Bão số 1 có bán kính gió mạnh rất rộng, có thể đổ bộ vào Bắc Bộ

30/06/2022 19:09

(NLĐO)- Các chuyên gia khí tượng đánh giá bão số 1 có bán kính gió mạnh rất rộng, khả năng bão có thể đi vào đất liền Bắc Bộ nước ta đang tăng dần. Hiện các trung tâm dự báo còn nhiều ý kiến khác nhau về cường độ của bão.

Sáng 30-6, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã có cuộc họp về công tác dự báo cơn bão số 1 (bão CHABA) với Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV).

Bão số 1 có bán kính gió rất rộng, có thể đổ bộ vào đất liền Bắc Bộ - Ảnh 1.

Dự báo hướng di chuyển của bão số 1 - Nguồn: Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, sáng 30-6, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 1. Hồi 10 giờ, vị trí tâm bão số 1 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120 km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 1-7, vị trí tâm bão số 1 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 390 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74 km/giờ), giật cấp 10.

Các chuyên gia dự cuộc họp đều thống nhất đặc điểm bão số 1 là bán kính gió mạnh rất rộng; hiện nay các Trung tâm dự báo trên thế giới xác định hướng di chuyển của bão khá đồng nhất về quỹ đạo; phân bố mây lệch Nam; gió mạnh ở phía Nam và phía Đông. Khả năng bão có thể đi vào đất liền Bắc Bộ nước ta đang tăng dần. Về cường độ của bão, hiện các trung tâm dự báo còn nhiều ý kiến khác nhau.

Dự báo tình hình mưa tại Bắc Bộ trong những ngày tới diễn biến phức tạp, có khả năng kéo dài. Gió mạnh nhất ở Vịnh Bắc Bộ dự báo cấp 8, giật cấp 11.

Bão có thể làm tăng mưa ở Bắc Bộ từ 2-7 trước tiên ở khu vực Đông bắc sau có thể mở rộng ra toàn khu vực Bắc Bộ. "Tuy nhiên, mưa còn phụ thuộc vào diễn biến hoàn lưu sau bão số 1, vì vậy Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia sẽ cập nhật cụ thể trong các bản tin xu thế 48-72 giờ tới. Cao điểm mưa có thể diễn ra trong các ngày 3 đến 4-7 và kéo dài nhiều ngày".

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành đặc biệt lưu ý đây là cơn bão đầu tiên của năm 2022, nên nhận được sự chú ý của các cấp phòng chống thiên tai ở cả Trung ương và địa phương. Hiện nay, bão đang ở trong giai đoạn tiếp tục phát triển, dự báo của các trung tâm dự báo trên thế giới và của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia có thể có thay đổi nhanh. 

Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị cơ quan dự báo không mất cảnh giác bởi kinh nghiệm những cơn bão đầu mùa với hướng di chuyển như cơn bão số 1 "chỉ cần lệch một chút" là vào đất liền nước ta, hoặc có thể vào Trung Quốc và lên phía Bắc. Do đó, cần theo dõi chặt chẽ.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, khu vực Đông Bắc như: Quảng Ninh, Hải Phòng… hiện nay tập trung rất nhiều điểm du lịch, đây cũng là thời gian cao điểm mùa du lịch năm 2022. Do đó, việc dự báo đảm bảo an toàn cho khu vực này cần hết sức lưu ý.

Đặc biệt cần chú trọng dự báo tác động gió mạnh, sóng lớn, mưa dông trước bão và hoàn lưu sau cơn bão, bởi hiện nay khu vực Đông Bắc với Quảng Ninh, Hải Phòng là trọng tâm phát triển kinh tế, du lịch nên cần sử dụng tất cả thông tin đang có, theo dõi sát sao hình ảnh của hệ thống radar để cảnh báo.

Kêu gọi tàu thuyến tránh trú bão số 1

Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai vừa có liên tiếp 2 công điện: 17/CĐ-TW và 18/CĐ-TW gửi các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) được xác định từ vĩ tuyến 15,5 đến 20 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 113,0 đến 117,0 độ Kinh Đông (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).

Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến.