Giải pháp nào có thể phòng ngừa, giảm thiểu, để “xe điên” không còn là nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông?
Giờ cao điểm chiều tại ngã tư Xuân La - Võ Chí Công, các dòng xe bình tĩnh di chuyển theo từng nhịp đèn tín hiệu, qua những vạch kẻ hiện trường vụ ô tô đâm hàng loạt xe máy vẫn còn nguyên trên đường.
Ông Nguyễn Minh Ổn, ở phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, nhìn trước ngó sau đi bộ qua ngã tư, khi những hình ảnh kinh hoàng về vụ việc vẫn in đậm trong tâm trí: "Cảm thấy rất là đau xót. Vấn đề thứ nhất là không biết ô tô có chuẩn hay không? Đổ lỗi cho nhầm phanh hay gì đấy, thì bên kiểm định hay rà soát tay lái phải làm chuẩn mực hơn nữa. Lao vun vút như thế thì không biết ông này học bằng lái ở đâu? Học được bao nhiêu năm rồi, sát hạch phải quan tâm hơn nữa".
Tại cơ quan công an, tài xế điều khiển ô tô gây tai nạn khai nhận đã nhầm chân phanh với chân ga, dẫn đến mất kiểm soát tốc độ.
Và trên thực tế, không chỉ vì đạp nhầm chân ga, “xe điên” còn có thể xuất hiện với nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan của tài xế, còn nỗi lo, thiệt hại thì luôn thuộc về những người tham gia giao thông yếu thế hơn. Một số người tham gia giao thông bày tỏ:
"Như hôm vừa rồi ở hồ Tây cũng thế, đạp nhầm chân phanh với chân ga lao cả xuống hồ. Bọn trẻ con đi học về như thế này thì rất là sợ, công an phải đứng thì mọi người sẽ đi an toàn hơn".
"Xe cộ đi như thế rất là nguy hiểm. Nếu được an toàn thì tốt, chứ cái gì đến thì cũng không tránh được".
"Mình là người tham gia giao thông bằng xe ô tô, như mình thì mình sẽ đâm thẳng vào đuôi một con xe ô tô nào đấy để tránh trường hợp xấu xảy ra. Người lái xe lúc ấy xử lý cuống quá, “xe điên” bây giờ rất là nhiều".
Đại úy Nguyễn Mạnh Hùng, Phó đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội - đơn vị trực tiếp điều tra, giải quyết vụ TNGT liên hoàn xảy ra ngày 5/4 tại ngã tư Xuân La - Võ Chí Công cho biết, tính chất vụ việc khá nghiêm trọng, tuy chưa có ai tử vong nhưng số người bị nạn rất lớn và ảnh hưởng đến tâm lý của người tham gia giao thông: "Trước khi tham gia giao thông thì chủ phương tiện nên kiểm tra kỹ phương tiện của mình để đảm bảo độ an toàn. Trang phục của người điều khiển phương tiện thì nên gọn gàng, phù hợp với việc điều khiển phương tiện của mình, và ở các ngã tư, khi đèn đỏ còn 1-2 giây thì không nên vì tâm lý vội vã mà vượt, để tránh những hậu quả nguy hiểm".
Thống kê của Cục CSGT cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn quốc xảy ra 31 vụ TNGT liên hoàn, trong đó riêng 3 tháng đầu năm 2023 xảy ra 16 vụ, làm chết 2 người, bị thương 34 người. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 1 vụ (tương đương 6%), không tăng không giảm số người chết, nhưng tăng 16 người bị thương (tương đương 47%).
Qua phân tích nguyên nhân 13 vụ TNGT giao thông liên hoàn xảy ra từ năm 2022, đại diện Cục CSGT cho biết, lỗi đi không đúng phần đường, làn đường chiếm khoảng 38%, không chú ý quan sát 30%, không giữ khoảng cách an toàn là 23%, sử dụng rượu bia 7%,…
Còn Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện, nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT cho rằng, một phương tiện va chạm với nhiều phương tiện khác trong các vụ TNGT liên hoàn thường gây ra nhiều thiệt hại về sức khỏe con người cũng như phương tiện, ảnh hưởng đến công tác tổ chức giao thông và giải quyết ùn tắc.
Không ít vụ TNGT liên hoàn xảy ra ở các nút giao, cho nên lỗi không đúng phần đường, làn đường, không chú ý quan sát là chủ yếu.
"Mỗi vụ lại có những nguyên nhân khác nhau, nhưng chung quy lại có 3 nguyên nhân chính. Một là không giữ đúng khoảng cách, hai là không làm chủ được tốc độ, ba là không chú ý quan sát. Nhưng cũng có những trường hợp là anh đi vào thời điểm không tỉnh táo, minh mẫn để xử lý, ví dụ đi vào buổi sớm, anh không giữ được cái đó nên dẫn tới tai nạn liên hoàn", Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện nói.
Từ những hình ảnh theo dõi về vụ tai nạn giao thông liên hoàn, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, người lái xe hoàn toàn không làm chủ phương tiện khi cho xe chạy với tốc độ quá cao và phía trước có rất đông phương tiện xe máy. Điều này có liên quan kỹ năng điều khiển phương tiện của lái xe: "Khả năng cao nhất là lái xe chưa điều khiển quen. Có thể, người điều kiện phương tiện có giấy phép lái xe nhưng kỹ năng chưa đạt yêu cầu, dẫn đến hoàn toàn không làm chủ phương tiện. Điều này nó liên quan kỹ thuật, liên quan việc đào tạo và sát hạch lái xe".
PGS. TS. Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải, Trường đại học Việt Đức phân tích, với một lái xe có kinh nghiệm, trong trường hợp xe bị mất phanh, lái xe phải kéo phanh tay để dừng xe, hoặc đánh lái để tránh những người đi đường.
Trong vụ tai nạn liên hoàn mới đây, có thể lái xe đã bị hoảng loạn về mặt tâm lý và thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý trong những tình huống khẩn cấp.
"Trong đào tạo lái xe phải đưa rất nhiều tình huống nguy hiểm như vừa rồi và trong mỗi tình huống như vậy, lái xe nên xử lý như thế nào? Trường hợp mất phanh phải xử lý như thế nào? Trường hợp phải đối đầu giữa sự sống và cái chết của những đối tượng khác thì mình lựa chọn cái gì? Đây là những thủ thuật đối đầu với những tình huống nguy hiểm", PGS. TS. Vũ Anh Tuấn nói.
Ô tô mất phanh, mất lái, mất kiểm soát là hiểm họa lớn với cộng đồng, để lại đau thương cho người bị nạn và cả khuôn mặt thất thần cho người gây ra tai nạn. Để không còn “xe điên”, ngoài việc tìm ra nguyên nhân từng vụ việc cụ thể để phòng ngừa, thì khâu phòng ngừa thường xuyên với các tác nhân dấu mặt mới là giải pháp trước hết.
Góc nhìn của Kênh VOV Giao thông qua bài bình luận: Nếu còn dễ “phát điên”.
Một điều đáng chú ý là trong số hàng trăm, hàng ngàn bình luận chia sẻ xung quanh các tin bài về sự cố tai nạn ở đường Võ Chí Công, là rất ít bàn luận, nhận định về các tình huống, khả năng khác nhau có thể dẫn đến nguyên nhân.
Người ta chỉ có thể nghĩ đến những khả năng thông thường như mất phanh, kẹt ga, hoặc một trạng thái mất kiểm soát đột ngột nào đó.
Nguyên nhân dẫn đến một sự cố, có thể rất nhiều, và chỉ được kết luận từ cơ quan điều tra. Song tiếp cận từ góc nhìn giảm thiểu thiệt hại, có thể nhận ra, rất nhiều cơ hội cải thiện an toàn đã bị bỏ lỡ.
Trước hết, đó là cơ hội giảm thiểu rủi ro từ dòng giao thông hỗn hợp. Nếu tổ chức giao thông quy củ, tách dòng phương tiện theo từng nhóm và tương ứng với cấp độ đường, thì sẽ giảm thiểu được khả năng hàng loạt mô tô, xe gắn máy xuất hiện trước mũi ô tô để rồi hứng chịu những rủi ro vô cùng lớn nếu ô tô gặp sự cố bất ngờ.
Nhưng việc tách dòng phương tiện cho đến nay vẫn là bài toán quá khó với Hà Nội và đô thị Việt Nam nói chung. Dự án thí điểm tách làn trên đường Nguyễn Trãi được tiến hành cách đây 8 tháng nhận được sự ủng hộ cao của giới chuyên gia, nhưng đến nay, gần như đã trở về vạch xuất phát, bởi những sự nửa vời.
Trong khi, kỹ năng an toàn giao thông của người đi xe hai bánh vẫn còn nhiều khoảng trống. Không ít người vẫn chưa hiểu lý do vì sao sao họ nên đi gọn vào phần đường bên phải, ngay cả khi còn nhiều khoảng trống ở phần đường của ô tô.
Thứ hai, đó là cơ hội giảm thiểu rủi ro từ việc tổ chức giao thông khoa học, nhất là trước các nút giao buộc phải trộn dòng.
Quy tắc mô tô xe máy đi ở làn ngoài cùng, bên phải của ô tô bị phá vỡ hoàn toàn trước các nút giao cho phép rẽ trái. Mỗi khi muốn rẽ trái, người đi xe hai bánh rất lúng túng, không biết phải dừng ở đâu- bên trái hay bên phải của ô tô phần đường chờ rẽ.
Dừng bên trái ô tô thì khi chuyển hướng, họ lọt vào góc ôm cua của ô tô, khả năng tai nạn rất cao. Nhưng nếu dừng bên phải của ô tô cùng hướng thì mắc kẹt giữa 2 làn ô tô, chênh vênh nhỏ bé. Cuối cùng, trên “thực địa”, người ta dừng ở bất cứ chỗ nào có thể.
Sự bối rối và ngẫu hứng này không chỉ đẩy người đi xe máy vào rủi ro va chạm rất cao, mà còn tạo nên các tình huống khó phán đoán cho tài xế ô tô, khiến họ bị căng thẳng.
Thực tế giao thông phức tạp, cộng với một chút non kinh nghiệm hoặc tâm trạng không tốt, thần kinh bất ổn, có thể là xúc tác dẫn tới những tình huống khó lường.
Rủi ro về phương tiện có thể được giảm thiểu từ việc đăng kiểm nghiêm túc, bảo hành bảo dưỡng xe thường xuyên, kiểm tra kỹ trước khi vận hành. Rủi ro về kỹ năng có thể giảm thiểu bằng khâu đào tạo.
Rủi ro về chấp hành pháp luật có thể được giảm thiểu bằng các biện pháp kiểm soát ngày càng nghiêm ngặt hơn, như nỗ lực ngăn chặn vi phạm nồng độ cồn, ma túy.
Song, rủi ro từ yếu tố chủ quan của người tham gia giao thông, chỉ có thể chính họ điều chỉnh để phòng ngừa.
Khi những căng thẳng hoặc lo âu, những vội vã hoặc uể oải, những hưng phấn hoặc chán chường của công việc, của gia đình, của cá nhân… bị mang theo vào quá trình tham gia giao thông, thì đường sá có an toàn, tổ chức giao thông có hợp lý, kỹ năng lái xe có tốt…cũng không bao giờ là đủ.
Nhưng rủi ro từ trạng thái tâm lý, cảm xúc lái xe, lại là vấn đề chưa thực sự được quan tâm nhiều, trong một nền giao thông còn bề bộn với những giải pháp cho phần cứng.
Trong khi, kỹ năng quản trị tinh thần, điều hòa cảm xúc lại chưa kịp hình thành ở nhiều người tham gia giao thông. Thậm chí, nhiều người chưa coi đó là một yếu tố cấu thành của an toàn sau tay lái.
Vì thế, phòng ngừa giảm thiểu nguy cơ của những tình huống “xe điên”, không hẳn cần chờ các kết luận, mà có thể làm ngay ở những nguyên nhân đang lặp lại hằng ngày.
Đó là khắc phục sự hỗn loạn trong cách đi lại và tổ chức đi lại, điều hòa sự hỗn mang trong tâm lý và sức khỏe tinh thần của mỗi người khi tham gia giao thông./.