự phụ thuộc vào số velocity, các đại lý trong nước luôn tìm cách yêu cầu khách kích hoạt tại chỗ, ngay sau khi nhận hàng. Nhà bán lẻ lý giải đây là hoạt động chống đầu cơ, giúp phục vụ nhiều khách hàng nhất có thể. Hoặc việc tháo máy, kích hoạt để kiểm tra tình trạng ngoại hình, kích hoạt bảo hành trực tuyến.

Về phía hệ thống bán lẻ, việc này vì mục đích tăng lượng máy được nhập từ Apple ở đợt sau. Thực tế, Apple không có quy định yêu cầu khách phải kích hoạt máy sau khi mua hàng. Đồng thời, những quy định này gây khó khăn cho người có nhu cầu biếu, tặng iPhone.

cuoc chien ban iphone 14 anh 3

Apple không bắt buộc người dùng phải kích hoạt khi mua iPhone. Ảnh: Quỳnh Danh.

Năm nay, các nhà bán lẻ đưa ra những ưu đãi mới, nhằm tăng sức cạnh tranh, thu hút khách hàng về phía mình. Ví dụ, iPhone 14 bán ra từ Thế Giới Di Động, FPT Shop được bảo hành 2 năm. Hai đại lý lớn áp dụng được chính sách này bởi họ có hệ thống sửa chữa riêng.

Bên cạnh đó, những khuyến mãi trừ vào giá sản phẩm vẫn đạt hiệu quả. CellphoneS, Di Động Việt hay Hoàng Hà Mobile kết hợp với ngân hàng, thêm ưu đãi mở thẻ giảm giá 3 triệu đồng.

Theo chia sẻ từ đại lý, một số đơn vị nhỏ hơn, nguồn lực yếu, sẵn sàng cắt lời, “đạp giá” iPhone 14 để tăng sức cạnh tranh. Giá niêm yết của những hệ thống này chênh lệch với các đại lý lớn 3-6 triệu đồng tùy model. Tuy nhiên, lượng máy có sẵn ở các đại lý nhỏ cũng không nhiều.

Mặt khác, các đại lý này sẽ thu lời nhờ vào việc bán phụ kiện, gói bảo hành mở rộng.

Ngoài ra, trước ngày mở bán, một số nhà bán lẻ tung ra bảng giá đặt trước iPhone 14 rẻ bất thường để thu hút khách. Tuy nhiên, để mua được ở mức giá này, người dùng phải đáp ứng nhiều điều kiện như dùng nhiều chương trình khuyến mãi của đơn vị thanh toán, hoặc đổi iPhone cũ. Đồng thời, số suất ưu đãi cũng bị giới hạn, nên giá bán đó không đại diện cho phần lớn iPhone 14 bán ra.

Bạn đang đọc bài viết "Cuộc chiến của các nhà bán lẻ mùa iPhone 14" tại chuyên mục THIẾT BỊ SỐ.