Bộ trưởng Tô Lâm: Giấy tờ xe tích hợp vào định danh sẽ không phải mang theo

10/11/2023 16:05

Dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định một trong các giấy tờ: giấy phép lái xe, chứng nhận đăng ký xe, chứng nhận kiểm định... trong trường hợp thông tin đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước thì không phải mang theo.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết điều này khi trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV.

Hàng nghìn người chết mỗi năm, công tác quản lý lái xe còn bất cập

Nêu 6 cơ sở thực tiễn cần thiết phải ban hành luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.

Theo thống kê, trung bình hàng năm có gần 9 nghìn người chết, gần 30 nghìn người bị thương, trong đó chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội.

"Tình trạng vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém. An ninh con người trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được bảo đảm" - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm: Giấy tờ xe tích hợp vào định danh sẽ không phải mang theo - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình tại Kỳ họp thứ 6

Một trong những nguyên nhân chính là nhiều quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam.

Thực tế cho thấy, khi đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ gặp nhiều khó khăn về cơ sở pháp lý. Vận tải đường bộ hiện phải đảm nhận tỷ trọng lớn, không cân đối với các phương thức vận tải khác; công tác quản lý lái xe còn bất cập; thiếu cơ sở dữ liệu quản lý chặt chẽ người lái xe kinh doanh vận tải...

Dự thảo luật dành 11 điều quy định về: Điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; giấy phép lái xe; tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; đào tạo lái xe; sát hạch lái xe...

Đại tướng Tô Lâm cho biết, dự thảo đã bổ sung một số quy định mới phù hợp với xu hướng, tiến trình chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân. Theo đó, đối với một trong các giấy tờ: giấy phép lái xe, chứng nhận đăng ký xe, chứng nhận kiểm định, chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, trong trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định thì không phải mang theo.

Dự thảo Luật không phân chia chi tiết các hạng giấy phép lái xe như Luật Giao thông đường bộ 2008, chỉ quy định nguyên tắc phân hạng giấy phép lái xe để bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp có sự thay đổi của các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Phúc tra kết quả sát hạch, cấp giấy phép lái xe?

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới cho biết một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Một số ý kiến khác nhất trí với quy định này, vì thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.

Có ý kiến đề nghị bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: Bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông để trốn tránh trách nhiệm; khi có điều kiện mà cố ý không cấp cứu, giúp đỡ người bị tai nạn giao thông; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn giao thông…

“Đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu cho phù hợp; tiếp tục rà soát, sắp xếp các quy định cấm để bảo đảm tính thống nhất, logic, tránh trùng lặp với các quy định khác trong dự thảo luật hoặc trùng lặp với quy định của các luật chuyên ngành khác” – ông Lê Tấn Tới nói.

Bộ trưởng Tô Lâm: Giấy tờ xe tích hợp vào định danh sẽ không phải mang theo - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới

Về phương tiện tham gia giao thông đường bộ, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện “có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định” vì cho rằng việc áp dụng đối với mọi loại phương tiện giao thông cơ giới là rộng và khó bảo đảm tính khả thi.

Cũng theo ông Lê Tấn Tới, một số ý kiến cho rằng, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, tuy thời gian thực hiện thí điểm chưa nhiều nhưng bước đầu đã chứng minh được tính hiệu quả, tính khả thi của chính sách mới này; do đó, đề nghị sớm được quy định trong dự thảo luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp. Một số ý kiến khác đề nghị phải thực hiện đủ thời gian thí điểm để có đầy đủ cơ sở đánh giá, tổng kết và báo cáo, đề xuất Quốc hội hoàn thiện pháp luật tại kỳ họp đầu năm 2026.

Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị Chính phủ sớm có báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội để các vị đại biểu Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.

Về sát hạch giấy phép lái xe, ông Lê Tấn Tới cho biết nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quản lý nhà nước sau sát hạch giấy phép lái xe; đồng thời, bổ sung quy định về kiểm tra bất thường đối với công tác đào tạo, sát hạch cấp bằng, phúc tra kết quả sát hạch, cấp giấy phép lái xe để đảm bảo chặt chẽ.