Vì sao trả kết quả xét nghiệm Covid-19 chậm?
Theo phản ánh của người dân, những ngày gần đây, việc lấy mẫu cho các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 và thời gian trả kết quả xét nghiệm ở Hà Nội bị chậm hơn nhiều so với trước đây.
Trong đó, có trường hợp người dân tự test nhanh phát hiện dương tính, báo ra trạm y tế phường từ chiều tối hôm trước, nhưng đến chiều hôm sau mới được nhân viên y tế đến lấy mẫu xét nghiệm PCR cho người đó cũng như cả gia đình và được hẹn, phải đến 2 ngày sau (48h) mới có kết quả khẳng định.
Trao đổi với PV vào sáng 30/11, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay, các lực lượng y tế, CDC Hà Nội trong thời gian dài qua đã làm việc rất cố gắng, hết sức lực để đảm bảo cho công tác truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với việc xét nghiệm, trả kết quả chậm hơn so với trước, lãnh đạo CDC Hà Nội thừa nhận và cho rằng, có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng mấu chốt là do những ngày gần đây số lượng mẫu được lấy, xét nghiệm trong ngày đưa về CDC rất lớn lên tới mười mấy nghìn mẫu/ngày.
Đồng thời, số mẫu gộp dương tính nhiều phải tách làm xét nghiệm mẫu đơn tăng cao nên thời gian xét nghiệm, trả kết quả chậm hơn so với trước.
"Với các mẫu làm xét nghiệm PCR gộp không nghi ngờ thì việc xét nghiệm, trả kết quả vẫn như bình thường.
Với các mẫu đơn tách ra từ mẫu gộp dương tính hiện tăng nhiều nên mỗi khi xét nghiệm xong một đợt cán bộ phải tiến hành khử nhiễm, làm sạch Labo để tránh việc xét nghiệm bị nhầm.
Khi số lượng mẫu dương càng tăng thì việc xét nghiệm càng phải làm cẩn thận để tránh nhiễm chéo, dương tính giả gây phiền toái cho người dân.
Chúng tôi mong người dân thông cảm vì đôi khi chậm để chắc chắn còn hơn nhanh rồi không chính xác lại gây ra những điều không hay", lãnh đạo CDC Hà Nội nêu rõ.
Nhân viên CDC Hà Nội chuẩn bị cho việc làm xét nghiệm. Ảnh: Việt Hùng.
Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng dẫn chứng và giải thích, tại quận Đống Đa trong ngày 29/11 được thông báo có 115 ca mắc Covid-19 là do cộng dồn từ vài hôm trước chứ không phải chỉ trong ngày đó.
"Ở quận Đống Đa trong ngày 29/11 là do bị dồn toa vào và có thể anh em chưa cập nhật hay chưa trả lời kịp hoặc các lý do khách quan khác, chứ không phải trong ngày đó phát hiện từng đấy ca. Do đó, mọi người không nên quá hoang mang", lãnh đạo CDC Hà Nội nói.
Một nhân viên y tế 'gánh' 6.000 - 7.000 dân
Trước phản ánh việc nhân viên y tế tại trạm y tế ở một số phường đến lấy mẫu cho người dân, kể cả người đã tự test nhanh dương tính tại nhà chậm, lãnh đạo CDC Hà Nội chỉ rõ, vấn đề này do lực lượng y tế tại phường hiện quá mỏng.
Cụ thể, hiện theo quy định, mỗi phường chỉ từ 5 - 7 người, tối đa không quá 10 người nhưng phải quản lý số lượng người dân quá lớn, có phường như khu vực Cổ Nhuế lên tới 60.000 - 70.000 dân. Chia trung bình mỗi nhân viên y tế phụ trách 6.000 - 7.000 người dân.
"Việc 1 người phải phụ trách từng đấy người dân thì không thể tải nổi. Chưa kể, ngoài Covid-19, trạm y tế phường phải đảm trách lên tới hơn 30 nhiệm vụ khác như khám chữa bệnh thông thường, tiêm chủng thường xuyên...
Với 5- 7 người/trạm, lúc khỏe, bình thường không sao nhưng cũng có lúc ốm đau, lúc thai sản... nên không thể đủ hết được.
Thêm vào đó, khi lượng ca dương tính tăng mạnh đồng nghĩa với việc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cũng tăng gấp mấy lần. Chư kể hiện nay, lại cách ly F1 tại nhà, tới đây là F0 thể nhẹ, không triệu chứng nên định kỳ phải đến tận nhà lấy mẫu, hướng dẫn, kiểm tra...
Anh em y tế cơ sở ở thành phố trong suốt 2 năm qua đã rất cố gắng hết sức, vất vả chống dịch, làm suốt ngày, thậm chí đến nửa đêm, rạng sáng. Tuy nhiên, chắc chắn khi tình hình dịch gia tăng thì sức người có hạn, đầu việc quá nhiều thì nên chậm, quá tải sẽ khó tránh khỏi.
Chúng tôi mong người dân thông cảm và phối hợp, nâng cao ý thức của mình trong việc phòng, chống dịch, nhất là các trường hợp nghi ngờ cần tự cách ly, thực hiện 5K...", vị này chia sẻ và nhấn mạnh "với khối lượng công việc lớn như vậy mà nhân viên y tế cơ sở chưa bỏ việc là may lắm rồi".
Vị này cũng đề nghị, Nhà nước, thành phố cần có các chính sách, biện pháp để tăng cường cho y tế cơ sở, nhất là hiện nay khi tình hình dịch bệnh phức tạp hơn.
Trước đó, chia sẻ với PV, một cán bộ y tế tại phường ở quận Hai Bà Trưng cũng cho biết, những ngày qua, do số lượng ca F0 xuất hiện trên địa bàn tăng mạnh, nên nhân viên của trạm phải tiến hành truy vết, lấy mẫu xét nghiệm có ngày từ sáng đến 22 - 23h đêm mới được nghỉ.
"Đúng là có việc chậm chỗ này chỗ khác hay chưa kịp nghe điện thoại của người dân gọi đến đường dây nóng của trạm. Nhưng mọi người cũng chia sẻ, bởi do khối lượng công việc lớn, nhất là thời điểm dịch gia tăng mạnh, trong khi nhân lực mỏng, làm không xuể được", vị này nói.
Cán bộ này cũng chỉ rõ, việc trả kết quả PCR với trường hợp nghi ngờ chậm hơn trước mà người dân phản ánh là đúng, nhưng việc này là do CDC Hà Nội xét nghiệm và trả lời còn phía trạm chỉ lấy mẫu, gửi lên.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Đống Đa (Hà Nội) cũng cho hay, có những mẫu gộp dương tính, khi được tách làm xét nghiệm mẫu đơn thì quá trình này mất 2 ngày mới có kết quả khẳng định.
Do đó, như trong ngày 29/11, Đống Đa được thông báo có 115 ca mắc nhưng là do CDC trả kết quả xét nghiệm cùng một thời điểm khiến con số đội lên chứ không phải 1 ngày đột biến nhiều lên như vậy.
Trước đó, hơn 10 ngày qua, số lượng ca mắc Covid-19 mới ở Hà Nội đều ở mức trên 200 ca, trong đó, 2 ngày gần đây, đã vượt mốc hơn 300 ca/ngày.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 10.059 ca; trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 3.963 ca, số mắc là người đã được cách ly 6.096 ca.