Ngày 8-11, tiếp tục chương trình Quốc hội theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội (Hà Nội), Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch cho năm 2022; tình hình ngân sách nhà nước năm 2021 và kế hoạch phân bổ ngân sách năm 2022; công tác phòng chống dịch Covid-19.
Y tế cơ sở còn thiếu và yếu
Tại phiên thảo luận, các đại biểu (ĐB) dành thời gian để đánh giá về công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua. Ở điểm cầu TP HCM, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng thực trạng y tế cơ sở là vấn đề cần được xem xét lại một cách toàn diện. Theo bà Lan, đã có quy định về phân bổ ngân sách cho y tế dự phòng nhưng các địa phương làm được điều này đều đếm trên đầu ngón tay.
Từ thực tế công tác phòng chống dịch ở TP HCM, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng cần có chính sách xuyên suốt, quan điểm từ Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế để có chính sách cụ thể về y tế cơ sở. "Có thể nói, chưa giai đoạn nào như giai đoạn vừa qua, nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề căn cơ về y tế cơ sở thì tiếp tục bị động" - bà Lan lo ngại và cho rằng y tế cơ sở không chỉ có vấn đề về tiền mà làm sao còn thu hút nhân lực có trình độ cao.
Đồng tình với vấn đề này, ĐB Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) nêu rõ hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là y tế tại cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch bệnh xảy ra, số lượng bác sĩ còn thấp, nhân lực y tế tại chỗ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực cho y tế cơ sở. Ảnh: NGUYỄN NAM
Do đó, ĐB đoàn Bình Thuận đề nghị Chính phủ tập trung nguồn lực đầu tư cho ngành y tế, tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở nhằm thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới. "Cần quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực cho y tế cơ sở. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng chống dịch" - ĐB Bố Thị Xuân Linh kiến nghị.
Cùng với vấn đề vắc-xin, ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến hệ thống y tế cơ sở. Theo ông, đây là trụ cột phòng chống dịch nhưng thời gian qua chưa được đầu tư thích đáng, vừa thiếu vừa yếu nên khi xảy ra đại dịch thì rất vất vả, không phát huy được đầy đủ vai trò.
Làm rõ thêm về vấn đề y tế cơ sở, y tế dự phòng mà các ĐB nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận dù đã được quan tâm đầu tư nhưng hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng năng lực phòng chống dịch, nhất là khi xảy ra tình huống đại dịch như trong thời gian vừa qua.
Theo bộ trưởng, trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới, cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở. "Tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở" - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Tăng cường nguồn lực đầu tư
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, ĐB Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) nhìn nhận chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với khó khăn như hiện nay. ĐB này cho rằng cần quyết liệt giải ngân các gói hỗ trợ cho DN.
Trên thực tế việc tiếp cận chính sách còn nhiều khó khăn, nên cần rút gọn, đơn giản các thủ tục. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, tạo cú hích giúp các DN tận dụng quãng thời gian còn lại của năm 2021 để tăng tốc hoàn thành kế hoạch. ĐB Trịnh Xuân An cũng đồng tình với việc cần có các gói kích thích kinh tế với liều lượng hợp lý, hỗ trợ trực tiếp cho DN.
"DN là linh hồn của nền kinh tế nhưng thực tế sự quan tâm thời gian qua vẫn còn chưa đủ. DN vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi, vai trò của ngân hàng đối với các DN cần phải đánh giá kỹ hơn" - ông An nhấn mạnh.
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đề nghị Chính phủ đánh giá lại mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6%-6,5%. Bởi theo ông, từ nay đến tháng 6-2022, chúng ta phải có một giai đoạn phục hồi, từ đó mới phát triển được. ĐB Lê Thanh Vân đề nghị Chính phủ đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, sản xuất và lưu thông hàng hóa. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới vào quá trình quản lý để tiết giảm bộ máy và nhân lực, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Nhấn mạnh kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới, ĐB Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng các DN không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi mà còn cần vượt lên, đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân phối lại chuỗi cung ứng.
Muốn vậy, các DN và nền kinh tế phải được tăng cường thêm nguồn lực đầu tư theo 2 hướng chính. Đó là chính sách cấp bù lãi suất để DN được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỉ lệ lạm phát. Ngoài ra, phải tăng cường trích lập quỹ dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu đang tiềm ẩn, gia tăng.
Hỗ trợ người lao động là động lực tăng trưởng
Tại phiên thảo luận, các ĐB cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề lao động - việc làm trước những tác động tiêu cực của đại dịch. Cùng với việc nhiều DN gặp khó khăn, hoạt động cầm chừng, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, ĐB Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) cho rằng nguồn cung lao động cho thị trường cũng giảm do lao động trở về quê vì lo sợ dịch bệnh hoặc phải cách ly, dẫn đến nguy cơ mất cân đối cung - cầu lao động trong ngắn hạn khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi.
ĐB Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tăng thu nhập.
"Chính phủ có thể phải cân nhắc đến bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống không bình thường. Mạnh dạn sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước" - ông Khải đề xuất.
Dù các cấp chính quyền, các tổ chức đã có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, tuy nhiên ĐB Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội) cho biết dịch bệnh đã làm phát lộ thêm hàng loạt vấn đề bức xúc của công nhân, đặc biệt là nhà ở. Vì vậy, ông Thường đề xuất cần bổ sung chính sách pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó có cơ chế, chính sách riêng về xây nhà ở cho công nhân. Ông cho rằng cần có cơ chế để Công đoàn tham gia xây nhà ở cho công nhân; có gói hỗ trợ người dân xây nhà ở cho công nhân thuê, mua.
ĐB ĐỖ THỊ THU HẰNG:
Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai
Kinh tế các tỉnh phía Nam như một cơ thể đã lao lực, cần một nguồn lực kinh tế để "bồi bổ", hồi phục và ưu tiên nguồn lực. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Tôi cũng đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư cơ sở, vật chất, hạ tầng, nhất là giao thông, cho các tỉnh phía Nam để cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng sức chống chịu.
ĐB DƯƠNG TẤN QUÂN (Bà Rịa - Vũng Tàu):
Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp du lịch
Đề nghị nâng cao năng lực cho các DN du lịch, từ xúc tiến quảng bá cho đến xác định thị trường, mục tiêu, đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, hàng hóa, sản phẩm. Bên cạnh đó, cần có chính sách hợp lý hỗ trợ các DN, người lao động trong lĩnh vực này. Ngoài ra, người dân, người lao động tại các điểm du lịch cần sớm được tiêm vắc-xin để bảo đảm an toàn khi mở cửa các hoạt động du lịch quốc tế.