Trong nhiều năm trở lại đây, khu vực chợ Thủ Ðức (TP Thủ Ðức, TP HCM), cứ hễ mưa lớn là nước từ các con hẻm cuồn cuộn như thác, đổ ra đường Võ Văn Ngân rồi từ đó bủa vây cả khu vực rộng lớn.
Mong ngóng từng ngày
"Nước tràn từ ngã ba Võ Văn Ngân - Ðặng Văn Bi xuống dốc Nhà thờ, chợ Thủ Ðức lập tức biến thành cù lao giữa phố, tiểu thương than trời" - ông Nguyễn Văn Hùng, một tiểu thương kinh doanh lâu năm ở chợ Thủ Ðức ngán ngẩm. Ông nói tiểu thương ở chợ Thủ Ðức đã mặc định buôn bán vất vả các tháng mùa nắng để dành tiền bù lỗ cho những tháng mùa mưa. "Nếu không gặp cảnh ngập thì chắc chắn đời sống của tiểu thương nơi đây khá hơn nhiều" - ông Hùng khẳng định.
Theo ông Hùng, có lẽ thấy được nỗi vất vả của tiểu thương cũng như những hộ dân xung quanh, để giải quyết ngập khu vực này, tháng 10-2020, dự án xây dựng hệ thống thoát nước cho đường Võ Văn Ngân được khởi công và dự kiến hoàn thành sau 17 tháng thi công. "Ðây là niềm vui lớn cho người dân, đặc biệt tiểu thương khu vực chợ Thủ Ðức. Thế nhưng đến nay, dự án đã đi được 14 tháng mà vẫn chỉ là… dự án bởi nhìn thực địa thi công thì thấy không tiến triển. Kiểu này, mùa mưa tới lại tiếp tục than trời vì ngập" - ông Hùng thắc mắc và mong dự án sớm hoàn thành.
Cũng ở TP Thủ Ðức, nhiều năm qua, khu vực phường Thảo Ðiền cứ hễ mưa là đường biến thành sông khiến người dân khốn khổ. Theo bà Lê Thị Mậu (ngụ phường Thảo Ðiền), tất cả là do dự án xây dựng đường nối Nguyễn Văn Hưởng ra xa lộ Hà Nội triển khai quá chậm. "Gia đình tôi bàn giao mặt bằng cho dự án từ năm 2018 nhưng khi ấy vẫn còn hộ chưa giao nên đơn vị thi công chỉ nâng cấp, mở rộng một bên đường, khiến đường bên cao bên thấp và ngập vẫn hoàn ngập" - bà Mậu bức xúc và đề nghị sớm hoàn thiện dự án.
Cảnh khổ vì ngập có lẽ là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với gia đình bà Nguyễn Thị Hoàng (ở đường Trần Xuân Soạn quận 7). Ðưa tay chỉ về cống ngăn triều Tân Thuận cách hơn 100 m, bà Hoàng thở dài vì không biết khi nào mới thoát ngập. Như nhiều người dân nơi đây, bà không biết khi nào cánh cửa van ngăn triều hạ xuống mỗi khi nước lên vì dự án tạm ngưng thi công cả năm nay. "Riết rồi chúng tôi thuộc lòng, cống Tân Thuận là hạng mục của dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) trị giá gần 10.000 tỉ đồng. Nếu đúng tiến độ thì cống Tân Thuận đã được vận hành cách đây 2 năm. Nay quá hạn và việc thi công cứ im ỉm, mấy chú hỏi giúp bà con khi nào cống này hoàn thành nhé" - bà Hoàng nhắn gửi.
Nơi chờ, chỗ sẽ đẩy nhanh
Liên quan đến tiến độ dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, ngày 30-12, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (nhà đầu tư dự án), cho biết thời gian từ đầu năm đến nay, thời kỳ đỉnh dịch Covid-19 bùng phát gây khó khăn toàn diện cho công tác xây dựng hạ tầng thi công. Vì vậy, dự án vẫn không thể tái triển khai được như kỳ vọng, vì nhiều nguyên do khách quan và chủ quan.
Ông Tiến cho biết tính đến thời điểm tháng 12-2021, dự án đã tạm dừng thi công 3 lần vào các năm 2018, 2019 và 2020. Tuy tạm dừng, nhà đầu tư vẫn bảo đảm các yếu tố về chất lượng công trình. Tổng giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 cam đoan về chất lượng và tính hiệu quả của dự án đối với triều cường biến đổi khó lường của TP HCM. "Chúng tôi mong muốn được sớm triển khai trở lại để người dân nhanh chóng được hưởng thụ thành quả này. Ðây chính là điều chúng tôi mong mỏi nhất" - ông Nguyễn Tâm Tiến nói.
Người dân ngụ đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP HCM mong cống ngăn triều Tân Thuận sớm đưa vào sử dụng
Trở lại với các "rốn" ngập ở TP Thủ Ðức, theo Sở Xây dựng thành phố, riêng trên địa bàn TP Thủ Ðức, tồn tại 6 tuyến đường thường xuyên ngập như: Thảo Ðiền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Quốc lộ 1A; 4 tuyến đường xuất hiện ngập trong mưa như: Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Lương Ðịnh Của, Nguyễn Duy Trinh. Ðể giải quyết ngập cho khu vực chợ Thủ Ðức và phường Thảo Ðiền, thành phố đang tập trung triển khai thực hiện các dự án đầu tư hệ thống thoát nước và sẽ tăng tốc trong năm 2022.
Ở dự án xây dựng đường nối Nguyễn Văn Hưởng ra xa lộ Hà Nội nhằm chống ngập cho khu vực Thảo Ðiền, theo các bên liên quan, dự án được triển khai từ tháng 5-2016 nhưng đến tháng 7-2020 vẫn còn 200 m chưa xong (đoạn từ Nguyễn Cừ đến Xuân Thủy). Khi đó, Sở Giao thông Vận tải đề nghị chính quyền địa phương đẩy nhanh việc bồi thường, vận động các hộ dân sớm bàn giao mặt bằng. Ðến nay, tuy hết năm 2021 nhưng đoạn đường này vẫn chưa thể hoàn chỉnh mở rộng 2 bên. Hiện các bên đã họp để gấp rút đẩy nhanh dự án trong năm 2022. Riêng đối với dự án giải ngập cho chợ Thủ Ðức, đại diện đơn vị thi công dự án thoát nước đường Võ Văn Ngân cho biết dự án thi công được 2 tháng thì tạm ngưng do ảnh hưởng dịch Covid-19. Sau đó, dự án gặp khó khăn về nguồn vốn, nhân công. Vì thế, công trình qua chợ Thủ Ðức dù được thi công từ tháng 6-2021 nhưng vẫn chưa thể hoàn thành. Ðến nay, toàn bộ dự án đạt hơn 10% khối lượng thi công. "Trong năm 2022, chúng tôi sẽ tăng tốc để đưa dự án về đích sớm nhất có thể" - đại diện đơn vị thi công cho hay.
Năm nhóm giải pháp
Về tình trạng ngập trên địa bàn thành phố vẫn không được đẩy lùi, một trong những nguyên nhân chủ yếu mà Sở Xây dựng TP HCM chỉ ra là các thông số tính toán đầu vào quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP HCM (quy hoạch 1547) và quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP HCM đến năm 2020 (quy hoạch 752) đã không còn phù hợp, nhưng chưa kịp thời cập nhật, bổ sung, điều chỉnh. Hơn nữa, tiến độ triển khai các dự án thuộc các quy hoạch còn chậm do nguồn lực hạn chế, công tác kêu gọi đầu tư cho công tác chống ngập gặp nhiều khó khăn.
Theo Sở Xây dựng, thời gian tới, TP HCM ngoài tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được thì sẽ quyết liệt thực hiện Ðề án chống ngập và Xử lý nước thải TP HCM giai đoạn 2020 - 2045 và Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030 với 5 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch; triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thứ hai, tập trung thực hiện các giải pháp công trình để phục vụ giải quyết ngập với các giải pháp ngắn hạn, dài hạn. Thứ ba, rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư; cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành các công trình thoát nước. Thứ tư, tăng cường liên kết, hợp tác khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước. Thứ năm, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân.
22 tuyến đường ngập
Sở Xây dựng TP HCM thông tin hiện toàn thành phố còn 18 tuyến đường ngập do mưa gồm: Nguyễn Hữu Cảnh, Bạch Ðằng (quận Bình Thạnh), Tân Quý, Phan Anh (quận Tân Phú), Ba Vân, Trương Công Ðịnh, Bàu Cát (quận Tân Bình), Lê Ðức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ, quận Gò Vấp), Ðặng Thị Rành, Thảo Ðiền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Quốc lộ 1A (TP Thủ Ðức), Hồ Học Lãm (quận Bình Tân); 4 tuyến đường ngập do mưa cộng với triều cường: Nguyễn Văn Hưởng (TP Thủ Ðức), Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), Trần Xuân Soạn (quận 7).
Theo Sở Xây dựng TP HCM, từ năm 2008 đến tháng 6-2020, thành phố đã kéo giảm từ 126 tuyến đường còn 22 tuyến đường thường xuyên ngập do mưa, mưa kết hợp triều cường. Tuy nhiên, từ tháng 6-2020 đến cuối năm 2021, thành phố chưa thể xóa thêm điểm ngập nào. Lý giải việc này, một lãnh đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TP HCM) cho biết Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thực hiện các dự án và đăng ký xóa ngập tại 3 điểm là Bàu Cát, Trương Công Ðịnh, Ba Vân. "Các dự án khởi công từ đầu năm và dự kiến hoàn thành trong năm nay nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chưa thể thi công xong" - vị này cho biết.