Có thể tiêu hủy " vật thể lạ "
Trao đổi với PV vào sáng 5/1, lãnh đạo UBND huyện Thanh Ba ( Phú Thọ ) cho biết, hiện tại cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục làm rõ và chưa có kết luận cuối cùng.
Tuy nhiên, đến nay đã có thể xác định, "vật thể lạ" này không gây nguy hại, nguy hiểm gì cho cộng đồng, không mang bùa chú hay mê tín dị đoan. Đồng thời, không có vấn đề ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Một số thông tin cho rằng, chiếc khinh khí cầu này có nguồn gốc từ Myanmar và bức thư được tìm thấy khi được lược dịch đã xác định rõ điều này.
Về nội dung này, lãnh đạo UBND huyện Thanh Ba cho hay, bước đầu theo thông tin huyện nắm được bên trong vật thể này có tờ giấy viết chữ Myanmar và một vài tờ tiền Myanmar.
Qua dịch thuật, nội dung của các chữ viết cho biết, đây là chiếc khinh khí cầu được thả từ Kayin, bang Karen, Myanmar nhân dịp Tết Karen (ngày 2/1) với mong muốn gửi lời chúc may mắn tới mọi người.
Hình ảnh người dân ở Myanmar thả khinh khí cầu tự chế.
"Tuy nhiên, thông tin vật thể này đến từ Myanmar mới là thông tin được các trang mạng, báo chí đăng tải, còn đến nay vẫn chưa có báo cáo chính thức về việc này", vị lãnh đạo này cho hay.
Bà Vi Thị Lan, Chủ tịch UBND xã Đông Thành nói, đây là lần đầu tiên trên địa bàn phát hiện "vật thể lạ" này. Hiện tại, vật thể đang được tạm giữ, bảo quản tại trụ sở công an xã để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ. Sau khi cơ quan chức năng có kết luận cụ thể, địa phương sẽ xin ý kiến về việc xử lý vật thể. Trong đó, không loại trừ việc sẽ tiến hành tiêu hủy.
Lãnh đạo UBND xã Đông Thành nêu rõ, địa phương đang xây dựng bài tuyên truyền để cho người dân nắm được đây không phải là vật nguy hiểm chứa bùa chú, mê tín như một số thông tin bịa đặt trên mạng xã hội.
Bay khoảng 1.000km đến Việt Nam?
Trao đổi với PV, anh Bùi Văn Quyền, một kỹ sư từng có nhiều năm công tác trong công ty viễn thông của Việt Nam tại Myanmar cho hay, sau khi phát hiện "vật thể lạ" ở Phú Thọ kèm theo bức thư, anh đã nhờ một số bạn bè người Myanmar lược dịch.
Theo đó, bức thư nói rằng chiếc khinh khí cầu (đèn trời) được 12 người (chủ sở hữu) thả từ làng Hteephoekan và Khonekalay, thị trấn Paing Kyone, quận HlaingBwe, bang Karen (Myanmar).
Tên riêng của 12 người (gồm 11 tên của người Karen) được viết bên dưới phần giới thiệu.
Cuối thư, nhóm người này nhắn nhủ muốn biết khinh khí cầu này rơi ở đâu, nếu bạn phát hiện nó, xin vui lòng gọi số điện thoại này 09781552031.
Bức thư được tìm thấy cùng "vật thể lạ"
Theo anh Quyền, việc thả khinh khí cầu tự chế (đèn trời) là hoạt động mang tính truyền thống tại Myanmar. Hoạt động này thường diễn ra dịp năm mới và lễ hội Thadingyut. Việc này được diễn ra thường xuyên ở nông thôn, ở các thành phố lớn bị hạn chế.
Khinh khí cầu tự chế được thả tượng trưng cho lời cầu nguyện của họ, hy vọng và hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống ở năm mới. Người Myanmar cũng quan niệm, ai nhặt được sẽ gặp nhiều điều lành nên họ đã cho vào bên trong tiền bạc, vải vóc.
Myanmar hiện có 8 nhóm dân tộc thiểu số chính, trong đó có người Karen. Mỗi nhóm dân tộc thiểu số này có Ngày Năm mới (New Year Day) của riêng họ.
Anh Quyền cho biết thêm, những người bạn của anh ở Myanmar cho hay, thông tin khinh khí cầu này rơi ở Việt Nam đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội ở nước này. Đồng thời, các chủ sở hữu của khinh khí cầu này có lẽ cũng đã biết nó rơi ở Việt Nam.
Theo Google Maps, khoảng cách đường chim bay từ bang Kayin, Myanmar, đến tỉnh Phú Thọ là khoảng 1.000 km. Nếu chiếc khinh khí cầu này bay thẳng, sẽ qua không phận của Thái Lan và Lào trước khi đến Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là vì sao khinh khí cầu với kích thước lớn có thể bay qua không phận của nhiều nước và hạ cánh tại một tỉnh nằm sâu trong nội địa Việt Nam mà không bị phát hiện bởi hệ thống radar.
Một chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không (từng công tác trong quân chủng PK-KQ sau đó chuyển sang hàng không dân dụng) cho hay, việc chiếc khinh khí cầu tự chế này có thể bay xa như vậy là do thời tiết, cụ thể là gió tác động.
Theo vị này, thông thường khi đốt, người ta giữ cho khinh khí cầu tự chế thăng bằng rồi châm lửa vào bấc, lửa làm loãng không khí trong lòng, khí nhẹ làm cho nó từ từ bay lên. Khi gặp gió nhẹ nó sẽ bay cao, bay xa và có thể bay cao 1km, bay xa 5-10km.
Tuy nhiên, việc chiếc khinh khí cầu tự chế bay xa tới cả 1.000km từ Myanamar sang Việt Nam, theo vị này là rất hiếm.
Về việc tại sao hệ thống radar không chỉ của Việt Nam mà các nước khác, không phát hiện được chiếc khinh khí cầu này, vị này giải thích, hiện nay hệ thống radar sẽ khó phát hiện được những vật thể bay không làm bằng kim loại.
Với chiếc khinh khí cầu này được làm bằng vải, nilon mỏng, nhẹ nên độ phản xạ với radar kém và không có các bộ phận điện tử điều khiển.
Để phát hiện ra chiếc đèn trời, chủ yếu sử dụng mắt thường và các công cụ hỗ trợ như kính ngắm TZK của quân sự.
Vị này cũng nhận định, rất may, chiếc khinh khí cầu này đã bay và rơi xuống khu vực ở Phú Thọ còn nếu chẳng may mà rơi vào khu vực sân bay như ở Nội Bài sẽ rất nguy hiểm, đe doạ đến an ninh, an toàn hàng không.
Tại Việt Nam, từ năm 2009, Chính phủ đã nghiêm cấm hành vi thả đèn trời. Quy định này được thực hiện nghiêm ngặt đến mức hoạt động thả đèn trời truyền thống trong các lễ hội cũng không được cho phép.