Bí thư Hải Phòng đối thoại 3 vấn đề 'nóng' với công nhân

27/05/2023 16:07

Ngày 27/5, ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng - chủ trì với các sở ngành đối thoại với công nhân, viên chức, người lao động về các vấn đề nóng như nhà ở xã hội, bảo hiểm xã hội, an toàn giao thông, tín dụng đen...

Giải đáp nhu cầu nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp

Sáng 27/5, ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng - chủ trì buổi đối thoại trực tiếp với công nhân, viên chức, người lao động sống và làm việc trên địa bàn thành phố, tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Tiệp.

Dự buổi đối thoại, có lãnh đạo các Sở, ban ngành, quận huyện, các doanh nghiệp và 450 công nhân, viên chức, người lao động đại diện cho hơn 300.000 công nhân, lao động trên địa bàn.

Tại buổi đối thoại, các công nhân, viên chức, người lao động trao đổi thẳng thắn, sôi nổi về 8 nhóm vấn đề gần gũi với cuộc sống, an sinh của lao động, như: nhà ở xã hội , bảo hiểm xã hội, ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, tín dụng đen, trường học bệnh viện, chính sách hỗ trợ học phí, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động...

Chị Nguyễn Thị Dung - Công ty Medikit, Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng - bày tỏ, vợ chồng chị và con nhỏ đang thuê nhà trọ rộng hơn 10 m2, do người dân tự xây tại huyện An Dương. Những ngày hè nóng bức không có điều hòa, mùa mưa thường ngập lụt. Qua tìm hiểu, chị được biết giá căn nhà ở xã hội tại Hải Phòng khá cao so với thu nhập của 2 vợ chồng.

Do đó, chị đề nghị thành phố có cơ chế, giải pháp hỗ trợ để có những dự án nhà ở giá phù hợp 300 - 400 triệu đồng, được trả góp để công nhân như chị có cơ hội mua nhà, định cư lâu dài.

Bí thư Hải Phòng đối thoại 3 vấn đề 'nóng' với công nhân - Ảnh 1.

Thường trực Thành ủy Hải Phòng đối thoại với công nhân, viên chức, người lao động sáng 27/5.

Bí thư Hải Phòng đối thoại 3 vấn đề 'nóng' với công nhân - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Dung đại diện cho nhiều công nhân, lao động phát biểu về tâm tư, nguyện vọng, đề xuất liên quan nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp.

Trả lời nội dung này, ông Nguyễn Thành Hưng - Giám đốc Sở Xây dựng - cho biết, tháng 4/2022, HĐND thành phố thông qua Nghị quyết 04 về Đề án xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho hộ dân sinh sống cho các hộ dân sống tại các chung cư cũ. Giá bán căn nhà xã hội tạm tính khoảng 600 triệu đồng cho căn 40-50m2.

Đến nay, nhà đầu tư dự án tại Tổng kho 3 Lạc Viên đang triển khai khu tái định cư và chuẩn bị khởi công dự án nhà ở xã hội và đang xây dựng giá bán trình Sở Xây dựng xem xét, thẩm định. Do đó, thông tin giá bán nhà ở xã hội có giá 17-18 triệu đồng/m2 là chưa có cơ sở.

Theo ông Nguyễn Thành Hưng, hiện nay thành phố đã chỉ đạo Sở và các nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội khi xác định giá bán tại các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn khoảng 14-15 triệu đồng/m2. Như vậy, với khoảng 300-400 triệu đồng, người lao động có thể mua nhà ở xã hội khoảng 30m2.

Ngoài dự án trên, thành phố đang triển khai các dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân như: Dự án nhà ở xã hội 39 Lương Khánh Thiện, khu nhà ở xã hội 384 Lê Thánh Tông (quận Ngô Quyền); Khu nhà ở công nhân LG – Tràng Duệ (huyện An Dương); Dự án nhà ở xã hội thuộc Dự án KĐT – Dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ (huyện An Dương).

Do đó, người lao động có thể căn cứ nhu cầu, khả năng tài chính của mình để thực hiện các thủ tục mua nhà ở xã hội tại các dự án nêu trên khi Sở Xây dựng có thông báo về các căn nhà xã hội đủ điều kiện mở bán trong tương lai.

Bí thư Hải Phòng đối thoại 3 vấn đề 'nóng' với công nhân - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thành Hưng - Giám đốc Sở Xây dựng giải đáp thắc mắc của công nhân về nhà ở xã hội.

Lo ngại về nhà trọ người dân tự xây chật hẹp, ẩm thấp, không đảm bảo an toàn về PCCC, chị Nguyễn Thị Hạnh đề nghị thành phố rà soát tổng thể các cơ sở, các hộ gia đình kinh doanh nhà trọ cho công nhân, đồng thời hướng dẫn về quy chuẩn xây dựng, về an toàn PCCC, an ninh trật tự.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng cũng cho biết, tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội đã được quy định tại Điều 4, Thông tư 20 của Bộ Xây dựng.

Cụ thể, căn hộ nhà chung cư phải đáp ứng tiêu chuẩn của căn hộ khép kín theo quy định về nhà ở, có diện tích sử dụng tối thiểu 25m2 (bao gồm khu vệ sinh).

Đối với căn nhà (không phải chung cư) phải được xây dựng khép kín, có phòng riêng, khu vệ sinh riêng, diện tích tối thiểu 25m2. Đáp ứng các quy định về chất lượng công trình xây dựng từ cấp 4 trở lên.

Theo ông Hưng, tiêu chuẩn về nhà ở xã hội riêng lẻ do hộ gia đình, cá nhân xây dựng đã được quy định cụ thể. Tuy nhiên, do phân cấp quản lý xây dựng, việc cấp phép xây dựng đối với nhà ở cho các hộ gia đình thuộc UBND các quận huyện. Sở là cơ quan phối hợp kiểm tra, thanh tra việc xây dựng.

Ba doanh nghiệp nợ gần 100 tỷ tiền BHXH

Về điều kiện an toàn PCCC, đại diện lãnh đạo Công an TP Hải Phòng cho biết, qua rà soát toàn thành phố có 2.600 hộ gia đình cho thuê nhà trọ với hơn 2.800 nhà trọ và 21.350 phòng trọ. Tổng số người thuê là hơn 25.200 người.

Theo lãnh đạo Công an TP Hải Phòng, nhà trọ từ 7 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m3 trở lên thuộc diện phải thực hiện thủ tục hành chính về thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC.

Nhà trọ dưới 7 tầng hoặc khối tích dưới 5.000 không phải thực hiện thủ tục thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC nhưng phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn và Nghị định 136 của Chính phủ về an toàn PCCC…

Do đó, Công an TP Hải Phòng đề nghị công nhân, viên chức và người lao động trước khi thuê trọ cần kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC đối với cơ sở dự kiến thuê. Nếu phát hiện không đảm bảo các yêu cầu, có thể phản ánh đến cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.

Bí thư Hải Phòng đối thoại 3 vấn đề 'nóng' với công nhân - Ảnh 4.

Đại diện lãnh đạo Công an TP Hải Phòng trả lời công nhân, người lao động về nội dung an ninh trật tự, PCCC, tín dụng đen.

Tại buổi đối thoại, rất nhiều công nhân tại các công ty (Công ty chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng, Công ty CP Lisemco, Công ty TNHH Gleeco) bày tỏ không được hoặc chậm đóng bảo hiểm xã hội, không được chốt sổ bảo hiểm trong nhiều năm dẫn đến họ không được hưởng chế độ ốm, hưu trí… Nhiều vụ việc kéo dài không được giải quyết khiến công nhân bức xúc, cầu cứu các cơ quan quản lý.

Đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hải Phòng cho biết, Công ty chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng mới hoàn thành đóng BHXH đến hết tháng 6/2013, tính đến hết tháng 4/2023, công ty này chậm đóng 19,6 tỷ đồng.

Công ty CP Lisemco chậm đóng BHXH hơn 65 tỷ đồng, mới hoàn thành đóng BHXH đến hết tháng 11/2014. Còn chủ Công ty TNHH May quốc tế Gleeco Việt Nam đã bỏ trốn, dừng đóng BHXH từ tháng 7/2021. Doanh nghiệp này còn chậm đóng 12,8 tỷ đồng.

Đại diện BHXH TP Hải Phòng cho biết, 3 công ty nêu trên có tình trạng chung nợ BHXH lớn, không thực hiện trả nợ hoặc không còn khả năng trả nợ BHXH, do đó làm ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của công nhân, lao động.

Bí thư Hải Phòng đối thoại 3 vấn đề 'nóng' với công nhân - Ảnh 5.

Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng tại buổi đối thoại với công nhân, người lao động.

Nhiệm vụ trọng tâm với công nhân

Kết luận tại buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu bày tỏ đồng tình với những giải đáp của các sở ngành thành phố. Bí thư Thành ủy Hải Phòng nêu 3 vấn đề trọng tâm trao đổi tại buổi đối thoại.

Thứ nhất, nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp là vấn đề rất cần thiết, cấp thiết với người dân. Thành phố đang nỗ lực chuẩn bị phát triển 47.000 căn nhà ở xã hội, vượt xa chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao thành phố đến 2025 và năm 2030.

Đồng thời, nỗ lực thay đổi quan điểm của nhiều người về nhà ở xã hội là "không gian cho các đối tượng thu nhập thấp, các điều kiện sống vừa đủ", thành phố muốn xây dựng nhà ở xã hội là không gian ở mới đồng bộ, tiện nghi, có đầy đủ hạ tầng xã hội và vừa phải với túi tiền, khả năng chi trả của đa số người dân.

Ưu tiên nhà ở xã hội gắn với đô thị, gắn với các khu sản xuất, khu dịch vụ tạo công ăn việc làm. Hạn chế các dự án nhỏ, chuyển sang mô hình dự án khu ở, đơn vị ở đồng bộ, tiện nghi với quy mô lớn.

Thứ hai, đối với vấn đề đào tạo nghề lao động hiện nay chất lượng, số lượng cơ sở đào tạo nghề của địa phương không đồng đều, chưa tương xứng nhu cầu. Thành phố đang nghiên cứu, xây dựng đề án tổng thể, rà soát sắp xếp lại các cơ sở có trọng tâm, trọng điểm vào một số ngành, lĩnh vực đào tạo nghề có nhu cầu cao. Đồng thời, tăng cường liên kết các đơn vị sử dụng lao động, hợp tác quốc tế, thu hút các cơ sở đào tạo lao động tư nhân để đa dạng hóa lựa chọn và tăng tính cạnh tranh.

Thứ ba, về các vấn đề xã hội như: bệnh viện, trường học, bảo hiểm, nhu cầu thụ hưởng văn hóa, thành phố đã nhận diện được những tồn tại, bất cập và sẽ quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa cho các lĩnh vực này. Đặc biệt, xây dựng trường đạt chuẩn, xây dựng trường mầm non, mẫu giáo; mở rộng các đối tượng thụ hưởng chính sách miễn, giảm học phí; tăng cường tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, sân khấu hóa tại các khu công nghiệp...