Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão số 1, miền Bắc mưa lớn

15/07/2023 13:04

Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đã qua đỉnh điểm của đợt nắng nóng. Từ 15/7, miền Bắc dịu mát dần với mưa dông diện rộng.

Nhiều vùng trên cả nước đón mưa lớn

Tối và đêm qua (14/7), khu vực vùng núi Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Lượng mưa tính từ 19h ngày 14/7 đến 03h ngày 15/7 có nơi trên 80mm như: Tà Tổng 2 (Lai Châu) 123.6mm, Huổi Leng (Điện Biên) 152.0mm, Suối Bau (Sơn La) 81.0mm, Nghĩa Đô (Lào Cai) 100.4mm, Thuận Hòa (Hà Giang) 102.0mm,...

Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão số 1, miền Bắc mưa lớn - Ảnh 1.

Qua nắng đỉnh điểm, Hà Nội đón mưa lớn diện rộng

Theo dự báo từ cơ quan khí tượng, trong sáng 15/7, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa 30-60mm, có nơi trên 100mm.

Vùng đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 60mm.

Tuy nhiên từ ngày 16/7 khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có nắng nóng trở lại với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất 55-60%.

Nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ tiếp tục duy trì đến khoảng ngày 17/7.

Nắng nóng Trung Bộ giảm dần

Các tỉnh Trung Bộ đang trải qua 1 đợt nắng nóng kéo dài nhất từ đầu Hè khi đã gần 1 tháng trôi qua, nắng nóng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ngày 14/7, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đã có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ, có nơi trên 39 độ như: Con Cuông (Nghệ An) 39.2 độ, Hương Khê (Hà Tĩnh) 40.5 độ, Tuyên Hóa (Quảng Bình) 40.3 độ, Huế 39.3 độ,…; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-55%.

Nắng nóng có nơi nắng nóng gay gắt kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân mà còn đến hoạt động sản xuất, chăn nuôi của người dân.

Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão số 1, miền Bắc mưa lớn - Ảnh 2.

Trang trại chăn nuôi của hộ dân ở Hà Tĩnh chết hơn 10.000 con gà vì sốc nhiệt.

Theo dự báo từ cơ quan khí tượng, ngày 15/7, khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%.

Ngày 16/7, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%.

Cơ quan khí tượng nhận định, nắng nóng từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục duy trì đến khoảng ngày 17/7.

Từ khoảng đêm 17/7, ở Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa lớn diện rộng.

Trong khi đó, Tây Nguyên và Nam Bộ đang bước vào cao điểm mùa mưa. Chiều tối 14/7, TPHCM và nhiều địa phương Nam Bộ đã mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50 mm, có nơi trên 70 mm. Mưa lớn đã gây ngập úng tại nhiều khu vực đô thị TPHCM, Đồng Nai,...

Ngày và đêm 15/7, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 80mm (thời gian mưa lớn tập trung vào chiều và đêm).

Mưa lớn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ vào chiều và tối còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.

Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão số 1, miền Bắc mưa lớn - Ảnh 3.

Tối qua (14/7), TPHCM đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão

Vào chiều 14/7, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã vượt qua phía Bắc của đảo Luzon (Philippines) đi vào Bắc Biển Đông, dự báo mạnh lên thành bão số 1.

Đến 1 giờ ngày 15/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 118,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, trong 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được từ 10-15km và có khả năng mạnh lên thành bão số 1, nằm trên khu vực Bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), khoảng 770km về phía Đông Đông Nam.

Trước đó cơ quan khí tượng cũng đã đưa ra về 2 kịch bản có thể xảy ra khi ATNĐ đi vào biển Đông.

Ở kịch bản thứ nhất, sau khi vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, di chuyển theo hướng Bắc, hướng vào đất liền Trung Quốc. Kịch bản này có xác suất khoảng 50-60%.

Ở kịch bản thứ hai, sau khi vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới tiếp tục mạnh lên thành bão, đổi hướng di chuyển sang phía Tây và di chuyển vào đất liền nước ta. Kịch bản này có xác suất khoảng 40-50%.

Nếu kịch bản thứ hai xảy ra, theo ông Hưởng, khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ nước ta có thể đón một đợt mưa rất lớn, diện rộng trong khoảng thời gian từ 17-19/7.

Hiện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đang theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới này.