"Cởi trói" cho ngành dầu khí

Theo các luật sư, việc sửa đổi Luật Dầu khí là cần thiết, sửa đổi những bất cập sẽ giúp “cởi trói” cho ngành dầu khí.

Cam kết những rủi ro khi khoan thăm dò

Luật Dầu khí hiện hành được sửa đổi từ Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi bổ sung năm 2000 và 2008 trên cơ sở thống nhất và xác định cơ quan quản lý Nhà nước về dầu khí đó là Bộ Công Thương.

Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí trong những năm qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành Dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 9601/TTr-BCT ngày 14/12/2020 trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng.

Sự kiện - 'Cởi trói' cho ngành dầu khí

Đặc thù của dầu khí lớn nhất là tính rủi ro. 

Trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội) cho biết, theo luật đầu tư nước ngoài, có nhiều nước đầu tư vào Việt Nam trong việc khai thác các mỏ dầu khí. Tuy nhiên, sau khi tiến hành khoan thăm dò thì không thu được gì và phải rút đi. Như vậy, có thể thấy dầu khí là có rủi ro, nên cần phải có đặc thù.

“Nếu không có đặc thù thì sẽ không đáp ứng được sự phát triển của dầu khí”, luật sư Vinh bày tỏ.

Theo vị luật sư này, xác định đầu tư trong lĩnh vực dầu khí là đầu tư rủi ro, nên cần mở cơ chế cho đơn vị dầu khí.

“Việc áp dụng một loạt Luật cho dầu khí là không còn phù hợp, cần phải sửa đổi Luật Dầu khí, để có cơ chế khắc phục được việc cam kết những rủi ro khi khoan thăm dò”, luật sư Vinh cho biết.

Luật sư Vinh nhấn mạnh, quan trọng nhất của việc sửa Luật Dầu khí đó là ở vấn đề khoan thăm dò và các quyền quyết định trong việc thăm dò đó ra sao, cần đơn giản hóa các thủ tục với các dự án dầu khí.

Trong dự thảo Luật, về phía Petrovietnam muốn tăng trách nhiệm vai trò của nước chủ nhà, luật sư Vinh cho rằng: “Điều này Petrovietnam muốn tăng thẩm quyền quyết định đầu tư, bởi nếu chờ hết Bộ này đến Bộ khác duyệt thì sẽ rất lâu, mất cơ hội. Nên thẩm quyền phải tăng lên và phải chấp nhận rủi ro. Nếu trong trường hợp thấy phức tạp quá thì theo tôi có thể tách ra đưa Petrovietnam vào trực thuộc Chính phủ như cũ”.

Tạo điều kiện phát huy tiềm năng của tài nguyên

Cũng trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội) cho biết, Luật Dầu khí hiện hành có những điểm lạc hậu, mang tính chất “trói chân doanh nghiệp”. Vì thế, luật sư Tú bày tỏ đồng thuận cần phải sửa đổi Luật Dầu khí cho phù hợp với thời đại.

Vị luật sư này nhấn mạnh, việc sửa đổi những bất cập, lỗi thời chưa phù hợp với thực tiễn sẽ giúp “cởi trói” cho ngành Dầu khí, tạo điều kiện để phát huy hết tiềm năng của tài nguyên, của lực lượng người làm công tác dầu khí ở Việt Nam.

Sự kiện - 'Cởi trói' cho ngành dầu khí (Hình 2).

Luật sư Trương Anh Tú cho rằng sửa đổi Luật Dầu khí là cần thiết.

“Tôi mong muốn Luật Dầu khí (sửa đổi) sớm ra đời, mang hơi thở của thời đại và cũng giúp cho đất nước phát huy hết tiềm năng của ngành Dầu khí”, luật sư Tú chia sẻ.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Tú bày tỏ, nếu Luật Dầu khí (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thì nên áp dụng ngay, tránh có tình trạng luật mới ra đời bị vô hiệu hoá bởi còn phải chờ Thông tư, Nghị định. 

Luật sư Tú nói: “Hiện nay có lệ, khi luật được ban hành sẽ phải đợi Nghị định, đợi Thông tư hướng dẫn thực hiện. Khi ra thực tế, nhiều nơi cũng chỉ bàn về Thông tư, Nghị định chứ không nói về luật, điều này cho thấy có một tư duy áp dụng pháp luật chưa thực sự tốt trong người dân và một bộ phận công chức. Nghị định với Thông tư ra đời đôi khi phải một vài năm”.

“Cần thay đổi cách nhìn để sớm đưa luật đi vào cuộc sống”, Luật sư Tú cho hay.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của ngành Dầu khí, luật sư Tú cho biết Dầu khí đóng vai trò mũi nhọn và đã có những đóng góp to lớn trong gần nửa thế kỷ qua trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Dầu khí lần này hy vọng sẽ giúp cởi trói, gỡ vướng cho ngành Dầu khí.

Trước đó, tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cho biết: Với nguyên tắc xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật Dầu khí trên cơ sở 6 nhóm chính sách lớn mà Bộ Công thương trình Chính phủ ngày 14/12/2020 về đề nghị xây dựng Luật Dầu khí, trên cơ sở nhận diện các bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành, ngày 19/10/2021, Tập đoàn đã gửi ý kiến cho Bộ Công thương về Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi với các mục tiêu, như sau:

Đề xuất các sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp cho hoạt động dầu khí; khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí để thu hút được nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài; bảo đảm tính logic, đồng bộ, thống nhất giữa các nội dung của Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đưa ra đề xuất, cần hoàn thiện các quy định liên quan hợp đồng dầu khí. Đồng thời, để bảo đảm khuyến khích đầu tư và duy trì hoạt động dầu khí, các nhà khoa học cho rằng cần xem xét bổ sung trường hợp: Sau giai đoạn thăm dò, các phát hiện dầu khí có quy mô nhỏ, các mỏ khó có khả năng phát triển khai thác thương mại hay duy trì tiếp tục khai thác thì nhà đầu tư, nhà thầu có thể đề xuất các điều kiện để dự án có tính khả thi.

Điều chỉnh và bổ sung các quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi; quy định về ưu đãi đầu tư; quy định về các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí; công tác kế toán, kiểm toán và quyết toán…

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/coi-troi-cho-nganh-dau-khi-a8308.html