Ông Nguyễn Duy Hưng: Khi kinh tế phát triển, sự khác biệt giữa các quốc gia chỉ còn là văn hóa

(NLĐO)- Trước nhiều ý kiến đề nghị bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa ở nông thôn để tạo sinh kế cho người dân, Phó Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho rằng "khi các quốc gia có trình độ kinh tế, người dân có cùng mức hưởng thụ như nhau thì sự khác biệt chỉ còn là vấn đề văn hóa...".

Chiều 4-1, Ban Kinh tế Trung ương, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tổ chức Hội thảo "Cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và và đô thi giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2045".

Ông Nguyễn Duy Hưng: Khi kinh tế phát triển, sự khác biệt giữa các quốc gia chỉ còn là văn hóa - Ảnh 1.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng chủ trì hội thảo - Ảnh: Thành Trung

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội góp ý cần hình thành mô hình "hàng văn hóa" văn hóa địa phương như biến các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử trở thành điểm du lịch; các món ăn, lâm thổ sản địa phương trở thành các mặt hàng xuất khẩu, lưu niệm; các công cụ lao động, sinh hoạt, thực hành tín ngưỡng, lễ hội, chợ phiên, "chợ tình"... thành thương hiệu du lịch địa phương.

Làm rõ hơn, bà Châm cho biết thời gian vừa qua có nơi, có lúc đã "đồng dạng hóa văn hóa trong ban hành chính sách".

"Cả nước có hơn 8.000 lễ hội mà giống nhau cả thì cần gì lắm lễ hội thế. Hay làng nào cũng phải có cổng làng, đường bê tông hóa giống nhau thì có nên không? Vì mỗi 1 thôn, 1 làng có đặc trưng văn hóa, điều kiện tự nhiên riêng, đây cũng chính là thế mạnh của từng địa phương, góp phần tạo ra sinh kế và phát triển kinh tế - xã hội"- bà Châm nói.

Tư đó, bà Châm kiến nghị giảm thiểu các chương trình, chính sách làm suy giảm sự đa dạng văn hóa, đặc biệt là đa dang sinh kế; cần đa dạng hóa mô hình thay vì "một mô hình văn hóa cho tất cả" trong các chương trình phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa ở nông thôn; đồng thời đổi mới cách quản lý, bảo vệ di sản văn hóa nông thôn để phát huy tối đa vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững.

Cùng quan điểm, PGS.TS Đinh Thị Nga, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho rằng không nhất thiết phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo một mô hình duy nhất.

"Quy hoạch phát triển vùng, các địa phương phải rất rõ nét, phát triển công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp phải rất rạch ròi từng địa phương, hài hòa với văn hóa, cư dân, thiên nhiên. Để nông dân tự sống trên mảnh đất, quê hương mình thay vì chỉ luôn là đối tượng yếu thế cần sự trợ giúp, hỗ trợ từ năm này qua năm khác"- bà Nga trăn trở.

Tán đồng, Nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát lo ngại: "Phải xử lý vấn đề tổng thể như thế nào, khi nguy cơ "hồn cốt văn hóa ở nông thôn bay đi mất".

Ông Nguyễn Duy Hưng: Khi kinh tế phát triển, sự khác biệt giữa các quốc gia chỉ còn là văn hóa - Ảnh 2.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng:

Kết luận hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho biết nông nghiệp, nông dân và nông thôn là lĩnh vực có tính chiến lược quốc gia và đặc biệt là phát triển nông nghiệp là phát triển lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam, phát huy được vị thế.

Theo ông Hưng, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã nhấn mạnh con đường phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp phát triển kinh tế và chăm lo đời sống người dân. Theo đó, nông nghiệp phải gắn liền với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số, coi ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số là một trong những động lực tạo đột phát trong lĩnh vực nông nghiệp, xóa bỏ khoảng cách giữa thành thị và nông thôn...

"Từ đó tạo được việc làm tại chỗ để người nông dân không phải di chuyển về thành phố tạo áp ứng việc làm, xã hội cho đô thị"- ông Hưng chia sẻ.

Đồng tình với các ý kiến tại hội thảo, ông Hưng cho rằng nếu làm tốt công tác quy hoạch, trong mỗi quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thành phố đến liên huyện, huyện, liên xã, xã để hình thành ra các vùng sản xuất… để phát triển kinh tế và tạo sinh kế cho người dân địa phương.

Đặc biệt, việc bảo tồn và phát triển văn hóa con người Việt Nam cũng được Đảng xác định là nội dung quan trọng, là động lực phát triển được lồng ghép trong 3 đột phá (thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực) trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội và xây dựng con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

"Khi các quốc gia có trình độ kinh tế, người dân có cùng mức hưởng thụ như nhau thì sự khác biệt chỉ còn là vấn đề văn hóa, nhận biết sự khác nhau giữa các quốc gia chỉ còn là vấn đề văn hóa. Với 60-70% người dân cả nước sinh ra từ nông thôn thì việc giữ gìn và phát huy văn hóa, nếp sống tốt đẹp ở nông thôn là hết sức quan trọng"- ông Nguyễn Duy Hưng nhìn nhận.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Trung ương đã giao tổng kết Nghị quyết 19/NQTW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại (gọi tắt là Nghị quyết 19) để tiến tới sửa Luật Đất đai; tổng kết Nghị quyết 13 về về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và sửa Luật Hợp tác xã và tổng kết Nghị quyết 26 để ban hành nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Việc sửa đổi thể chế, chính sách cũ nhằm thiết kế chính sách đồng bộ nhằm tạo ra đột phá trong lĩnh vực này.

"Mục tiêu xây dựng, đào tạo 1 lớp nông dân mới, họ chính là kỹ sư, là kỹ thuật viên, là công nhân… trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Để người nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực để phát triển thì phải tạo điều kiện để người nông dân phải là chủ thể. Và nghị quyết mới sẽ làm rõ những mục tiêu này"- ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh.

Phải giữ được người có trình độ, nguồn lực tài chính ở nông thôn

GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng cần đặc biệt quan tâm nguồn nhân lực ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

"Ly nông bất ly hương cần có đánh giá mới, không phải chỉ nhằm vào số lượng mà cả chất lượng. Không chỉ giữ đội ngũ lao động thuần túy ở lại nông thôn mà cả nhóm có nguồn lực tài chính, trình độ, chất xám ở lại nông thôn thay vì chạy ra thành phố"- ông Lợi nhìn nhận.

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội chia sẻ kinh nghiệp từng là phó chủ tịch tỉnh miền núi đã nhìn thấy sự bất cập trong đào tạo nghề ở nông thôn.

"3 tháng đào tạo cho người nông dân sao mà hiệu quả được. Nay học trồng nấm, ít lâu sau trồng rau… Vấn đề đào tạo là quan trọng nhất nhưng đầu tư thời gian qua là chưa trúng. Không cải thiện được chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ khó tạo ra sự đột phá"- ông Thanh góp ý.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/ong-nguyen-duy-hung-khi-kinh-te-phat-trien-su-khac-biet-giua-cac-quoc-gia-chi-con-la-van-hoa-a8293.html