Tại kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung đã trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Tiếp thu các ý kiến góp ý thời gian qua, tại dự thảo lần này đã có sự sửa đổi đối với 2 phương án giải quyết chế độ BHXH một lần. Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Dung thừa nhận chưa chọn được giải pháp tối ưu trong 2 phương án Chính phủ trình.
Cân nhắc tính ổn định
Ở phương án 1 quy định việc hưởng BHXH một lần đối với 2 nhóm người lao động (NLĐ) khác nhau gồm nhóm lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực (vẫn được giải quyết hưởng BHXH một lần sau 12 tháng nghỉ việc) và nhóm bắt đầu tham gia BHXH sau ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực (không được hưởng BHXH một lần).
Theo ban soạn thảo, ưu điểm của phương án này sẽ từng bước khắc phục được tình trạng hưởng BHXH một lần của thời gian qua, song nhược điểm là hơn 17,5 triệu NLĐ đang tham gia BHXH vẫn có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần.
Người lao động chờ làm thủ tục nhận BHXH một lần tại BHXH huyện Hóc Môn, TP HCM .Ảnh: HUỲNH NHƯ
Phương án 2, NLĐ có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm vẫn được giải quyết hưởng BHXH một lần nhưng chỉ được nhận một phần tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Ưu điểm của phương án này là hài hòa quyền lợi NLĐ và chính sách an sinh xã hội lâu dài nhưng nhược điểm là chưa giải quyết triệt để việc rút BHXH một lần. Đồng thời, có thể xuất hiện tình trạng gia tăng NLĐ đề nghị hưởng BHXH một lần trước khi luật có hiệu lực thi hành. Tình trạng hưởng BHXH một lần khi còn trẻ (chưa đến tuổi nghỉ hưu) sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai.
Cho ý kiến thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết vẫn còn nhiều ý kiến về quy định BHXH một lần. Lý do phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia và sau khi luật có hiệu lực, tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, tạo làn sóng ồ ạt rút BHXH một lần. Trong khi phương án 2 cho rút 50% không hợp lý, vì số tiền đóng là của NLĐ và ban soạn thảo cũng chưa giải thích được vì sao đưa ra tỉ lệ 50%.
Đề cập 2 phương án giải quyết BHXH 1 lần, luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, ủng hộ phương án 1 bởi không ảnh hưởng đến quyền lợi những NLĐ đang tham gia nên sẽ không xảy ra phản ứng, đồng thời cũng thể hiện việc thực hiện cam kết của chính sách BHXH đối với NLĐ tại thời điểm họ bắt đầu tham gia.
Bên cạnh đó, sau năm 2025, không còn quy định hưởng BHXH một lần nên trong tâm trí của NLĐ cũng sẽ không còn tơ tưởng về khoản "để dành" ấy nữa. "Ở phương án 2, theo tôi hiểu thì đây là lộ trình giảm mức hưởng tiến tới chấm dứt hưởng BHXH một lần, nghĩa là sau lần thay đổi này sẽ tiếp tục có sự thay đổi chính sách trong tương lai.
Thực tế cho thấy, mọi sự thay đổi, đặc biệt là các chính sách liên quan đến quyền lợi NLĐ đều sẽ gây tác động không nhỏ cho xã hội. Do vậy, khi lựa chọn phương án, ban soạn thảo cần cân nhắc đến tính ổn định, lâu dài của chính sách" - ông Tín góp ý.
Doanh nghiệp, người lao động thấp thỏm
Dù các phương án đã được tiếp thu, điều chỉnh so với các đề xuất trước đó nhưng tình trạng NLĐ muốn nghỉ việc để rút BHXH một lần vẫn đang âm ỉ diễn ra ở nhiều doanh nghiệp (DN).
Theo ông Lý Khánh Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Sản xuất thương mại dịch vụ Juno (huyện Bình Chánh, TP HCM), dù chọn phương án nào thì việc thay đổi chính sách BHXH một lần cũng gây nhiều khó khăn cho các DN đang cố gắng giữ chân NLĐ trong giai đoạn hiện nay. Với NLĐ, BHXH một lần được xem là "của để dành" và họ sẽ rút ra khi cần.
Chỉ khi nào việc làm và thu nhập ổn định thì NLĐ mới làm đến khi nghỉ hưu. "Từ khi có thông tin không thể rút BHXH một lần hoặc chỉ được rút 50%, không ít công nhân (CN) đã bày tỏ ý định nghỉ việc. Để tránh biến động lao động cho DN, tôi kiến nghị vẫn giữ nguyên phương án giải quyết BHXH một lần như hiện tại" - ông Hoàng kiến nghị.
Thời gian qua, do tác động của suy thoái kinh tế, hàng hóa tiêu thụ chậm khiến Công ty TNHH Nệm Vạn Thành (quận Tân Phú, TP HCM) gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, công ty vẫn tìm nhiều giải pháp để duy trì việc làm, thu nhập cho NLĐ. Trong những ngày NLĐ phải nghỉ luân phiên, công ty vẫn hỗ trợ lương 200.000 đồng/người/ngày.
Bà Phạm Thị Hồng, Phó Tổng Giám đốc công ty, cho hay dù thu nhập giảm nhưng so với nhiều DN lân cận, đời sống NLĐ tại công ty vẫn ổn định. Thế nhưng, khi có thông tin chính sách BHXH một lần sẽ thay đổi, rất nhiều NLĐ đã xin nghỉ việc. "Số lao động xin nghỉ việc có thời gian tham gia BHXH hơn 10 năm, chiếm hơn 60% trong tổng số hơn 500 lao động đang làm việc tại công ty. Công ty đã phân tích thiệt hơn để giữ chân họ ở lại nhưng một số người vẫn xin nghỉ để nhận BHXH một lần" - bà Hồng cho biết.
Cùng làm chung công ty, sau nhiều lần đắn đo, chị Nguyễn Thị Quyên và chồng quyết định một trong 2 người sẽ xin nghỉ việc để rút BHXH một lần. Chị Quyên cho biết hiện công ty chỉ làm 3-4 ngày/tuần nên thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, do đó vợ chồng chị phải để một người tìm việc làm mới.
Theo tính toán của vợ chồng chị, nếu nghỉ việc, cuộc sống gia đình sẽ không xáo trộn nhiều vì ngoài khoản trợ cấp BHXH một lần, vợ chồng chị được hưởng trợ cấp thất nghiệp. "Không chỉ vợ chồng tôi mà nhiều CN cũng e ngại khi Luật BHXH mới được áp dụng thì sẽ khó rút BHXH một lần. Do vậy, cứ rút trước rồi tính tiếp" - chị Quyên phân tích.
Tăng quyền lợi, thêm lựa chọn cho NLĐ
Ngoài 2 phương án giải quyết chế độ BHXH một lần, trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này, ban soạn thảo đã đề xuất gia tăng các quyền lợi, thêm sự lựa chọn nhằm khuyến khích NLĐ tham gia BHXH, hạn chế hưởng BHXH một lần. Điều kiện hưởng lương hưu dễ dàng hơn (giảm từ 20 năm đóng BHXH xuống còn 15 năm); hưởng trợ cấp hằng tháng khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng BHYT do ngân sách nhà nước bảo đảm trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng; hưởng BHYT do quỹ BHXH đóng nếu sau 1 năm tiếp tục bảo lưu không hưởng BHXH một lần. Ngoài ra, NLĐ còn được hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt khi mất việc.