Ảnh hưởng đến đời sống của con người
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã có những chia sẻ với Người Đưa Tin về mức độ nguy hại của rác thải nhựa đến môi trường và sức khoẻ con người.
Theo ông Thịnh, có nhiều nhóm rác thải như: Rác thải y tế, rác thải thực phẩm, rác thải công nghiệp, rác thải xây dựng… mỗi một loại rác thải đều ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của nhân dân.
Riêng đối với rác thải nhựa hiện nay, không chỉ là vấn đề ở Việt Nam mà còn trên thế giới, rác thải nhựa ảnh hưởng đến đời sống của động vật, thực vật và con người, sinh hoạt của con người khó khăn hơn.
Con người còn xử lý rác thải nhựa bằng cách đốt, khiến rác thải không còn có mặt trên tự nhiên nhưng lại trở thành khí và sinh ra chất độc. Khi con người hít phải sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, lâu dài cũng sẽ gây ra các bệnh lý không tốt. Hay nói một cách khác, rác thải nhựa là một trong những tác nhân gây bệnh không tốt cho sức khoẻ con người.
Cần giảm bớt sản xuất rác thải nhựa
Về câu hỏi rác thải nhựa có ảnh hưởng trực tiếp đến con người hay không? Ông Thịnh cho biết câu trả lời là không, nhưng gián tiếp và ảnh hưởng đến môi trường rất nhiều.
“Tôi lấy ví dụ như: Rác thải nhựa vứt ra tự nhiên, khiến cá ăn phải chết, túi nilong vứt ra đất thì cây cối không mọc được… Và khi rác thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường thì đồng nghĩa với việc con người bị ảnh hưởng, có những thứ ảnh hưởng trực tiếp nhưng có những thứ ảnh hưởng gián tiếp đến sức khoẻ”, ông Thịnh cho hay.
Theo ông Thịnh, con người bị bệnh có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, thường chia làm hai nhóm: Nhóm không lây nhiễm và nhóm lây nhiễm.
“Nhóm lây nhiễm như: Bệnh tả, tiêu chảy, lao phổi… Nhóm không lây nhiễm như: ung thư, tim… Trong đó, nhóm bệnh không lây nhiễm cũng bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường. Tuy nhiên, mỗi nhóm bệnh lại có nguyên nhân khác nhau. Như rác thải y tế thì có thể gây ra nhóm bệnh lây nhiễm vì trong rác thải y tế có nhiều vi khuẩn, vi khuẩn ra đất rồi ra tay rất dễ lây cho con người”, ông Thịnh chia sẻ.
Ngoài ra, ông Thịnh cho biết, rác thải gây nguy hiểm nhất đến sức khoẻ con người đó chính là các loại hoá chất. Bởi, hoá chất tan trong môi trường, con người khi sử dụng nguồn nước hoặc sống chung với rác thải hoá chất lâu ngày có thể gây ra bệnh ung thư…
Đưa ra khuyến cáo của mình trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, ông Thịnh cho biết: “Chúng ta có thể giảm bớt sử dụng rác thải nhựa bằng việc không sử dụng nước uống đóng chai nhựa trong văn phòng và khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo); sử dụng các vật dụng chứa đựng dùng nhiều lần như cốc thủy tinh, bình đựng nước bằng thủy tinh, hoặc các vật liệu khác thân thiện với môi trường. Không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa, giảm thiểu tối đa việc sử dụng túi nilon khó phân hủy tại bệnh viện, văn phòng”.
Cùng với đó, nêu quan điểm về trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc xử lý rác thải, ông Thịnh cũng cho rằng: “Giải pháp lâu dài là giảm bớt sản xuất rác thải nhựa. Nhà sản xuất mà không xử lý rác thải tốt, gây ô nhiễm môi trường thì phải thực thi theo quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng cũng cần phải giám sát các doanh nghiệp, xử lý nghiêm sẽ tạo được tính răn đe cho các đơn vị, doanh nghiệp khác. Luật của Nhà nước về vấn đề môi trường được quy định rất rõ, tất cả doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm đối với rác thải”.
Trước đó, tại hội thảo “Rác thải nhựa - khu vực công - tư cùng giải quyết thách thức” do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh hồi tháng 6/2019, ông Albert T. Lieberg, trưởng đại diện Tổ chức Liên Hiệp Quốc (FAO) ở Việt Nam cho biết, ước tính riêng Việt Nam lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, với con số “khổng lồ” 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam/năm và lượng nhựa tiêu thụ này còn tăng.
Trung bình mỗi phút trên thế giới có khoảng 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm có khoảng 5000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Còn tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Tp. Hà Nội và Tp.HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon.
Một điều đáng lưu ý là việc phân loại, thu hồi và xử lý rác thải còn rất hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn ra ngoài môi trường. Lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Đây là một “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí có thể dẫn đến thảm họa “ô nhiễm trắng”.
Thanh Lam
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/rac-thai-nhua-anh-huong-den-moi-truong-va-suc-khoe-ra-sao-a847.html