Chỉ số phát triển con người của Việt Nam: Nhìn rõ hạn chế để cải thiện

07/05/2022 17:32

Chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong những năm qua có nhiều kết quả tích cực, song vẫn tồn tại hạn chế, bất cập và cần có giải pháp cải thiện.

HDI của Việt Nam tăng nhưng còn chậm

HDI (Human Development Index hay Chỉ số Phát triển con người) là chỉ tiêu tổng hợp của tổng hợp, phản ánh sự phát triển của con người về 3 mặt: Thu nhập, sức khỏe, tri thức.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, các quốc gia trên thế giới ngày càng nhận rõ, con người không chỉ là nguồn lực, là quy mô, tiềm lực của nền kinh tế, mà còn là mục tiêu, kết quả và là trung tâm của sự phát triển bền vững. Với ý nghĩa quan trọng đó, trong hoạch định cũng như đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển đất nước, HDI luôn được chính phủ các nước xác định là một trong những chỉ tiêu đặc biệt quan trọng.

Về HDI, các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới được chia thành 4 nhóm: Nhóm 1 - nhóm rất cao, có HDI từ 0,800 trở lên; nhóm 2 - nhóm cao, có HDI từ 0,400 đến dưới 0,800; nhóm 3 - nhóm trung bình, có HDI từ 0,550 đến dưới 0,400; nhóm 4 - nhóm thấp, có HDI dưới 0,550.

Theo báo Đầu tư, HDI của Việt Nam trong những năm qua có nhiều kết quả tích cực, liên tục tăng lên qua các năm (2010 là 0,572, 2015 là 0,666, 2020 là 0,706).

HDI tăng do cả 3 chỉ số thành phần cùng tăng. Trong đó, chỉ số tuổi thọ đóng góp lớn nhất vào chỉ số HDI, đã tăng lên qua các năm (2005 là 72,2; 2010 là 72,9; 2015 là 73,3; 2020 là 73,7), hiện đứng thứ 5 ở khu vực Đông Nam Á, cao hơn mức bình quân 72 năm của khu vực này; đứng thứ 26 ở châu Á và cao hơn mức 73 năm của châu lục này; đứng thứ 87 trên thế giới và cao hơn mức 73 của thế giới.

Đây là kết quả trực tiếp của công tác y tế và chăm sóc sức khỏe. Về mặt này, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hệ thống khám chữa bệnh được hình thành ở 4 cấp (xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp/huyện, quận, thành phố, thị xã/tỉnh, thành phố/trung ương). Ngoài các cơ sở khám chữa bệnh công lập còn có hàng vạn cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập… Bên cạnh đó, nhờ ngân sách nhà nước hàng năm chi nhiều ngàn tỷ đồng mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, cho người nghèo, người cận nghèo, gia đình chính sách... nên tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã ở mức khá cao so với thế giới và khu vực.

Thu nhập (GNI tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương bình quân đầu người với giá trị tối đa là 75000, giá trị tối thiểu là 100) của Việt Nam năm 2020 đạt 0.664 - cao thứ 2 trong 3 chỉ số thành phần. Đây là kết quả tích cực của việc tăng trưởng liên tục trong thời gian dài (tính đến năm 2020 đạt 39 năm, dài thứ hai thế giới), với tỷ giá VND/USD ổn định trong gần 10 năm qua và tốc độ tăng dân số giảm xuống còn mức thấp (tỷ suất tăng tự nhiên chỉ còn 0,93%, tỷ lệ tăng chung chỉ còn 0,95%), tốc độ tăng năng suất lao động đạt khá; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp cao lên…

Trong khi đó, chỉ số giáo dục (tri thức) của Việt Nam đã tăng từ 0,618 năm 2016 lên 0,621 năm 2017, lên 0,625 năm 2018, lên 0,641 năm 2019 và 0,640 năm 2020. Có 5 địa phương có chỉ số giáo dục năm 2020 cao nhất Việt Nam là Hà Nội 0,783; Đà Nẵng 0,763, Hải Phòng 0,732, Tp.HCM 0,730, Hưng Yên 0,692.

Với mức 0,706 điểm vào năm 2020, HDI của Việt Nam đã được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) quyết định chuyển từ nhóm nước có HDI trung bình lên nhóm nước có HDI cao. Thứ bậc của Việt Nam về HDI cao hơn thứ bậc về GNI (thu nhập quốc dân) bình quân đầu người, nên HDI của Việt Nam cao hơn thứ bậc về HDI của một số nước có GNI bình quân đầu người cao hơn Việt Nam. Điều này thể hiện rõ hơn định hướng của Việt Nam là nền kinh tế thị trường theo định hướng vì con người.

Tuy nhiên, chỉ số HDI của Việt Nam vẫn còn đứng ở thứ bậc thấp. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 7 (cách khá xa so với Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan, thấp hơn Indonesia, Philippines); đứng thứ 28 ở châu Á và đứng thứ 116/158 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có số liệu so sánh. HDI của Việt Nam tuy tăng lên, nhưng tăng chậm, nên thứ bậc chậm cải thiện, trong khi các nước cũng có sự cải thiện trong thời gian tương ứng.

Nhận diện nguyên nhân

Thứ bậc về 3 chỉ số thành phần của HDI của Việt Nam tăng chậm. Chỉ số về tuổi thọ sau 5 năm chỉ tăng 0,004 điểm, mức tăng thấp nhất trong 3 chỉ số thành phần. Nguyên nhân là tuổi thọ cao, nhưng những người cao tuổi của Việt Nam phần nhiều không khỏe, nhiều người có bệnh nền, ít có tích lũy, phần lo tuổi già còn nhỏ; “cơ cấu dân số vàng” đang qua nhanh, “cơ cấu dân số già” đang đến nhanh và xen kẽ với “cơ cấu dân số vàng”, nên đang đứng trước nguy cơ “chưa giàu đã già”…

Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe cho người dân còn nhiều bất cập như số giường bệnh bình quân một vạn dân còn thấp, nhiều bệnh viện ở tuyến trên còn tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép, nằm giường kê ở hành lang… còn không ít người già không có bảo hiểm y tế…

Chỉ số tri thức tăng chậm, sau 5 năm chỉ tăng 0,022 điểm. Nếu như năm 2016, chỉ số giáo dục của Việt Nam được chấm 0,618 điểm, thì đến năm 2020 chỉ nhích lên 0,640 điểm, do trong suốt 5 năm qua, Việt Nam không có chính sách đặc biệt nào để cải thiện lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Trong khi đó, giáo dục - đào tạo còn nhiều hạn chế, thách thức. Đối với mẫu giáo, số học sinh bình quân một lớp học, bình quân một giáo viên nhiều nơi còn cao. Đối với phổ thông, việc chuẩn hóa cấp học, giáo trình, mật độ học sinh, lớp học cấp tiểu học ở một số đô thị lớn, chế độ đối với giáo viên… cần được quan tâm. Đối với đại học, cao đẳng, cần quan tâm hoàn thiện cơ cấu môn học, cơ cấu đào tạo ngành, nghề, lý thuyết và thực hành, đào tạo và sử dụng… Cùng với đó, cơ cấu đào tạo có sự chuyển dịch, nhưng vẫn còn tình trạng “thầy nhiều hơn thợ”… Giáo dục - đào tạo chưa thực sự là chìa khóa của khoa học - công nghệ; khoa học - công nghiệp chưa thực sự là động lực của tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội…

Chỉ số về thu nhập dù có mức tăng cao nhất trong 5 năm qua (với mức tăng 0,040 điểm), nhưng quá nhỏ và cũng có không ít hạn chế. Mặc dù có thời gian tăng liên tục khá dài, có tốc độ tăng năng suất lao động tương đối cao, nhưng do điểm xuất phát quá thấp, nên mức GNI bình quân đầu người tính bằng USD của Việt Nam thấp hơn nhiều nước.

Năm 2020, GNI bình quân đầu người của Việt Nam quy đổi theo sức mua tương đương đạt 8.132 USD, tăng 31% so với năm 2016. Tuy vậy, mức thu nhập này mới bằng 35% bình quân của ASEAN và còn khoảng cách khá xa so với thu nhập của người dân Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, chứ chưa nói tới Singapore (88.155 USD), Brunei (63.965 USD), cho dù quy mô GDP của Việt Nam đã bỏ qua Singapore và Malaysia từ năm 2020.

Nguyên nhân chính là hiệu quả đầu tư và mức năng suất lao động của Việt Nam thuộc loại thấp, tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng nhưng còn thấp.

Do vậy, để cải thiện chỉ số HDI, ngoài việc chăm sóc sức khỏe, tăng tuổi thọ, Việt Nam cần tập trung hơn cho việc nâng cao chỉ số tri thức và đặc biệt là chỉ số thu nhập. Cần khắc phục những hạn chế của các chỉ số này, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, tăng tỉ lệ người lao động đang làm việc qua đào tạo, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, nhất là kinh tế số… Cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó cần tập trung cho cơ cấu lao động, ngành kinh tế, vùng kinh tế, vốn đầu tư, loại hình kinh tế...

Minh Hoa (t/h)