Hà Nội hiện có nhiều dự án giao thông lớn, vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đang đồng loạt thi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Tiêu biểu nhất là tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Tuyến đường sắt đô thị này khởi công từ tháng 9/2010 với chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm. Tổng vốn đầu tư ban đầu là 22.510 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên mức 32.910 tỷ đồng. Trong khi đó, dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2018 nhưng sau đó được điều chỉnh lùi sang năm 2022.
Đoạn trên cao hiện đã hoàn thành trên 90% tổng khối lượng công việc. Đầu tháng 12 vừa qua, các đoàn tàu đã chạy thử với tốc độ cao, lên đến 80 km/h.
Tuy nhiên, 4 km đi ngầm thì gặp rất nhiều khó khăn và mới hoàn thành 33% tiến độ. Đến tận tháng 11 năm nay, tức là sau 11 năm khởi công, vấn đề giải phóng mặt bằng mới cơ bản được giải quyết. Vì chậm bàn giao mặt bằng, liên danh nhà thầu Hyundai E&C (Hàn Quốc) và Ghella (Ý) đã có văn bản thông báo dừng thi công vào tháng 6 và đòi bồi thường 114,7 triệu USD (khoảng 2.600 tỷ đồng). Hiện, công trường đoạn ngầm vẫn chưa thi công trở lại. Thời gian vận hành toàn tuyến tiếp tục bị lùi đến năm 2025.
Dự án cầu Vĩnh Tuy 2 bắc qua sông Hồng nối giữa quận Hai Bà Trưng và quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã được khởi công từ tháng 1 với tổng mức đầu tư khoảng 2.538 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và UBND TP Hà Nội.
Cầu Vĩnh Tuy 2 được xây dựng với kết cấu, hình dáng tương tự cầu Vĩnh Tuy 1 và nằm song song với cầu Vĩnh Tuy 1, dự kiến hoàn thành sau 3 năm. Cầu dài 3,5 km, rộng 19,25 m, với 4 làn xe (2 làn xe cơ giới, một làn xe buýt, một làn tổng hợp và dải đi bộ). Hiện nhà thầu đang xây dựng các trụ móng ở phần bãi cát. Với những trụ ở dưới lòng sông, công nhân tiến hành tạo khung, hút nước, khoan cọc.
Sau đó những máy trộn cỡ lớn sẽ đổ đầy bê tông vào hố. Hiện công trường trên có 11 đơn vị thi công với 11 mũi, huy động 552 nhân lực, làm việc 3 ca, 4 kíp, 24/24 giờ.
Với tiến độ này, dự kiến các hạng mục bệ thân trụ và trụ dưới sông sẽ hoàn thành trước tháng 4/2022 và đến tháng 6/2022 sẽ tiếp tục thi công các hạng mục kết cấu phần trên. Dự kiến đến năm 2023, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ hoàn thành, góp phần hoàn thiện tuyến đường vành đai 2, tăng cường khả năng lưu thông giữa 2 bờ sông Hồng.
Một dự án giao thông lớn khác là hầm chui Lê Văn Lương - Tố Hữu có tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 10/2020, dự kiến hoàn thành vào năm 2022.
Theo thiết kế, hầm đường bộ Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến - Tố Hữu dài 475 m, bao gồm 95 m hầm kín, 380 m hầm hở.
Hầm được thiết kế rộng 15 m với 4 làn xe. Khi hoàn thành, hầm chui được kỳ vọng sẽ giải quyết áp lực giao thông "khổng lồ" của 40 toà chung cư trên đường Lê Văn Lương. Hiện công nhân đang bước vào giai đoạn thi công hầm chính.
Dự án cầu vượt chữ C với tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng đang được xây dựng tại ngã tư Phạm Ngọc Thạch - chùa Bộc. Tại giai đoạn 1 của dự án, đơn vị thi công phần cầu phía đường Phạm Ngọc Thạch và xén mở rộng vỉa hè đường Chùa Bộc. Dự kiến đến ngày 31/12 sẽ hoàn thành giai đoạn 1. Giai đoạn 2, đơn vị thi công sẽ rào chắn một phần đường Chùa Bộc và lao lắp dầm thép phía Phạm Ngọc Thạch.
Đây là cầu vượt thép hình chữ C đầu tiên của Hà Nội. Sau khi hoàn thành, cầu vượt sẽ có 2 làn hỗn hợp cho ô tô và xe máy theo hướng Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch và ngược lại.
Trên công trường, công nhân đang tiến hành đóng các cột trụ trên đường Phạm Ngọc Thạch. Do diện tích nhỏ hẹp nên việc thi công gặp nhiều khó khăn. Không những thế, việc rào chắn còn gây ách tắc trong giờ cao điểm.
Dự án mở rộng đường Âu Cơ từ đoạn giao với Xuân Diệu đến cầu Nhật Tân dài 3,7 km với mức đầu tư 815 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố Hà Nội. Dự án được khởi công từ tháng 12/2019, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Nhưng đến hết năm 2021, dự án vẫn còn dang dở. Nhiều đoạn vẫn còn rào chắn khiến cho phương tiện rất khó lưu thông.
Theo người dân địa phương, công trường đã vắng bóng người gần một năm nay. Vật liệu xây dựng bị vứt lại ngổn ngang. Khu vực quây tôn trở thành nơi phóng uế của người đi đường.
Chuyện khó tin ở 3 lô đất 'kim cương' nghìn tỷ giữa trung tâm TP.HCM-bất động đến đáng lo?
Nhịp Sống Việt