Trước ảnh hưởng của đại dịch, lương tổi thiểu vùng đã không tăng trong 2 năm liên tiếp. Trong cuộc họp diễn ra vào cuối tháng 3, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 cho người lao động tại doanh nghiệp. Mức tăng lương sẽ được xem xét kỹ, nhằm đưa ra phương án đảm bảo hài hòa quyền lợi của người lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp khó có thể chịu thêm gánh nặng mới
Trước vấn đề này, Người Đưa tin đã có trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Đánh giá về thời điểm tăng và mức tăng làm sao để phù hợp với lợi ích, điều kiện của doanh nghiệp và người lao động, bà Lan cho rằng cần sự phân tích của Chính phủ, đại diện người lao động, chuyên gia nghiên cứu vĩ mô để đánh giá các tác động từ đó có quyết định thời điểm tăng lương phù hợp.
Hiện nay và trong tương lai trước mắt, doanh nghiệp đang phải đương đầu rất nhiều vấn đề.
Bà Chi Lan đánh giá: “Sau hai năm Covid-19 nền kinh tế chưa kịp phục hồi, căng thẳng tại Ukraine, khiến ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, biến động giá cả các mặt hàng từ thị trường thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng, đảo lộn mối quan hệ giữa các quốc gia làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp và tương lai kinh tế Việt Nam”.
Từ đó, vị chuyên gia cho rằng, thời điểm này về phía người lao động cần phải chia sẻ thêm một thời gian với những khó khăn mà doanh nghiệp và nền kinh tế đang gặp phải.
Nguyên nhân là bởi thời điểm này nguồn ngân sách không thể đảm bảo. Đối với doanh nghiệp thời gian qua đang phải chịu các chi phí đầu vào tăng cao. Trước đó, trong thời gian Covid-19 cũng phải tính toán để duy trì sản xuất, các phí liên quan đến xét nghiệm, tiêm phòng, tổ chức lại đời sống cho công nhân, chi phi phát sinh.
“Ngay cả công ty, xí nghiệp xuất khẩu, có mức lương so với mặt bằng chung thường cao hơn nhưng hiện nay họ cũng phải chịu phí vận chuyển tăng cao, không có tàu vận chuyển,… Vì vây, doanh nghiệp khó có thể chịu được gánh nặng mới”, bà Chi Lan đánh giá.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh nếu tăng mức lương lên quá chi phí quá lớn sẽ khiến doanh nghiệp không thể hoạt động được.
Việc chia sẻ với doanh nghiệp sẽ đóng góp vào phục hồi chung và trên cơ sở đó đời sống đời sống người lao động sẽ tăng lên.
Về thời điểm phù hợp để tăng lương tối thiểu vùng, ông Cấn Văn Lực, TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: “Quan điểm của tôi nên để đầu năm tới, năm nay có thể nền kinh tế phát triển tốt hơn nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn. Trên thực tế, doanh nghiệp mới hoạt động trở lại chưa lâu, bây giờ mới là thời điểm vào guồng của hoạt động sản xuất.
Thực tế, chúng ta vẫn đang đặt trong bối cảnh khó phân định của thế giới, lạm phát giá cả tăng lên rất mạnh, tăng chi phí đầu vào nhưng giá bán đầu ra không thể tăng tương ứng”.
Trước thực tế chúng ta đã lùi thời điểm tăng lương thêm một năm, vậy mức tăng lương như nào cho phù hợp, ông Lực nêu quan điểm: “Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng ta cần căn cứ vào cân đối ngân sách tại thời điểm tăng, sức chịu đựng của doanh nghiệp, lạm phát và giá cả, mức sống của người dân,… và khó thể chốt được mức cố định”.
Tăng lương cũng chỉ đủ mức sống như trước đại dịch
Đại diện người lao động, chia sẻ với Người Đưa tin, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy, Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Tp. Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ việc bức thiết tăng lương cho người lao động vào thời điểm hiện nay.
“Chúng ta cần phải nhanh chóng tăng lương khi người lao động đang gặp khó khăn. Thực tế hiện nay, khi được tăng giờ làm, các lao động phải làm thêm nhiều hơn để tăng thêm thu nhập, đủ nguồn thu.
Nhưng mức thu nhập đó chỉ bằng với thu nhập trước kia của họ, nguyên nhân là bởi vật giá leo thang quá cao. Điều này rất đáng buồn”.
Bà Thúy cho rằng, sau hai năm chờ đợi, đây là thời điểm người lao động có được câu trả lời về mức lương của mình để an tâm đảm bảo cuộc sống. Điều này là hợp lý bởi mức lương thể hiện người lao động đang được trả xứng đáng với giá trị lao động mình bỏ ra.
Nếu doanh nghiệp vẫn giữ quan điểm chưa tăng lương để ổn định sản xuất, rất dễ dẫn đến việc không giữ chân được người lao động. Công nhân viên sẽ lựa chọn những công ty, nhà máy có mức lương phù hợp.
“Thực chất, mức tăng hiện nay cũng chưa thực sự cao đối với từng lao động, nhưng đây thể hiện phần nào sự quan tâm cải thiện mức sống đối với họ”, bà Thúy bày tỏ.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, Việt Nam vẫn là điểm sáng của thế giới về phát triển kinh tế.
Ngay quý 1/2022, GDP đã tăng trên 5%. Trong khi đó, qua nắm bắt của tổ chức công đoàn, rất nhiều doanh nghiệp tại khu vực phía Nam do áp dụng mức lương thấp đã không thu hút được lao động dẫn đến thiếu hụt lao động rất lớn, những yếu tố này đòi hỏi việc tăng lương là rất cần thiết.
Ngoài ra, lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất, mang ý nghĩa bảo vệ người lao động yếu thế, cũng là căn cứ để thương lượng tiền lương trên thực tế.