Bộ Y tế tiếp nhận 1.910 tủ lạnh bảo quản vaccine do Australia và UNICEF hỗ trợ

10/11/2021 13:00

Bộ Y tế đã tiếp nhận 1.910 tủ lạnh bảo quản vắc xin phòng Covid-19 cùng hơn 5 triệu vật tư tiêm chủng do Chính phủ Australia hỗ trợ.

Chiều 9/11, tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế tiếp nhận 1.910 tủ lạnh bảo quản vaccine, 5 triệu bơm kim tiêm và 50.000 hộp an toàn trong khuôn khổ dự án do Chính phủ Australia phối hợp với UNICEF hỗ trợ cho công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam.

Phát biểu tại lễ bàn giao tượng trưng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Chính phủ, nhân dân Australia và UNICEF. Thời gian qua, hợp tác y tế giữa hai nước ngày càng được tăng cường, thúc đẩy thông qua hợp tác chuyên môn, kỹ thuật giữa các đơn vị trực thuộc của Bộ Y tế với các bệnh viện, trường đại học và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực y tế của Australia. Trong đại dịch Covid-19, Chính phủ Australia đã nỗ lực triển khai các cam kết cung ứng vaccine, hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế cho Việt Nam cùng các nước Đông Nam Á – Thái Bình Dương thông qua thỏa thuận với UNICEF và sáng kiến tiếp cận vaccine và an ninh y tế.

Bộ Y tế cam kết sẽ phân bổ số vaccine, vật tư y tế này tới các đơn vị và địa phương phòng, chống dịch căn cứ theo tình hình thực tế để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch khẩn cấp, đảm bảo phù hợp, hiệu quả.

Thượng nghĩ sỹ Marise Payne, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Phụ nữ Australia cho biết, Australia cam kết hợp tác với Chính phủ Việt Nam và UNICEF trong việc hỗ trợ Việt Nam triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19. Các trang thiết bị này sẽ giúp tăng cường nỗ lực tiêm vaccine của Việt Nam. Là một người bạn và đối tác thân thiết, Australia tự hào có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc này.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, UNICEF rất vui mừng được chung tay với Chính phủ Australia hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực của hệ thống y tế và tiêm chủng để phân phối vaccine phòng Covid-19 một cách hiệu quả và công bằng.

Y Vân

Theo Nhịp sống kinh tế