Chưa tới 3% SIM bị khóa hai chiều được mở lại

22/04/2023 16:03

Trong số 1,15 triệu thuê bao bị khóa liên lạc sau 15/4 do chưa khớp thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hơn 33.000 thuê bao đã được mở lại.

Sau khi cập nhật thông tin, người dùng có thể kiểm tra lại bằng cú pháp "tttb" gửi 1414. Ảnh: Hoàng Nam.

“Đến hết 19/4 đã có 33.600 thuê bao bị khóa 2 chiều thực hiện chuẩn hóa lại”, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, nói với Zing. Con số này chiếm 2,9% trong tổng số 1,15 triệu thuê bao bị khóa nghe gọi sau ngày 15/4, đại diện Cục Viễn thông cho biết.

Sau khi bị khóa 2 chiều, chủ thuê bao cần cập nhật thông tin để được mở liên lạc trở lại. Để thực hiện quy trình này, khách hàng buộc phải đến trực tiếp cửa hàng nhà mạng, không thể cập nhật trực tuyến như trước 15/4.

“Đến 15/5, các thuê bao vẫn tiếp tục không thực hiện chuẩn hóa thông tin sẽ bị thu hồi”, ông Phong Nhã lưu ý.

Có thể thấy trong 4 ngày sau hạn khóa thuê bao, số khách hàng đến chuẩn hóa lại chỉ bằng trung bình một ngày trong thời gian từ 1/4, hạn khóa một chiều gọi đi, đến 15/4. Trong thời gian này, trung bình mỗi ngày có từ 25.000-35.000 thuê bao chuẩn hóa thông tin, theo thống kê của Cục Viễn thông. Sau khi 1,67 triệu thuê bao bị khóa một chiều, sau 15 ngày, đã có hơn 520.000 thuê bao chuẩn hóa và được mở lại.

Trao đổi với Zing, nguồn tin từ một trong 3 nhà mạng chiếm thị phần lớn nhất cho biết không kỳ vọng số lượng lớn chủ thuê bao bị khóa 2 chiều đến cửa hàng nhà mạng, vì trong tập 1,15 triệu thuê bao bị khóa không còn nhiều người dùng mà phần lớn là thuê bao đăng ký sẵn tồn đọng tại các đại lý.

khoa sim anh 1

Thông báo thời hạn khóa 2 chiều gửi đến điện thoại người dùng. Ảnh: Hoàng Nam.

Theo ghi nhận, một số chi nhánh của các nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone cho biết số lượng khách đến cửa hàng không tăng đột biến sau ngày 15/4 như đợt sau 31/3, cho dù là hạn khóa 2 chiều. “Những thuê bao sử dụng thường xuyên thì họ đã làm từ sau 1/4 rồi”, một nhân viên tại cửa hàng Viettel trên đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.

Sau đợt chuẩn hóa lần này, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tiếp tục đề nghị các tỉnh, thành và các sở TTTT thanh tra tình trạng SIM, thuê bao đăng ký sẵn, đăng ký hàng loạt hoặc sai thông tin ở các đại lý và chi nhánh doanh nghiệp viễn thông. Đối tượng bị kiểm tra sẽ là các cá nhân đăng ký sử dụng số lượng SIM lớn, có dấu hiệu bất thường. Đối với doanh nghiệp là từ 50 SIM trở lên, cá nhân là 20 SIM trở lên.

Trường hợp chủ thuê bao không làm rõ được các SIM này đang ở đâu, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu doanh nghiệp viễn thông di động đình chỉ cung cấp dịch vụ, hoặc nhắn tin thông báo cho người sử dụng thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định nếu chủ thuê bao không thực hiện.

Bộ TTTT lưu ý lần thanh tra diện rộng này sẽ xử lý mạnh tay với các đại lý đăng ký hàng loạt SIM rồi bán ra thị trường, cũng như những đối tượng thuê sinh viên, lao động tự do đứng tên đăng ký hàng loạt SIM.

Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ

Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.

Bạn đang đọc bài viết "Chưa tới 3% SIM bị khóa hai chiều được mở lại" tại chuyên mục THIẾT BỊ SỐ.