Chiều 7/1, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã phát biểu giải trình những vấn đề đại biểu còn băn khoăn về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng cho biết, về giải pháp tài khóa, tiền tệ để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội để phát triển kinh tế xã hội, phần tác động tới bội chi ngân sách là 240.000 tỷ, trong đó phần thuế là 60.000 tỷ. Như vậy, giảm thuế theo dự thảo Nghị quyết nhiều gấp 3 lần 2021. Chi ngân sách cũng lớn nhất từ trước tới nay.
Trước ý kiến về việc giảm thuế VAT hay thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ trưởng Phớc nói rằng việc giảm thuế VAT là biện pháp có diện phủ rộng hơn, lan tỏa tốt hơn. Theo đó, VAT là thuế giảm thu, kích thích tiêu dùng, tạo ra kích thích cho nền kinh tế. Nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, chỉ những doanh nghiệp làm ăn có lãi hưởng lợi còn những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì sẽ không được hưởng ưu đãi, gây khó khăn cho quá trình phục hồi. Chính vì thế, Bộ Tài chính đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo nghị quyết.
Trước ý kiến cho rằng việc giảm 2% thuế VAT là nhỏ, cần giảm tới 5%, Bộ trưởng Phớc cho biết cơ quan soạn thảo đã tính toán kỹ lưỡng dựa trên cơ sở là trong năm nay thực hiện chính sách tài khóa giảm thu và tăng chi nhưng vẫn đảm bảo nguồn cho ngân sách.
Theo Bộ trưởng, ban đầu, cơ quan soạn thảo đề xuất mỗi năm giảm 1% VAT và kéo dài trong 2 năm. Tuy nhiên, với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo quyết định dồn lại mức giảm thuế 2% trong năm 2022. Mức giảm này được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho kích cầu tốt hơn của năm 2023 và nền kinh tế bật lên.
Trong năm 2022, sẽ giảm 2% thuế VAT với các mặt hàng chịu thuế suất 10% ngoại trừ ngành như viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, sản xuất kim loại, khoáng sản và hóa chất. Như vậy, phần giảm phần giảm này lên tới 49.400 tỷ.
Đối với chi phí được trừ trong thuế thu nhập doanh nghiệp với các hoạt động hỗ trợ Covid-19, Bộ trưởng Phớc cho biết cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án. Khi Quốc hội quyết phương án nào thị Chính phủ sẽ làm theo phương án đó. Tuy nhiên, phương án giảm thuế với các khoản hỗ trợ bằng cả tiền và hiện vật thì đa dạng hơn nhưng yêu cầu quản lý cao hơn để tránh bị lợi dụng. Đối với chỉ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với phần tiền ủng hộ thì quản lý đơn giản hơn nhưng không bao quát.
Trước đề xuất tăng thuế giao dịch chứng khoán, bất động sản và kinh doanh trên nền tảng số, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng hạn chế tiêu dùng, Bộ trưởng Phớc báo cáo, hiện nay, đối với thị trường trường chứng khoán, nhà nước thu thuế 2% trên thu nhập đối với doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp nước ngoài là 0,1% doanh thu mua bán. Đối với BĐS, thuế thu 2% thu nhập doanh nghiệp, với cá nhân là 2% trên giá trị hợp đồng bán một lần.
"Hiện nay, thị trường chứng khoán đang rất tốt và một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Năm 2021, huy động được 7,77 triệu tỷ, chiếm 92,5% so với GDP. Chúng tôi đề nghị giữ nguyên. Hiện nay, tập trung siết trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản thế chấp", Bộ trưởng Phớc nói.
Đối với chuyển nhượng BĐS cá nhân, Bộ trưởng cho biết sẽ yêu cầu nộp thuế đúng giá bán thực tế, tránh thất thu thuế. Với nền tảng số, tập trung đấu tranh và truy thu thuế trên nền tảng số. Đối với doanh nghiệp trụ sở nước ngoài, thu theo luật.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thêm, gói kích cầu này, chủ yếu nguồn là nguồn vay, vay trong nước thông qua trái phiếu chính phủ và vay nước ngoài. Chính vì thế, yêu cầu thực hiện một cách có hiệu quả.
"Chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ để thực hiện hiệu quả", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Theo Tổ Quốc