Theo anh Nguyễn Văn Hùng, Tổ trưởng tổ 4 (Công ty CP Đường sắt Hà Hải), từ ngày 18-9, đơn vị thi công gồm 40 công nhân, chia làm 4 tổ, bắt đầu vệ sinh, sơn lớp một chống gỉ toàn bộ hai bên thành cầu Long Biên, sau đó sẽ tiến hành sơn cuốn chiếu lớp hai để hoàn thiện. Hai bên thành cầu có tổng chiều dài gần 4.600 m, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 11-2021 sau khoảng 2 tháng thi công.
Video cầu Long Biên được hàng chục công nhân sơn lại một lớp "áo" mới
"Lần sơn mới cầu Long Biên trước cũng đã cách đây khoảng 14 năm. Định kỳ hàng năm, công ty đều thực hiện nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt trên cầu Long Biên, nhất là các hạng mục đảm bảo an toàn chạy tàu theo đơn đặt hàng của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), tuy nhiên đến thời điểm này chưa sơn mới lần nào. Cùng với thời gian, toàn bộ kết cấu cầu đã bị hoen gỉ, gây mất mỹ quan. Do đó, việc vệ sinh, sơn mới lại cầu là yêu cầu cấp thiết"- anh Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Hoạt động hơn 100 năm qua, cầu Long Biên chịu nhiều tác động dẫn đến tình trạng xuống cấp nhưng vẫn phải "gồng mình" cõng hàng ngàn lượt phương tiện giao thông mỗi ngày
Công tác sơn lại cầu cũng góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho đội ngũ công nhân, người lao động hợp đồng thời vụ của Công ty CP Đường sắt Hà Hải sau thời gian dài không có việc làm vì giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.
Từ đầu tháng 7-2021, Bộ GTVT đã chuyển tiền tạm ứng 50% giá trị hợp đồng bảo trì, với khoảng hơn 1.400 tỉ đồng cho VNR để đặt hàng bảo trì với 20 công ty bảo trì đường sắt. Số tiền tạm ứng đã được dùng để chi trả lương cho người lao động và chi trả tiền vật tư mà các đơn vị thành viên của VNR tự ứng đưa vào các công trình đường sắt từ đầu năm đến nay, tạo điều kiện cho các đơn vị bảo trì triển khai thường xuyên những công tác như: Bảo dưỡng, khắc phục hậu quả mưa lũ, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất khác...
Trên cầu Long Biên đang tiến hành sơn sửa lan can cầu. Ở đây, các thanh tà vẹt đã bị mục ruỗng, cũ nát theo thời gian
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, khởi công từ tháng 9-1898, do hãng Daydé-Pillié (Pháp) thiết kế và khánh thành năm 1902. Cầu có chiều dài hơn 1.691 m, kết cấu ban đầu là cầu dàn thép, đường sắt chạy ở giữa và hai bên dành cho phương tiện đường bộ
Các dầm chính và phụ của cầu Long Biên bị han gỉ ở các khớp nối cũng được công nhân tiến hành sửa chữa và sơn lại để chống tác động ăn mòn của môi trường
Các công nhân được chia làm 2 ca sáng - chiều. Thời gian làm việc từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, và mỗi ca được chia thành nhiều nhóm
Một công nhân cho biết, họ thực hiện công việc sơn sửa toàn bộ chiều dài lan can bộ hành phía thượng lưu hướng lưu thông từ ga Long Biên sang quận Long Biên gần 1 tháng nay. Trước đó, họ tập trung hàn, vá những chỗ lan can bị hư hỏng, rỉ và sơn phủ. Hiện toàn bộ lan can đã được sơn chống rỉ, chỉ thực hiện sơn phủ hoàn thiện. Trong ảnh: Nam công nhân sơn cả mặt ngoài lan can
Để sơn có độ bền lâu thì đầu tiên các công nhân phải đánh gỉ sạch, sơn chống gỉ, tiếp theo sơn 2 lớp phủ
Tại lan can của cầu Long Biên lực lượng chức năng đã treo biển thông báo "cảnh báo khu vực nguy hiểm. Cấm tụ tập, leo trèo, đu đám, chụp ảnh..." nhằm hạn chế rủi ro khi lan can cầu không còn chắc chắn
Sau khi lăn sơn phủ, người công nhân lại tỉ mỉ "soi" từng khe, kẽ lan can, dùng cọ để trám lại, đảm bảo toàn bộ lan can được sơn kín. Công việc chi tiết nên khá mất thời gian
Các công nhân tiến hành kiểm tra mức độ hoen gỉ và sửa trụ chính của cầu, các dầm chịu lực của cầu Long Biên
Mặt nhựa đường trên phần đường bộ của cầu Long Biên đã có nhiều đoạn bong tróc, gồ ghề. Tình trạng này đã diễn ra từ lâu nhưng vẫn chưa được khắc phục
Các kết cấu thép của cầu Long Biên đã bị han gỉ từ lâu, các vị trí hư hỏng nặng nhất là tại các khớp nối giữa các dầm ngang và dầm dọc của cầu