3 cựu Ủy viên Trung ương tích hợp tác với cơ quan điều tra
Trong kết luận điều tra, cơ quan công an cũng đề cập đến các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Theo đó, ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, được đánh giá là "thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra; có thành tích xuất sắc trong công tác, đã nộp khắc phục phần lớn số tiền nhận từ Phan Quốc Việt ".
Đối với ông Chu Ngọc Anh, cơ quan điều tra đánh giá: Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, có thành tích xuất sắc trong công tác, song chưa ghi nhận về việc nộp tiền khắc phục.
Đối với ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, kết luận điều tra nhận định thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, có thành tích xuất sắc trong công tác. Đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận của Phan Quốc Việt và Phạm Duy Tuyến.
Trong những vụ án tham nhũng, kinh tế gần đây, việc bị can khai báo và nộp khắc phục hậu quả được xem là một trong những điều kiện quan trọng để HĐXX cân nhắc khi lượng hình.
Đại án Việt Á lần này, phần lớn các bị can trong đó có 3 cựu Ủy viên Trung ương nêu trên đều được cơ quan điều tra đánh giá là thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra.
Nhiều cán bộ liên quan được miễn trách nhiệm hình sự
Tại kết luận điều tra vụ án Việt Á, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định một số cá nhân có sai phạm liên quan nhưng chưa đủ căn cứ khởi tố, số này gồm ông: Trần Văn Tùng (Thứ trưởng Bộ KH&CN); Nguyễn Đình Hậu (Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật); Nguyễn Mai Dương (Chánh Văn phòng Bộ KH&CN)…
Tại cơ quan điều tra, ông Trần Văn Tùng khai, được ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ Bộ trưởng, điều hành chung toàn bộ hoạt động của Bộ KH&CN từ ngày 25/9/2020 - 12/11/2020. Tuy nhiên, việc quản lý đề tài, xử lý kết quả nghiên cứu đề tài trong thời gian này vẫn thuộc trách nhiệm của bị can Chu Ngọc Anh, vì ngày 25/9/2020, Chu Ngọc Anh được bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhưng đến 12/11/2020, Quốc hội mới miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ KH&CN đối với ông Ngọc Anh.
Còn ông Nguyễn Đình Hậu khai rằng, với vai trò người đứng đầu Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, ông đã phân bị can Trịnh Thanh Hùng ký hợp đồng thực hiện đề tài, thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý, xử lý kết quả nghiên cứu đề tài.
Theo ông Hậu, quá trình quản lý, xử lý kết quả nghiên cứu đề tài, Trịnh Thanh Hùng chủ động thực hiện báo cáo, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc và không báo cáo với ông nên cá nhân ông không biết về các sai phạm của Hùng.
Ông Hậu không được ai can thiệp, tác động; ông cũng không thông đồng, thỏa thuận với bất kỳ đơn vị, cá nhân nào; không được hưởng lợi liên quan đến đề tài nghiên cứu, chế tạo test xét nghiệm. Song ông vẫn thừa nhận trách nhiệm, thiếu sót với vai trò người đứng đầu.
Cuối cùng là ông Nguyễn Mai Dương khai có nhắn tin hẹn, gặp và dẫn Phan Quốc Việt vào phòng làm việc gặp cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh vào chiều 27/8/2020; lời khai này của ông là phù hợp lời khai của Phan Quốc Việt về việc đưa cho Chu Ngọc Anh 200.000 USD cùng ngày hôm đó.
Với những sai phạm liên quan như đã nêu, Cơ quan điều tra đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định về Đảng, chính quyền đối với ông Huỳnh Thành Đạt, Trần Văn Tùng, Nguyễn Đình Hậu… cùng một số đối tượng có liên quan đến quản lý đề tài, khen thưởng, thông tin tuyên truyền đề tài nghiên cứu chế tạo test xét nghiệm.
Đối với cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, cơ quan điều tra cáo buộc ông này, biết test xét nghiệm là sản phẩm thuộc đề tài nghiên cứu do Bộ KH&CN giao Học viện Quân y chủ trì, là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước; các hồ sơ, tài liệu do Công ty Việt Á cung cấp không đầy đủ theo quy định.
Tuy nhiên, do tham mưu của Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế), ông Sơn vẫn ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành tạm thời test xét nghiệm cho Việt Á.
Sau đó, tuy test xét nghiệm vẫn thuộc quyền sở hữu của Bộ KH&CN, Bộ chưa có quyết định giao quyền sở hữu cho Việt Á nhưng vẫn theo tham mưu của Tuấn, ông Sơn đã ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành chính thức cho doanh nghiệp.
Từ đó, Việt Á đã sản xuất, kinh doanh test xét nghiệm thu lợi trái phép, gây thiệt hại cho nhà nước, tổ chức, cá nhân.
C03 đánh giá, hành vi của ông Sơn có dấu hiệu của tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Kết quả điều tra xác định việc ông Sơn ký các quyết định trên không phải là nhiệm vụ thường xuyên; cựu Thứ trưởng cũng không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Việt Á, không được hưởng lợi, không có động cơ vụ lợi hay động cơ cá nhân khác.
Ông Sơn đã bị kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền, vì vậy, Bộ Công an không khởi tố bị can để điều tra.
Còn cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường cũng liên quan đến cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm và kiểm tra giá hiệp thương. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định ông này không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Phan Quốc Việt và doanh nghiệp; không được hưởng lợi, không có động cơ vụ lợi hay động cơ cá nhân khác. Do đó, cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự.
Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế có hành vi nhận 2,25 triệu USD.
Ông Chu Ngọc Anh nhận 200.000 USD từ Phan Quốc Việt.
Ông Phạm Xuân Thăng nhận 100.000 USD (tương đương hơn 2,3 tỷ đồng) từ Phan Quốc Việt; nhận 600 triệu đồng và 50.000 USD từ Phạm Duy Tuyến, khi đó là Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương.