Diện tích gieo trồng thanh long tại Việt Nam hiện nay gần 66 nghìn ha, hàng năm cho sản lượng lên đến 1,4 triệu tấn. Trước đây, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ yếu của thanh long Việt Nam nhưng trước thông tin nước này tạm dừng nhập khẩu, đầu ra cho thanh long đang vô cùng nan giải, nhất là khi 300 nghìn tấn loại trái cây này đang vào vụ thu hoạch chính.
Trước tình hình đó, sáng 6/1, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Diễn đàn kết nối nông sản với chủ đề "Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long".
Tận dụng tối đa các Hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu thanh long
Báo cáo tại Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Lê Thanh Tùng cho biết, thanh long được trồng chủ yếu ở 3 tỉnh Bình Thuận (khoảng 34.000 ha), Long An (khoảng 12.000 ha) và Tiền Giang (khoảng 10.000 ha). Với sản lượng khoảng gần 1,4 triệu tấn/năm, trong đó, sản lượng thu hoạch chủ yếu tập trung vào quý I và quý IV hàng năm. Như vậy, đây đang là giai đoạn chính vụ của loại nông sản này, Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu khiến cho việc tiêu thụ đang trở lên rất cấp thiết.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) gợi ý, bên cạnh Trung Quốc thì Hàn Quốc, Nhật Bản cũng là một thị trường tiềm năng cho loại trái cây này, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà cả Việt Nam; Hàn Quốc và Nhật Bản đều là thành viên chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022 vừa qua.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, để thành công gia nhập các thị trường vừa nêu, doanh nghiệp và người dân cần chủ động nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…của thị trường mục tiêu. Quy trình sản xuất cần thực hiện theo đúng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế như VietGAP, GlobalGAP..., tham khảo thêm các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường.
“Năm 2021, xuất khẩu thanh long đạt 998 triệu USD, con số trên khẳng định tầm quan trọng trong tỉ trọng xuất khẩu của loại nông sản này. Các địa phương, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa lợi ích từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này”, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh.
Nhật Bản, thị trường tiềm năng
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam bởi cơ cấu kinh tế, xuất nhập khẩu giữa 2 nước mang tính chất bổ sung và không cạnh tranh trực tiếp. Mặt khác, các mặt hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh rất lớn tại thị trường Nhật Bản.
Một lợi thế nữa, Nhật Bản và Việt Nam cùng là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại đối tác song phương và đa phương, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp 2 nước, đặc biệt là tăng cường công tác xuất nhập khẩu hàng hóa, thúc đẩy cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của thế giới.
Với dân số khoảng 125 triệu người, đây là thị trường có sức tiêu thụ các sản phẩm nông sản rất lớn. Hiện nay, 60% các sản phẩm nông sản của Nhật Bản đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Thủy sản, rau quả chế biến, hoa quả tươi và ngũ cốc là những mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất.
Theo thống kê trong 11 tháng của năm 2021, nhóm hàng nông, thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 1,64 tỉ USD. Kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam đều tăng trưởng ấn tượng, cà phê tăng 13,5%, hàng rau quả tăng 21,5%, hạt điều tăng 41,2% và hạt tiêu tăng 47,4%. Nông sản Việt Nam dần có chỗ đứng, được người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá rất cao.
Riêng đối với mặt hàng thanh long, ngay từ năm 2009, Nhật Bản đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng của Việt Nam và đến năm 2017, sản phẩm thanh long ruột đỏ tiếp tục được cấp phép xuất khẩu sang Nhật Bản.
Theo ông Minh, một trong những nguyên nhân khiến giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Nhật Bản là chi phí logictics tăng cao. Vì vậy, doanh nghiệp nên hạn chế xuất khẩu trái cây tươi mà tăng cường các mặt hàng chế biến sâu, những sản phẩm đông lạnh.
“Trong khi nông sản Việt Nam có thời gian bảo quản ngắn thì thị trường Nhật Bản lại có một đặc thù là hệ thống phân phối sản phẩm tương đối phức tạp, nhiều tầng lớp trung gian dẫn đến kéo dài thời gian. Do vậy, các doanh nghiệp nên đẩy mạnh công tác giao thương, quảng bá sản phẩm nông sản qua các sàn giao dịch thương mại điện tử”, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản đưa ra lời khuyên.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/di-tim-thi-truong-cho-thanh-long-a8428.html