"Những háo hức khi chuẩn bị đón Tết, những kiêng kỵ đầu năm, bày biện ban thờ tổ tiên... mà mẹ dạy tôi khiến một đứa từng ghét Tết như tôi bây giờ lại coi là báu vật", NTK Đức Hùng viết.
LTS: Nhân chủ đề "Cha mẹ trong tim tôi" trên báo VietNamNet,
Cứ mỗi độ xuân về, tôi lại được mẹ vẽ lên một bức tranh Tết trọn vẹn của Hà Nội, vốn dĩ là nơi ai cũng yêu Tết. Phố phường ngày ấy Tết vắng lắm, lác đác vài chiếc xe đạp chở theo những bó hoa Violet, hoa Bướm, hoa Thược Dược, hoa Lay Ơn và không thể thiếu được hoa Đào. Những cửa hàng mậu dịch bán tem phiếu, bán tranh Tết, bán câu đối Tết, đặc biệt là bán lá rong để về gói bánh chưng, cửa hàng nào cũng xếp hàng dài nhưng ai nấy đều có những khuôn mặt hớn hở và vui vẻ. Trong ngôi nhà nhỏ của tôi, mẹ và bố luôn truyền cho tôi những cảm xúc tuyệt vời về Tết. Tôi cứ ngơ ngác nghe và tự hiểu, thấm vào trong người mình lúc nào không biết.
Đến rằm tháng Chạp hàng năm, mẹ bận rộn bất thường, một ngày đi chợ tới hơn 10 lần, mỗi lần chỉ mua được vài thứ. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao như vậy. Sau này tôi mới hiểu, đấy cũng là một thú đi chợ ngày Tết của người Hà Nội. Mẹ tôi đi để cảm nhận cái không khí, cảm nhận sự đông đúc mà chỉ có ở những ngày cuối năm.
Rằm tháng Chạp, mẹ đã mua một cành đào bích Nhật Tân cắm trong nhà. Cành đào được đặt cạnh chiếc radio luôn phát những bản nhạc về Tết và đặc biệt là ngâm thơ Tết của người Hà Nội năm đó. Cứ thế, Tết đã ùa về. Bố tôi trầm ngâm bên chén chè, còn tôi lăng xăng, hào hứng trang trí cành đào sao cho đẹp, từ những hoạ báo tôi gấp thành những hình con cá treo lên cành đào, tự tay làm và cảm thấy vô cùng thú vị.
Mẹ dạy cho tôi đủ kiểu các kiêng cữ ngày Tết, ngày Tết phải dùng đồ đỏ, không được nói to, không được quét nhà, đi đâu cũng phải mang theo một hộp diêm cho ấm áp. Nhiều lúc tôi rất khó chịu với sự kiêng cữ kỹ càng đó, làm cho một đứa trẻ không còn tự do nữa. Rồi lại chuyện nấu cỗ, phải đủ 6 đĩa 4 bát, nào thì măng, mọc, nấm, bánh chưng, gà luộc,...
Mẹ NTK Đức Hùng chụp cùng con cháu trong ngày Tết. |
Nhà có ban thờ Phật nên ngay từ bé bao giờ cũng có hai mâm cúng, một mâm cỗ chay cúng Phật, một mâm cỗ mặn cúng gia tiên. Và đặc biệt, đêm giao thừa mẹ dâng lễ cúng chay cốm xào và nhiều hoa quả, không thể thiếu được cỗ oản của người Hà Nội. Trước ngày Tết mẹ bận rộn nên hay cáu và dễ bực mình, lũ trẻ chúng tôi nếu làm điều gì đó không vừa ý mẹ, mẹ có thể cáu và tôi rất dễ bị ăn đòn, nên tôi cũng chẳng thích Tết lắm.
Đến sáng mùng 1 thì mẹ lại khác hẳn, vui tươi và đon đả với các con, lại còn nhận được tiền mừng tuổi. Lúc đó tôi cũng ngạc nhiên sau một đêm giao thừa bố mẹ tôi lại tạo được một không khí vui vẻ đến vậy. Giờ tôi mới biết, người lớn lúc nào cũng vui vẻ những ngày đầu năm để đón chào một năm mới hạnh phúc và may mắn.
Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh những tràng pháo nổ giòn giã ở cuối phố và trước cửa nhà mỗi khi có người xông đất. Các anh chị lớn thì dùng pháo bánh và pháo đùng, còn lũ trẻ chúng tôi chỉ dám dùng pháo tép. Chúng tôi tuốt từng tép pháo rời ra một để lấy que hương châm cho nổ, mỗi một lần như vậy đều bịt tai. Có lúc sợ quá nên phải bịt chặt, rồi cũng chẳng nghe thấy tiếng pháo nổ nhưng hương vị của khói pháo vẫn luôn đặc trưng như vậy!
Chiều 30 Tết nào cả nhà cũng tắm nước lá mùi già, thơm hơn các loại dầu gội và xà phòng ngày nay nhiều. Tới tận bây giờ, tôi vẫn giữ truyền thống với các con. Chiều 30 Tết cả nhà vẫn tắm lá mùi già, dư vị mùi hương lan toả trong không gian ngày cuối năm thật dễ chịu và ý nghĩa.
Ban thờ Phật và bàn thờ tổ tiên là việc làm đầu tiên phải bao sái sao cho sạch sẽ, để dâng lên những cành đào, những hoa quả đặc trưng của Tết như Phật thủ, quất, bưởi, chuối, ...
Hồi đó, mẹ dạy nhiều, tôi đến phát bực, quay ra giận mẹ nhiều lắm nhưng vẫn phải làm theo. Vì mẹ rất kỹ càng và bày vẽ, nhiều các món ăn cuối năm, bọn trẻ lúc nào cũng chỉ thích ăn và chơi nên bị mẹ sai vặt rất nhiều, chạy đi chạy lại như con quay nhưng có lẽ vì đó là Tết, không hiểu sao lại chẳng thấy mệt.
Mùng 1 đầu năm, đi lễ với mẹ, mẹ diện lắm, diện cho cả các chị và cả tôi nữa. Trong suốt 3 ngày Tết, mẹ thay 3 bộ áo dài, đi ra đường, gió xuân bay các tà áo hất cả vào người tôi. Đúng là một bức tranh những ngày Tết xưa mãi mãi trong lòng, tôi coi đó như một “báu vật”.
NTK Đức Hùng và vợ bên mâm cơm ngày Tết. |
Hôm nay, những ngày cuối năm, gia đình tôi lại chờ đón một cái Tết nữa. Ngoài đường trời se lạnh, những hạt mưa xuân lại lất phất rơi, tiếng còi ô tô và xe máy inh ỏi khắp các con phố. Ai cũng tất bật, vội vàng làm cho xong công việc trước ngày Tết để mong sự may mắn đến với mình. Ngồi trong lòng phố, nhìn sự chuyển động của Hà Nội những ngày cuối năm này, tôi thấy đâu đó hình dáng của mẹ vẫn quanh quẩn bên tôi dù bây giờ tôi đã ngoài 50, nhắc nhở tôi những điều kiêng kỵ trong những ngày Tết, để giữ lại những nét văn hoá truyền thống của người Hà Nội, sao cho không bị phai nhạt.
Tôi nhâm nhi một cốc chè hương sen nóng, vài miếng mứt Tết, lại nhớ đến Tết ngày ấy, lòng bỗng dưng nhớ da diết những kỷ niệm tuổi thơ vô cùng đẹp giữa tôi và gia đình.
Trước thềm năm mới Nhâm Dần, tiễn đưa Tân Sửu, chỉ mong cho một năm bình an và mạnh khoẻ… Mưa xuân vẫn bay, gió vẫn se lạnh, những gánh hoa cùng cành đào, cây quất đan nhau ngoài phố, báo một mùa xuân mới, một mùa xuân của đoàn viên, mùa xuân của gia đình, mùa xuân của hy vọng.
Hà Nội những ngày tháng Chạp, năm Tân Sửu 2022
Nhà thiết kế Đức Hùng
Siêu mẫu Xuân Lan lúc dịu dàng e ấp, lúc cá tính, sang trọng trong loạt áo chần bông của NTK Đức Hùng.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/ntk-duc-hung-me-day-toi-cach-yeu-tet-nhu-bau-vat-a9956.html