Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM, đơn vị này đang lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân cho Dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc chung TP HCM (gọi tắt là dự thảo quy chế). Sau khi lấy ý kiến, sở này sẽ thẩm định và trình UBND TP HCM phê duyệt, ban hành.
Quy định cụ thể và cách quản lý đặc thù
Trong dự thảo quy chế lần này có quy định rõ đối với các khu vực dọc tuyến xa lộ Hà Nội và tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tại đây sẽ phát triển các khu đô thị mới với mức độ tập trung cao, đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, phát triển các trung tâm dịch vụ đa chức năng và chuyên ngành. Những công trình văn hóa, lịch sử có ý nghĩa được bảo tồn và phát huy. Toàn bộ khu vực nằm trọn trong phạm vi 11 phường của TP Thủ Ðức với điểm đầu là cầu Sài Gòn, cuối tuyến là Khu Lịch sử văn hóa dân tộc với chiều dài 14,83 km; được chia thành 10 khu vực và xếp thứ tự từ A đến L.
Khu A - khu Thảo Ðiền, diện tích 37,74 ha. Tại đây có nhà ga metro Thảo Ðiền; quảng trường ga tại khu vực gần ga metro Thảo Ðiền. Trong khu vực khuyến khích phát triển các công trình đa chức năng cao tầng trong bán kính 200 m xung quanh ga. Khu B - khu An Phú, diện tích 71,66 ha, chiều dài theo xa lộ Hà Nội 1,6 km, hiện có nhà ga metro An Phú, nút giao Cát Lái trên tuyến xa lộ với lưu lượng giao thông lớn đi về trung tâm thành phố... Tầng cao tối đa 40 tầng. Khu C - khu Rạch Chiếc, diện tích toàn khu 33,43 ha, có nhà ga metro Rạch Chiếc, nút giao Cát Lái; tổ chức giao thông công cộng và đi bộ tốt để hỗ trợ cho nhà ga metro Rạch Chiếc, kết nối với Khu Thể dục thể thao Rạch Chiếc. Tại đây khuyến khích phát triển các công trình đa chức năng cao tầng trong bán kính 200 m, phát triển các khu nhà ở cao tầng trong bán kính 200-400 m; tầng cao tối đa 26 tầng. Khu D - Phước Long, diện tích toàn khu là 127,03 ha. Khu này bảo tồn cảnh quan quanh khu vực bán đảo Phước Long, giữ lại - cải tạo khu vực dân cư hiện hữu phường Phước Long A, quận 9 cũ. Chiều cao tối đa 45 tầng. Khu E, diện tích là 82,43 ha; có nhà ga metro Bình Thái, ngã tư Bình Thái với đường Vành đai 2. Tổ chức tầng cao xây dựng thấp dần về phía cầu Ðồng Nai. Cao tầng tối đa 26 tầng. Khu F - Thủ Ðức, diện tích 38,43 ha; có nhà ga metro Thủ Ðức, tuyến đường Võ Văn Ngân, Lê Văn Việt kết nối qua xa lộ, cầu vượt ngã tư Thủ Ðức dọc xa lộ Hà Nội, biệt thự Làng Ðại học Thủ Ðức, tầng cao tối đa 20 tầng.
Khu G - khu Nhà máy nước: Khu vực này đa số giữ lại chức năng sử dụng đất hiện hữu, cải tạo bộ mặt các ô phố bằng quy định về tầng cao, khoảng lùi, biển quảng cáo; tầng cao tối đa 20 tầng. Khu H - Khu Công nghệ cao, diện tích toàn khu là 42,11 ha. Kiến trúc nơi đây sẽ phát huy giá trị cảnh quan tuyến kênh rạch trong việc tổ chức không gian các khu phố, tầng cao tối đa 25 tầng, xây dựng thấp dần về phía cầu Ðồng Nai. Khu K - Suối Tiên, diện tích 40,14 ha; có nhà ga metro Suối Tiên, Công viên Văn hóa Suối Tiên, khu dân cư hiện hữu. Tầng cao xây dựng tối đa 15 tầng. Khu L - Bến xe Miền Ðông mới, diện tích toàn khu 37,75 ha; có nhà Depot metro kết hợp Bến xe Miền Ðông, khu dân cư hiện hữu. Dọc xa lộ là khu vực đất kho tàng, đất trống chưa xây dựng, có điều kiện phát triển các tổ hợp kiến trúc đa chức năng. Tầng cao tối đa 15 tầng.
Dự thảo quy chế cũng đề cập đến 3 trục đường có tính chất đặc biệt quan trọng về hành chính, thương mại của TP HCM. Ðó là trục Lê Duẩn (quận 1), trục Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố) và trục Nguyễn Tất Thành (quận 4). Ðây là 3 trục đường có yêu cầu quản lý kiến trúc đặc trưng. "Các trục đường có tính chất đặc biệt quan trọng về hành chính, thương mại, du lịch sẽ sử dụng các hình thức kiến trúc trang trọng, hấp dẫn, năng động... phù hợp với chức năng của từng trục đường" - dự thảo quy chế nêu rõ.
Trục đường Lê Duẩn, quận 1, TP HCM được quy hoạch cảnh quan đặc biệt để tạo nên bản sắc riêng cho thành phố. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hợp lý và lưu ý!
Bình luận về quy định đối với 10 khu đô thị dọc metro số 1 và cách quản lý kiến trúc đặc thù ở 3 trục đường đặc biệt trong dự thảo quy chế, KTS Trần Vĩnh Nam nói ông hoan nghênh và thấy hoàn toàn hợp lý. Trong đó, việc tính toán kiến trúc, chiều cao, chức năng của từng khu đô thị dọc metro số 1 là việc làm khoa học, để từ đó không chỉ khai thác hiệu quả metro số 1 mà còn góp phần tạo ra bộ mặt đô thị hài hòa, hiện đại
Nói về 3 tuyến đường đặc biệt quan trọng, KTS Trần Vĩnh Nam chia sẻ khi đặt chân đến một địa phương nào đó thì hình ảnh du khách bắt gặp đầu tiên sẽ là hình ảnh gây ấn tượng lớn nhất. Ðặc biệt đối với nhiều du khách nước ngoài, nhà đầu tư một khi vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì điều khiến họ háo hức đó là đô thị TP HCM hiện đại, đặc sắc thế nào. "Vì vậy, nếu đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa không quy hoạch chặt chẽ sẽ tạo ra bộ mặt đô thị méo mó. Ðây là tuyến đường mang tính biểu tượng và ngoại giao rất lớn. Vì vậy từ vỉa hè, đến các công trình nhà ở, tòa nhà cần quản lý chặt. Ðiều này tôi hoàn toàn đồng ý với dự thảo quy chế đã nêu ra" - KTS Trần Vĩnh Nam nêu quan điểm.
Ông nói trục đường trên hiện nay khá đẹp, nếu đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa là hàng loạt tòa nhà văn phòng với kiến trúc hiện đại thì khi di chuyển vào trung tâm quận 1, hai bên đường là cổ thụ và nhiều biệt thự cổ hiện ra. "Tuy nhiên, vẫn còn đó những "nét vẽ" chưa đẹp trên con đường này, đó là tình trạng những căn biệt thự biến tướng, đập đi một nửa để xây tòa nhà, nửa còn lại vẫn bảo tồn. Do đó, việc có quy chế quản lý đặc thù sẽ giúp ngăn chặn tình trạng mạnh ai nấy xây, "bỏ rơi" các công trình có dấu ấn lịch sử, kiến trúc cổ là sát với thực tế phát sinh" - KTS Trần Vĩnh Nam nhấn mạnh.
Ðánh giá về trục đường Lê Duẩn, ông nói trong dự thảo quy chế, trục này thuộc phân khu 2 trong khu trung tâm hiện hữu nên ưu tiên các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc đối với các công trình xây dựng quan tâm, đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy những giá trị kiến trúc, không gian kiến trúc cảnh quan có giá trị văn hóa - lịch sử của thành phố là quy định vô cùng cần thiết. "Tuy nhiên, để phát huy hết những giá trị văn hóa - lịch sử trên trục này, theo tôi cần bổ sung thêm hai trục đường lân cận gồm Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes" - KTS Trần Vĩnh Nam đề xuất. Bởi theo ông, đây là 2 con đường gắn chặt với cảnh quan trục đường Lê Duẩn. Hơn cả, tại 2 con đường này, có hàng chục công trình nhà ở tồn tại trên 100 năm.
Còn về trục đường Nguyễn Tất Thành, KTS Trần Vĩnh Nam góp ý thêm đây là trục đường có lợi thế bờ sông Sài Gòn. Ngoài ra, một bên đất thuộc khu cảng nên việc giải phóng mặt bằng dễ dàng, ít tốn kém. Ðây có thể làm địa điểm du lịch ẩm thực về đêm.
Cùng quan điểm, thạc sĩ Trần Nguyễn Lưu, Hiệp hội KTS Việt Nam, dẫn chứng chính quyền tỉnh Siem Reap (Campuchia) đã quy hoạch kiến trúc nơi đây xây dựng không cao hơn các ngôi đền tại Angkor Wat mục đích giữ được cảnh quan và kiểm soát được mật độ xây dựng. Từ đó, rất nhiều du khách đến đây thích thú về một đô thị yên tĩnh, nhiều cây xanh. "Nói vậy để thấy, một đô thị cần có những điểm nhấn ở những trục đường chính và việc lựa chọn 3 con đường để ra các quy định đặc thù riêng là hợp lý. Tuy nhiên cần xem xét bổ sung một số đường khác mang tính liên kết hơn" - thạc sĩ Trần Nguyễn Lưu gợi ý.
Xây dựng "vành đai sinh thái"
Dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc chung TP HCM định hướng kiến trúc khu vực ngoại thành bao gồm các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh.
Khu vực ngoại thành sẽ duy trì, khôi phục và tôn tạo được các hệ sinh thái tự nhiên cũng như những cảnh quan đặc trưng tự nhiên được tạo bởi địa hình, các vùng lâm nghiệp, nông nghiệp, hành lang ven sông và các dải ven biển. Xây dựng mô hình ở phù hợp với đặc thù nhiều sông nước, điều kiện địa hình, địa chất thủy văn, bảo đảm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sống đô thị. Ðồng thời hình thành 3 tuyến vành đai sinh thái, tuyến cảnh quan không gian xanh kết hợp với đất nông nghiệp, đất dự trữ tạo không gian mở ở khu vực phía Bắc thuộc khu vực huyện Củ Chi, Hóc Môn, phía Tây thuộc huyện Bình Chánh và phía Nam thuộc huyện Nhà Bè, Cần Giờ.