Thận trọng quá mức
Tại phiên chất vấn sáng 10/11, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu thực trạng một số tỉnh "người lớn đi làm nhưng trẻ vẫn phải học trực tuyến".
"Cử tri cho rằng đây là sự thận trọng quá mức mà không tính đến thiệt thòi của học sinh và khó khăn của các gia đình có trẻ nhỏ học ở nhà. Quan điểm của Bộ trưởng về việc này như thế nào?"
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Bắc Kạn
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và đào tạo đã tổ chức hội nghị với các địa phương. Tinh thần là các địa phương không vì lo lắng quá mà hạn chế việc học sinh đi học trực tiếp, nhất là các lớp đầu cấp như lớp 1, bậc tiểu học.
Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn các địa phương có biện pháp phòng chống dịch khi mở cửa trường học trở lại để vừa học nhưng cũng đảm bảo an toàn.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, các địa phương không nên chờ vắc xin mới mở cửa trường học.
"Chúng tôi khuyến cáo các địa phương mạnh dạn cho các cháu đi học, nhất là địa phương ở cấp độ dịch 1, 2".
Bao nhiêu ngày phải xét nghiệm lại?
Phản ánh băn khoăn của cử tri, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho biết, thời gian hiệu lực của kết quả xét nghiệm khác nhau giữa nhiều địa phương, có nơi quy định 72h, có nơi 48h, thậm chí 24h. "Vậy chuẩn là bao nhiêu ngày phải xét nghiệm lại?".
Về việc này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian hiệu lực của kết quả xét nghiệm cũng có giá trị khác nhau giữa các nước, nhưng cơ bản là lấy mốc thời gian 72h.
Tuy nhiên, với tinh thần thích ứng an toàn hiện nay, việc xét nghiệm chỉ thực hiện với người đi từ vùng dịch ra bên ngoài, không xét nghiệm khi người dân di chuyển ở vùng tương đồng với nhau.
Đơn cử như việc đi lại giữa 19 tỉnh, thành phố phía Nam không phải xét nghiệm, việc xét nghiệm chỉ thực hiện khi đi ra khỏi khu vực.
"Chúng ta chỉ xét nghiệm với người dân đi từ vùng dịch trở về, và đó là trách nhiệm của cơ quan y tế. Người dân không phải tự đi xét nghiệm”, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu.
Tiền Phong