Chặn dịch bệnh ngay cửa ngõ

(NLĐO) - Bất chấp hiểm nguy đầu con sóng, những người kiểm dịch y tế quốc tế vẫn hoàn thành nhiệm vụ chặn dịch bệnh ngay tại cửa ngõ, đảm bảo cho người dân vui Xuân đón Tết cổ truyền.

Sáng sớm ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, khi nhiều người bắt đầu nghỉ làm việc để sửa soạn nhà cửa đón năm mới, những nhân viên Khoa Kiểm dịch y tế quốc tế thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên – Huế lại nhận được lệnh lên đường làm nhiệm vụ.

Chiếc ôtô công vụ xé màn đêm chở 3 người, trong đó có Ths-BS Trần Đạo Phong, Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, rời trụ sở CDC đến Cảng Thuận An ở phường Thuận An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế để làm nhiệm vụ. 

Xe tới cảng Thuận An khi ánh bình minh đã lấp ló ở biển khơi, bắt đầu chiếu những tia nắng ấm áp của mùa Xuân tới đất liền. Mọi người không ai bảo ai, lập tức mang áo quần phòng hộ, kiểm tra lại dụng cụ kiểm dịch rồi lên chiếc ghe của một ngư dân đậu sẵn ở mép cảng.

Chặn dịch bệnh ngay cửa ngõ - Ảnh 1.

Nhân viên kiểm dịch y tế quốc tế leo thang dây lên bong tàu

Chiếc ghe nhỏ hằng ngày đánh tôm cá ven bờ của ngư dân Trần Thanh Lộc (ngụ phường Thuận An) đưa tổ kiểm dịch rời cảng ngược ra cửa biển Thuận An. Chiếc ghe nhỏ tựa như chiếc lá bồng bềnh khi gặp những con sóng lớn ở cửa biển – nơi phá Tam Giang hòa quyện với dòng hải lưu. Vậy nhưng, họ không có chút gì sợ hãi. 

"Chúng tôi quen rồi nên không còn lo sợ nữa. Nhiều khi gặp gió mùa hoặc sóng lớn thì càng nguy hiểm hơn. Chúng tôi chọn đi ghe nhỏ để cơ động, dễ tiếp cận với tàu hàng" – Ths-BS Trần Đạo Phong cho biết.

Chặn dịch bệnh ngay cửa ngõ - Ảnh 2.

Một nhân viên leo thang dây lên bong tàu, phía sau lưng mang ba lô đựng đồ đạc

Đứng từ cửa Thuận An nhìn ra biển lớn, cách chừng 1 hải lý, chiếc tàu hàng PRINCES lừng lững đậu ở phao số 0 để chờ được kiểm dịch. Chiếc tàu này có tải trọng đến hàng chục ngàn tấn, chở hàng từ nước ngoài tới và đợi cập cảng xếp dỡ hàng.

Chiếc ghe của ông Lộc từ từ tiếp cận boong tàu PRINCES khi những con sóng cao cứ liên tục ập tới. Từ boong tàu, các thủy thủ đã thả dây để lần lượt kéo dụng cụ của nhân viên kiểm dịch lên. Sau đó, họ thả chiếc thang dây xuống để các nhân viên kiểm dịch leo lên boong tàu với độ cao hơn 10 m. Chiếc thang dây cứ lắc lư khi nhân viên y tế leo lên và chỉ cần chút sơ sẩy thì rất dễ rơi xuống biển.

Chặn dịch bệnh ngay cửa ngõ - Ảnh 3.

Tiếp cận tàu hàng từ chiếc ghe đánh cá

Chiếc tàu này có 21 thuyền viên và cảng cuối cùng họ rời trước khi tới Thuận An là tại Nhật Bản. "Kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, tất cả tàu hàng từ nước ngoài và những tàu đến từ các vùng dịch cấp độ 3, 4 tới đều neo đậu tại phao số 0 đợi chúng tôi ra kiểm dịch, đảm bảo an toàn về người và phương tiện mới được phép cập cảng" – ông Phong cho biết.

Sau khi lên tàu, các nhân viên kiểm dịch nhanh chóng kiểm tra dịch tễ thủy thủ đoàn, kiểm tra xuất xứ thực phẩm, nước uống, rác thải, nước giằng tàu (nước làm cho tàu chìm xuống) xem đảm bảo hay không để được xả xuống khu vực cảng…

Chặn dịch bệnh ngay cửa ngõ - Ảnh 4.

Họ lên đường bất kể ngày đêm, lễ tết

Ths-BS Trần Đạo Phong cho biết trước đây, khi

Phun khử khuẩn trên một boong tàu hàng

Sau khi kiểm tra đảm bảo an toàn về nhân viên cũng như tàu hàng, chiếc tàu PRINCES mới được chấp thuận rời phao số 0 theo tàu hoa tiêu đi vào cảng Thuận An. Những nhân viên của Khoa Kiểm dịch y tế quốc tế cũng rời boong tàu xuống ghe để trở về với niềm hạnh phúc vì góp sức mình vào việc kiểm soát dịch bệnh từ cửa ngõ, qua đó đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Chặn dịch bệnh ngay cửa ngõ - Ảnh 6.

Pha chế dung dịch chuẩn bị phun tiêu trùng khử độc ở tàu bay tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài

Theo Ths-BS Trần Đạo Phong, Khoa Kiểm dịch y tế quốc tế thuộc CDC Thừa Thiên – Huế chỉ có 7 cán bộ, nhân viên nhưng phụ trách kiểm dịch y tế tại 5 cửa khẩu ở tỉnh này, gồm: cảng Chân Mây, cảng Thuận An, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, cửa khẩu đường bộ Hồng Vân và A Đớt tại huyện A Lưới.

Chặn dịch bệnh ngay cửa ngõ - Ảnh 7.

Những nhân viên kiểm dịch y tế quốc tế làm nhiệm vụ tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài

Chỉ tính riêng tại cảng Chân Mây và Thuận An, trung bình mỗi tháng có 8-10 tàu hàng cập cảng cần kiểm dịch nên công việc của họ lúc nào cũng bận rộn, bàn tay lúc nào cũng nhăn nhúm do đeo găng tay y tế quá lâu. "Kể từ khi dịch bệnh xảy ra thì chưa có trường hợp ca bệnh nào từ cửa khẩu lây lan ra cộng đồng" - ông Phong nhấn mạnh.

Những người kiểm dịch ở cửa biển

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/chan-dich-benh-ngay-cua-ngo-a9986.html