Ga Đà Lạt được khởi công xây dựng năm 1932 và hoàn thành năm 1938. Đây là một trong số ít ga đường sắt đẹp do Pháp xây dựng còn lại ở Đông Dương.
Do nằm ở độ cao trên 1.500 mét so với mực nước biển, đây là nhà ga đường sắt cao nhất Việt Nam.
Không những thế, ga Đà Lạt còn là nơi lưu giữ đoàn tàu hơi nước duy nhất còn sót lại ở Việt Nam. Những đoàn tàu tương tự đã bị bán sang Thuỵ Sĩ hoặc chuyển thành sắt vụn.
Đoàn tàu đặc biệt có 3 toa, trong đó 2 toa được dựng thành quán cà phê.
Bên cạnh đó, ga Đà Lạt còn đang vận hành đầu máy Ty-6P và Ty-7. Đây là 2 loại đầu máy cũ hiện đã ngưng sử dụng hoặc chỉ dùng để dồn toa, hỗ trợ cứu nạn.
Các đoàn tàu cũ này chỉ kéo từ 2 đến 3 toa, phục vụ từ 15 đến 164 khách du lịch. Trước khi dịch Covid-19 diễn ra, mỗi ngày có 5 chuyến tàu khứ hồi Đà Lạt - Trại Mát được khởi hành.
Tuỳ vào hạng vé thường hay vé Vip mà toa tàu được bố trí ghế cứng hay ghế mềm. Giá vé khứ hồi cho hành trình 14 km từ 108.000 đến 150.000 đồng.
Đoạn Đà Lạt - Trại Mát là một phần của tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm dài 84 km do người Pháp xây dựng từ năm 1908 đến năm 1932. Đây là tuyến đường độc đáo khi có 16 km đường sắt răng cưa để leo núi với độ dốc lên tới 12%. Đây từng là tuyến đường sắt răng cưa duy nhất ở châu Á.
Tuy vậy, tuyến đường sắt đã bị ngừng hoạt động năm 1968 do ảnh hưởng của chiến tranh. Sau năm 1975, tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm chỉ hoạt động được 7 chuyến thì ngừng do không đạt hiệu quả kinh tế. Đường sắt bị dỡ bỏ, ga xép bị bỏ hoang và những đoàn tàu cũ nằm phơi nắng, phơi mưa trước khi bị bán sang Thuỵ Sĩ.
Từ năm 2007 đến nay, đã nhiều lần UBND 2 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận đề xuất khôi phục tuyến đường sắt. Nhưng do kinh phí lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng nên dự án đã bị "nhấc lên đặt xuống" nhiều lần mà chưa đi đến hồi kết.
Tổ Quốc