Nguyên nhân đèn ô tô bị hấp hơi nước
Trong trường hợp đèn bị hấp hơi, có thể trước đó phương tiện đã va chạm hoặc gặp tác động vật lý khu vực đầu xe. Dù không va trực tiếp vào đèn, bộ phận này cũng không bị vỡ nứt hay xước, nhiều khả năng chóa đèn bị hở sẽ khiến ngưng đọng hơi nước. Đặc biệt, điều kiện trời mưa rất dễ làm đèn xe bị hấp hơi.
Ngoài ra, hiện tượng đèn bị hấp hơi còn có nguyên nhân từ việc độ đèn hay sửa chữa đèn cần phải tháo lắp tại các cơ sở chuyên môn chưa cao, thiếu kinh nghiệm khiến mặt đèn khi tháo ra lắp lại bị biến dạng hay cao su lắp không kín sẽ tạo ra những khe hở. Từ đó nước hoặc hơi nước có cơ hội lọt vào bên trong đèn xe.
Một số phương pháp xử lý nhanh khi đèn ô tô bị hấp hơi
Bật sáng đèn: Nếu sử dụng xe trong trời mưa và đèn bị mờ do ngưng đọng hơi nước, nhiều khả năng đây chỉ là tình trạng tạm thời. Do đó, chủ sở hữu chỉ cần bật đèn cho đến khi hơi nước biến mất. Ngoài ra, người dùng nên tháo cụm đèn pha theo hướng dẫn sử dụng xe và dùng khăn microfiber lau sạch hơi ẩm trên ống kính đèn.
Sấy đèn: Chủ sở hữu nên mang xe đến đội ngũ kỹ thuật để sử dụng dịch vụ sấy đèn chuyên dụng. Nhờ biện pháp này, tình trạng hấp hơi sẽ được xử lý triệt để.
Mở nắp chụp cao su và bật đèn : Khi đèn pha ô tô bị hấp hơi nước, nguyên nhân có thể do nắp chụp chưa được đóng khít, gioăng nắp chụp không chặt hay bị nứt, mục. Để xử lý, người sử dụng hãy xem xét cách tháo nắp chụp cao su ở sau đèn và bật đèn sáng trong khoảng 20 phút để đèn nóng lên và đẩy hơi ẩm ra ngoài. Sau đó, đậy nắp đèn lại và tiếp tục theo dõi.
Cách phòng tránh tình trạng ô tô bị hấp hơi
Để phòng tránh được tình trạng đèn xe bị hấp hơi nước do những vết nứt hở, chủ sở hữu cần phải thường xuyên kiểm tra, vệ sinh và bảo dưỡng bộ phận này định kỳ để sửa chữa kịp thời nếu gặp sự cố.
Cùng với đó, khi mua xe khách hàng cần phải xem xét kỹ lưỡng từng bộ phận. Ngoài ra, việc tháo lắp đèn cần phải đảm bảo đúng kỹ thuật và thực hiện ở những nơi có độ ẩm phù hợp. Việc lựa chọn cửa hàng uy tín để nâng cấp đèn cũng rất quan trọng.