Cảnh báo người dân những số điện thoại mạo danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... lừa đảo chiếm đoạt tài sản

08/11/2023 20:09

Thời gian qua, xuất hiện một số trường hợp mạo danh cơ quan chức năng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có hình thức tinh vi với giá trị hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Cảnh báo thủ đoạn giả danh Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thủ đoạn giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... yêu cầu người dân làm theo hướng dẫn, cung cấp mật khẩu thẻ ngân hàng, mã OTP để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là thủ đoạn không mới và đã được các cơ quan chức năng tuyên truyền cảnh báo nhưng hiện nay rất nhiều người vẫn mắc bẫy và bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Ngày 04/9/2023, chị Nguyễn Thị N, sinh năm 1982, trú tại phường Xuân Phú, thành phố Huế nhận cuộc gọi điện thoại của một người tự xưng là cán bộ Công an. Người này đe dọa chị N đang liên quan đến một vụ án, yêu cầu phối hợp nếu không sẽ cho người đến bắt giữ. Lúc này chị N lo lắng, giải bày không liên quan gì đến vụ án thì đối tượng cho biết có thể tài khoản ngân hàng của chị N bị nhân viên ngân hàng sử dụng để phạm tội. Nếu chị, không vi phạm gì chúng sẽ làm rõ, đồng thời sẽ bảo vệ chị. Đối tượng tiếp tục yêu cầu chị N đổi mật khẩu trong App ngân hàng và đối tượng hướng dẫn, cung cấp cho chị một mật khẩu mới. Yêu cầu chị N kê khai tài sản, chuyển hết vào trong tài khoản của chị để Công an bảo vệ. Lúc này chị N rút tiền tiết kiệm chuyển vào tài khoản và tiền sẵn có gần 220 triệu đồng thì bị đối tượng giả danh Công an chiếm đoạt.

Cảnh báo người dân những số điện thoại mạo danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh 1.

Cán bộ Công an TP Huế nghe người dân trình báo về việc bị đối tượng giả danh gọi điện lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Tương tự trường hợp của chị N, ngày 06/9/2023, anh Đặng Văn Đ, sinh năm 1983, trú tại phường An Hòa, thành phố Huế bị kẻ gian giả danh cán bộ Công an thông b áo anh Đ liên quan đến một vụ án ma túy. Yêu cầu anh Đ kê khai tài sản và tiền trong tài khoản. Chuyển tất cả tiền vào trong tài khoản của anh Đ, yêu cầu anh Đ làm theo hướng dẫn, cung cấp mật khẩu ngân hàng, mã OTP thì bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 324 triệu đồng. Một trường hợp khác, ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1956, trú tại phường Đúc, thành phố Huế bị các đối tượng giả danh Công an, Viện kiểm sát thông báo thông tin ngân hàng ông H bị kẻ gian lợi dụng hoạt động phạm pháp. Yêu cầu ông H kê khai tài sản, chuyển hết tiền vào trong tài khoản ngân hàng ông H, yêu cầu ông H làm theo hướng dẫn, cung cấp mật khẩu thì bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng.

Lừa đảo "chạy án" chiếm đoạt tài sản

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Huế vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đào Duy Thạnh – Sinh năm: 1993, trú tại: Thôn Thai Dương Hạ Bắc, xã Hải Dương, thành phố Huế có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, Đào Duy Thạnh biết được người thân của chị Trần Thị M, sinh năm 2000, trú tại phường Phú Thượng thành phố Huế bị cơ quan Công an bắt tạm giam về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Do không có tiền tiêu sài nên Thạnh đặt vấn đề với chị M là Thạnh có mối quan hệ với Công an, Viện Kiểm sát sẽ xin cho người thân chị M ra trại sớm...

Bằng thủ đoạn này, ngày 8/6/2023 Thạnh yêu cầu chị M chuyển tiền cho Thạnh 80 triệu đồng. Ngày 4/7/2023, Thạnh tiếp tục yêu cầu chị M chuyển thêm 30 triệu đồng. Tất cả số tiền trên, Thạnh mang đi tiêu sài cá nhân. Sau một thời gian chị M biết mình bị lừa đảo nên trình báo Công an. Ngày 31/10/2023, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Huế đã xác minh, làm rõ và tiến hành các thủ tục bắt tạm giam đối với với Thạnh để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Cảnh báo người dân những số điện thoại mạo danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh 2.

Đối tượng Đào Duy Thạnh tại cơ quan điều tra

Người dân cần lưu ý các số điện thoại mạo danh cơ quan chức năng

Để phòng ngừa loại tội phạm này, Công an thành phố Huế khuyến nghị, việc các cơ quan chức năng bắt tạm giữ, tạm giam, thi hành án... sẽ được thực hiện đúng theo quy trình, quy định của pháp luật, không ai có thể can thiệp nên mọi người hết sức lưu ý tránh các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội CSHS Công an TP Huế cho biết, ngoài thủ đoạn "chạy án" để lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trường hợp kể trên thì thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã bị các đối tượng sử dụng những đầu số điện thoại: 0586291097; 0583945381; 0814073108; 0849130115; 0819078726; 0886284501; 0836149554; 0822296690; 0822346178; 0814032589; 0853327415; 0911109884; 0853613907; 0834186052… gọi đến và tự xưng là cán bộ Công an, Viện KSND để thông báo họ có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà cơ quan Công an đang điều tra. Sau đó các đối tượng yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng nhằm mục đích thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Tuy nhiên, dấu hiệu dễ nhận biết đó là lừa đảo là thứ nhất các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Công an, không giải quyết các vụ án qua điện thoại. Thứ 2, không có việc yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản để Công an nắm và bảo vệ tài khoản, thứ 3 không yêu cầu bị hại cung cấp mật khẩu thể thẻ tín dụng hoặc mã OTP…. Đây là những thông tin bí mật nếu các đối tượng nắm được sẽ chiếm đoạt được tài sản trong thẻ tín dụng…

Hiện nay, khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ, tội phạm công nghệ cao không ngừng lợi dụng người dân thiếu kiến thức và sơ hở trong quá trình sử dụng mạng Internet, mạng viễn thông, tài khoản ngân hàng và các App tín dụng.... để hoạt động phạm tội.

Công an thành phố Huế khuyến nghị, nếu không muốn bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng thì tuyệt đối không cung cấp mật khẩu tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai. Nếu có người gọi điện thoại tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, cán bộ Viễn thông... thông báo liên quan đến các vụ án thì đến trực tiếp đến trụ sở Công an nơi gần nhất để nắm lại sự việc, không trao đổi qua điện thoại.