Cục Hàng không xác định nguyên nhân bong tróc đường băng sân bay Vinh

11/08/2023 16:04

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải để báo cáo sự cố và công tác khắc phục hư hỏng đường cất hạ cánh tại cảng hàng không Vinh hôm 3/7.

Theo đó, lúc 9h33 ngày 3/7, Đài Kiểm soát không lưu Vinh nhận được thông tin từ cơ trưởng chuyến bay VN1261 về việc phát hiện các mảng bê tông nhựa bị bong bật ở đầu 17 đường cất hạ cánh. Cảng hàng không Vinh tổ chức kiểm tra hiện trường xác định đầu 17 đường cất hạ cánh bị bong bật lớp bê tông nhựa với diện tích khoảng 41,6m2 (chiều rộng 5,2m x chiều dài 8m), cách mép đầu 17 đường cất hạ cánh khoảng 98,4m, kéo dài từ đèn số 4 đến đèn số 5 đường cất hạ cánh.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Cục Hàng không Việt Nam đã cử đoàn công tác đến sân bay Vinh chỉ đạo khẩn trương khắc phục sự cố để đưa công trình vào khai thác.

Công tác khắc phục sự cố đường cất hạ cánh hoàn thành và đảm bảo an toàn đưa vào khai thác lúc 5h50 ngày 4/7, Cảng vụ hàng không miền Bắc đã thực hiện thủ tục ban hành quyết định đưa cảng hàng không Vinh vào khai thác trở lại lúc 7h ngày 4/7.

Cục Hàng không xác định nguyên nhân bong tróc đường băng sân bay Vinh - Ảnh 1.

Đoạn đường băng bị bong tróc tại sân bay Vinh.

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty TNHH MTV thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC), sau khoảng 5 năm khai thác kể từ thời điểm duy tu sửa chữa gần nhất, bề mặt đường băng sân bay Vinh đã có dấu hiệu xuống cấp. Lớp bê tông nhựa trên cùng dày 7cm không liên kết dính bám với lớp bê tông bên dưới.

Bên cạnh đó, yếu tố bất lợi của thời tiết (nhiệt độ cao kỷ lục tại TP Vinh trên 40⁰C, nhiệt độ mặt đường băng cao nhất trong ngày có thể lên trên 50⁰C) đã làm giảm sức chịu tải của mặt đường, khiến lớp bê tông nhựa mặt đường dễ hằn lún, biến dạng và bong bật.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết các yếu tố trên kết hợp với việc vị trí hư hỏng nằm tại vị trí máy bay quay đầu và cất cánh (vị trí xung yếu, chịu lực kéo ngang và chịu tải trọng lớn khi cất cánh) càng dễ gây hư hỏng, biến dạng, bong bật bê tông nhựa mặt đường bên trên.

Mặt khác, việc khai thác đường băng với tần suất lớn hơn tính toán khiến cho các hư hỏng phát triển nhanh hơn, làm giảm tuổi thọ công trình và giảm thời gian cần sửa chữa định kỳ (từ 5 năm có thể xuống còn 2-3 năm).

ACV khẳng định mặt đường băng đã có dấu hiệu bị hư hỏng, phù hợp với thời điểm phải tiến hành sửa chữa theo Thông tư 37 năm 2017 của Bộ GTVT.

Trong báo cáo này, ACV cũng lưu ý chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân sự cố. Các vấn đề nêu trên là đánh giá sơ bộ.

"Qua rà soát, thống kê, Cục Hàng không Việt Nam xét thấy hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn tại các cảng hàng không, sân bay (trừ CHKQT Vân Đồn, CHKQT Nội Bài và CHKQT Tân Sơn Nhất mới đưa vào khai thác hoặc mới được làm lại) đều được xây dựng và đưa vào khai thác từ rất lâu, đã hết tuổi thọ thiết kế và đã xuất hiện tình trạng hư hỏng. Vì vậy cần phải được rà soát, đánh giá toàn diện để xây dựng kế hoạch, phương án sửa chữa lớn, nâng cấp nếu cần thiết" , báo cáo của Cục Hàng không nêu.