Lao động ngừng việc đòi thưởng Tết: Cần hài hòa lợi ích

Bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp (DN) công bố lương, thưởng Tết; tăng nhiều phúc lợi thì vẫn còn một số nơi giảm thưởng, khiến nhiều công nhân, người lao động (NLĐ) phản ứng, thậm chí ngừng làm việc để phản đối. Nhiều ý kiến cho rằng, cần chăm lo tết nhiều hơn cho công nhân và hài hòa lợi ích.

Thưởng èo uột

Những ngày qua, hàng ngàn công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (phường Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã ngừng việc tập thể để yêu cầu công ty điều chỉnh lại mức thưởng Tết. Nguyên nhân được cho là do công ty công bố thưởng Tết năm 2022, mức thưởng Tết cao nhất là 1,5 tháng lương. Trong khi đó, mức thưởng cao nhất năm 2021 cao hơn.

Sau khi công nhân phản ứng đòi quyền lợi, đại diện công ty đã lắng nghe ý kiến của NLĐ nhưng phía tập đoàn không thay đổi kế hoạch thưởng Tết. Hiện tại, công nhân vẫn tiếp tục ngưng việc sang ngày thứ tư.

Lao động ngừng việc đòi thưởng Tết: Cần hài hòa lợi ích - Ảnh 1.

NLĐ tại Cty TNHH Pouchen Việt Nam ngưng việc từ nhiều ngày qua sau khi DN công bố thưởng Tết. Ảnh: Mạnh Thắng


Tương tự trường hợp Pouchen, giữa tháng 12/2021, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Freetrend A (Khu chế xuất Linh Trung II, TP Thủ Đức) đã ngừng việc yêu cầu ban giám đốc tăng tiền thưởng Tết. Trước đó, khi chưa có dịch bệnh, tiền thưởng Tết hằng năm của NLĐ tại Công ty Freetrend A làm việc chưa đủ 3 năm là một tháng lương và tăng dần theo thâm niên, người cao nhất nhận 3 tháng lương. Năm 2021, công ty ngưng sản xuất hơn 3 tháng. Kế hoạch sản xuất không đạt nên DN giảm mức thưởng Tết, vẫn với cách tính cũ nhưng tiền thưởng sẽ giảm còn 60%.Đại diện công ty cho rằng, dịch bệnh COVID-19 khiến nhà máy ngừng sản xuất hơn 3 tháng nhưng vẫn trả lương theo mức tối thiểu vùng để hỗ trợ NLĐ. Đối với thưởng Tết, theo thỏa ước lao động tập thể đã thống nhất giữa DN và Công đoàn, hằng năm, nhà máy có thưởng Tết nhưng tùy thuộc vào hiệu quả kinh doanh.

Trong chương trình "Dân hỏi, chính quyền trả lời" vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, dù khó khăn nhưng thành phố vẫn chuẩn bị kinh phí lớn với 900 tỷ đồng để chăm lo Tết. Ông Đức cũng yêu cầu các cấp sở ngành, địa phương tiếp tục giám sát việc chi trả lương, thưởng Tết cho NLĐ. Các sở ngành cần nhanh chóng có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ các DN gặp khó khăn trong thưởng Tết, đặc biệt không để xảy ra tình trạng ngừng việc, đình công.

L.V

Ngay khi nhận được thông tin, Công đoàn các KCX-KCN TPHCM đã phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời đến công ty để hỗ trợ giải quyết vụ việc. Ông Phạm Văn Hiền, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TPHCM cho biết, phía công ty đã đồng ý nâng mức thưởng Tết cuối năm lên 75% chứ không phải 60% như trước. Nhiều công nhân đồng ý với quy định này đã quay trở lại làm việc.

Theo ghi nhận của PV báo Tiền Phong, không chỉ DN công bố thưởng Tết mới xảy ra tình trạng NLĐ ngừng việc, mà ngay cả DN chưa công bố thưởng tết cũng xảy ra việc NLĐ ngừng việc yêu cầu DN công bố mức thưởng người lao động. Cụ thể, từ chiều ngày 10 đến 11/1, hàng trăm công nhân làm việc tại Công ty B.T ở KCN Amata (TP Biên Hòa) đã ngừng việc để yêu cầu công ty công bố thưởng Tết, trong khi đó công ty cho biết đến ngày 12/1 sẽ thông báo thưởng Tết.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Kim Chi (công nhân may tại KCX Tân Thuận, quận 7, TPHCM) cho biết: “Đến hôm nay, vẫn chưa nghe công ty công bố gì về lương, thưởng Tết. Công ty có gần 3 tháng tạm ngưng hoạt động do dịch bệnh nhưng công ty vẫn trả lương bằng 75% mỗi tháng. Biết công ty khó khăn, nên chúng tôi chỉ mong sẽ có thưởng Tết là mừng rồi”.

Ông Đoàn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần may Nam Hà cho biết, Tết này, dù DN khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, DN vẫn cố gắng để duy trì thưởng Tết cho NLĐ với mức 1 tháng lương, tương đương năm trước. “Cũng phải cố gắng để chăm lo cho NLĐ, thậm chí chấp nhận không có lợi nhuận để trích thưởng sau 1 năm vất vả nhưng NLĐ luôn đồng hành với DN. Thấy nhiều DN cũng đau đầu vì thưởng Tết năm nay, khi vượt qua khó khăn, duy trì được hoạt động, có việc làm đã rất khó, cuối năm không thưởng cũng rất khó”, ông Dũng nói.

Cần hài hòa lợi ích

Thưởng Tết không chỉ là phần thưởng xứng đáng dành cho công nhân trong một năm cố gắng, mà đó còn thể hiện sự chăm lo, quan tâm của DN đối với NLĐ. Tuy nhiên, do những lý do bất khả kháng như dịch bệnh khiến DN làm ăn khó khăn, ảnh hưởng đến mức lương thưởng.

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM, có hơn 50% DN thành phố gặp khó để thưởng Tết; lương, thưởng Tết năm nay giảm 30-50% so với năm 2021. Trong đó, dệt may và da giày là hai ngành sử dụng nhiều lao động đang cố gắng đảm bảo thưởng Tết khoảng 70-75% so với năm trước với khoảng 4-6 triệu đồng/người. Các DN sản xuất quy mô nhỏ và các DN sử dụng lao động giản đơn có mức thưởng thấp hơn. “Dù vậy, các DN vẫn cố gắng chi trả lương và thưởng cho NLĐ theo quy chế và đúng với thỏa thuận đã được ghi nhận trong thỏa ước lao động và hợp đồng lao động. Đây là nỗ lực lớn của DN”, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM nói.

Ông Nông Văn Dũng, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho biết: “UBND tỉnh đã có quy định đến ngày 12/1 các DN phải báo cáo về thưởng Tết, nên đến thời điểm này vẫn còn nhiều DN chưa báo cáo”. Theo ông Dũng, tình hình chung là khó khăn, nhiều DN cố gắng để có thưởng cho NLĐ nhưng nhìn chung là thấp hơn năm trước. Mức thưởng Tết dù thấp hơn so với mọi năm nhưng đó là sự nỗ lực của các DN nhằm chăm lo để NLĐ luôn gắn bó, đồng hành với DN phát triển. Các DN mong muốn NLĐ cần thấu hiểu, chia sẻ khó khăn với DN để nhanh chóng khôi phục sản xuất và duy trì việc làm, thu nhập cho NLĐ trước và sau Tết.

Bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, nhiều Công đoàn cơ sở đã trực tiếp thương lượng, đàm phán thành công với chủ DN về lương, thưởng Tết cho NLĐ. Nhiều chủ DN đã hiểu khó khăn của NLĐ và nỗ lực cân đối tài chính để có thưởng Tết cho NLĐ. Đây là việc làm nhằm giúp NLĐ tiếp tục gắn bó, yên tâm làm việc. LĐLĐ tỉnh mong muốn NLĐ chia sẻ một phần khó khăn với DN để ổn định việc làm, thu nhập sau đại dịch. Các cấp Công đoàn sẽ phối hợp với DN, địa phương tập trung mọi nguồn lực chăm lo Tết Nhâm Dần 2022, đảm bảo mọi đoàn viên, NLĐ đều có Tết sum vầy ý nghĩa.

Ông Nguyễn Huy Vũ, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt may tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay, mới chỉ có hơn 10/70 DN báo cáo tiền thưởng Tết, với mức thưởng chủ yếu là 1 tháng lương cơ bản. Do tiền thưởng chia theo tỉ lệ, tháng nào nghỉ để phòng dịch thì bị trừ ra nên mức thưởng chắc chắn sẽ giảm hơn so với năm ngoái.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan cho biết, đã vận động công đoàn cơ sở tham mưu DN quan tâm đời sống NLĐ. Trong đó, cân đối ngân sách để thưởng Tết cho NLĐ tùy vào khả năng nhằm động viên, chia sẻ cùng nhau vượt qua khó khăn. Cũng theo lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Bình Dương, năm nay có khoảng 500.000 lao động không về quê ăn Tết, trong đó có 23.950 người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Dự kiến số lao động này sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/suất. Về phía các cấp công đoàn sẽ trích tài chính công đoàn dự kiến chi hỗ trợ 639.013 đoàn viên, NLĐ, mỗi suất 300.000 đồng.

Theo Mạnh Thắng - Uyên Phương - Hương Chi

Tiền phong

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/lao-dong-ngung-viec-doi-thuong-tet-can-hai-hoa-loi-ich-a8810.html