PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Quốc hội lần đầu họp bất thường để phù hợp với "bất thường" của đại dịch

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho rằng Quốc hội có những phiên họp bất thường "cũng là chuyện bình thường" để phù hợp với bất thường của dịch bệnh.

Phác họa các gói kích thích kinh tế đang được mong chờ

- Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường. Ông đánh giá ra sao về kỳ họp này?

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, ĐBQH đoàn TP HCM: Thứ nhất, phải nhấn mạnh rằng ở kỳ họp bất thường này, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định các nội dung rất quan trọng cho phục hồi kinh tế của đất nước trong thời điểm đại dịch hiện nay. Dịch bệnh là trường hợp bất thường nên Quốc hội có kỳ họp chuyên đề như vậy cũng là chuyện bình thường để phù hợp với bất thường của dịch bệnh.

Tôi nghĩ rằng tới đây, Quốc hội nên có nhiều kỳ họp chuyên đề để không chỉ giải quyết vấn đề phục hồi kinh tế mà giải quyết những điểm nghẽn về thể chế. Hệ thống luật pháp của chúng ta hiện nay cần phải tiếp tục hoàn thiện. Một trong 3 đột phá mà Đại hội đảng toàn quốc nêu ra chính là đột phá về thể chế. Thể chế vẫn là điểm nghẽn thì tới đây, nếu chúng ta có điều kiện, nên có những kỳ họp chuyên đề như thế. Thực tiễn hiện nay biến động rất nhanh nên luật cần được hoàn thiện cho phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn cuộc sống.

Trở lại với kỳ họp bất thường lần thứ nhất, đây là ỳ họp rất quan trọng vì có nhiều nội dung cấp thiết cần phải được quyết định. Một trong số đó là hỗ trợ cho phục hồi kinh tế, hỗ trợ phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

- Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm chính là Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nếu được thông qua, ông nghĩ kinh tế sẽ được hưởng lợi như thế nào?

Gói hỗ trợ này đã được thảo luận trong nhiều tháng gần đây. Người dân và doanh nghiệp rất mong chờ có quyết sách sớm để giúp kinh tế được phục hồi nhanh. Gói hỗ trợ lần này rất bao quát, giải quyết những điểm nghẽn quan trọng.

Gói thứ nhất là dành nguồn lực quan trọng để đầu tư cho lĩnh vực y tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân. Đầu tư cho y tế dự phòng, mua vắc xin, trang thiết bị…. Tất cả những cái đó giúp chúng ta thích ứng an toàn với dịch bệnh.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Quốc hội lần đầu họp bất thường để phù hợp với bất thường của đại dịch - Ảnh 1.

Gói thứ 2 được thiết kế để tiếp tục hỗ trợ an sinh xã hội. Đại dịch gây ảnh hưởng đến đời sống vật chất, sức khỏe, tinh thần người dân, tác động tới hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn nên phải có gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ ngân hàng chính sách cho những người yếu thế vay. Gói thứ 2 được xây dựng để giúp người dân vượt qua chặng đường khó khăn, thách thức suốt 2 năm qua.

Gói thứ 3 là hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã hộ kinh doanh; tiếp tục giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ lãi suất cho những ngành bị tổn thương nặng nề. Các biện pháp này góp phần tăng dư nợ vào sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành như hàng không, du lịch, dịch vụ, ngành về chuyển đổi số, ngành nông nghiệp hay xây dựng nhà ở…. Đây là những điểm mấu chốt để có thể giúp doanh nghiệp phục hồi.

Gói thứ 4 là tăng đầu tư công, đầu tư vào hạ tầng giao thông, nhất là cao tốc bắc nam phía đông, kết nối cảng biển, kết nối liên vùng, hạ tầng số…. Thông qua đó, góp phần làm lan tỏa, dẫn dắt huy động vốn đầu tư xã hội.

Gói thứ 5 là một gói phi tiền tệ nhưng rất quan trọng là hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính và cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Theo đó, chúng ta sẽ tăng cường chỉnh sửa, bổ sung luật cho hoàn thiện. Điều này rất quan trọng, góp phần giải quyết điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư.

Phần này sẽ giúp cho kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn, tăng trưởng của nền kinh tế sẽ trở lại mốc của 2018-2019 là trên 7%. 2 năm vừa qua, chúng ta chỉ tăng trưởng 2,9% vào năm 2020, và khoảng 2,6% trong năm 2021 khi mà mục tiêu đề ra là 6,5 tới 7%.

Với tổng thể các biện pháp kích thích này, chúng tôi hy vọng kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại ở mức 6-7%.

Làm sao để gói kích thích không chảy vào đầu cơ?

- Thời gian gần đây, cả thị trường chứng khoán và bất động sản của Việt Nam đều khá nóng. Quốc hội có tính tới việc làm sao để tiền từ các gói kích thích này đi vào sản xuất, làm tăng của cải cho xã hội thay vì rơi vào đầu cơ không, thưa ông?

Ở thời điểm hiện tại, giải pháp đề ra cần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng nhưng cũng phải ổn định được kinh tế vĩ mô. Để đạt được điều đó, kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ phải đồng bộ, nhịp nhàng, phải có kiểm tra, giám sát để dòng vốn hỗ trợ đi vào thực chất, tránh bị thao túng, lợi dụng, trục lợi.

Khi chúng ta đưa được vốn đi vào an sinh xã hội, sản xuất của nền kinh tế, lúc đó, mình sẽ giải quyết được bài toán làm sao để vừa tăng trưởng, vừa ổn định được kinh tế vĩ mô.

Còn để dòng vốn đi đúng hướng, khi triển khai, bên cạnh vai trò của Chính phủ, phải có cơ chế kiểm tra, giám sát của Quốc hội đi kèm. Phải có những kịch bản, có ủy ban để phối hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, rồi có quy định, hướng dẫn cụ thể, minh bạch, công bố công khai.

Khi Quốc hội thông qua, Chính phủ phải có công bố rõ ràng, chi tiết, tránh bị lợi dụng, tránh trường hợp có văn bản rồi mà không triển khai được vì không phù hợp với thực tiễn. Chúng ta đã có những bài học từ thực tiễn và có thể áp dụng kinh nghiệm đó cho lần triển khai này.

- Tuy nhiên, cũng có một số những lo ngại gói kích thích có thể làm tăng nợ công, ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Người ta thường so sánh nợ trên GDP chứ không nói về con số tuyệt đối. Ví dụ, người ta nói nợ công của Việt Nam hiện nay là 43,7% GDP chứ người ta không nói là nợ là bao nhiêu ngàn tỷ…. Chính vì vậy, điều quan trọng là nếu khoản kích thích này giúp tăng trưởng kinh tế thì chính là tăng GDP. Khi đó, nợ có thể tăng nhưng tỷ lệ lại không thay đổi. Đó mới là điều quan trọng.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Quốc hội lần đầu họp bất thường để phù hợp với bất thường của đại dịch - Ảnh 2.

- Một trong những vấn đề cũng được nêu ra là khả năng hấp thụ của nền kinh tế với gói kích thích. Vậy quy mô của gói được xây dựng như thế nào để nó phù hợp?

Quy mô của gói thì phải chờ Chính phủ trình thì mới biết rõ. Nhưng theo dự kiến thì vào đâu đó khoảng 352.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4% GDP. Tôi đánh giá con số đó ở mức vừa phải.

Vấn đề làm làm sao để gói kích thích mang tính lan tỏa, huy động được vốn đầu tư xã hội. Vốn đầu tư công phải thúc đẩy, dẫn dắt, huy động được vốn đầu tư xã hội. Việc giải ngân vốn đầu tư công phải thuận lợi nên đi kèm với đó là giải pháp về thể chế.

Ví dụ, liên quan đến thầu, chỉ định thầu trong đầu tư, xây dựng đường cao tốc… có gắn liền với một số quy định. Chính vì thế, cần thể chế để công việc giải ngân thuận lợi. Nếu có tiền mà không giải ngân được thì cũng không hấp thụ được. Khâu giải ngân cũng rất quan trọng.

Vấn đề còn lại là doanh nghiệp tiếp tục được hỗ trợ thông qua miễn giảm thuế, phí… sẽ góp phần cho doanh nghiệp tăng sản xuất kinh doanh. Giảm VAT cũng góp phần làm tăng tổng cầu. Hỗ trợ an sinh xã hội cũng góp phần làm tăng tổng cầu. Có thể tăng tổng cung và tăng tổng cầu cho thấy giải pháp lần này rất tổng thể.

Linh Anh

Theo Tổ Quốc

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/pgsts-tran-hoang-ngan-quoc-hoi-lan-dau-hop-bat-thuong-de-phu-hop-voi-bat-thuong-cua-dai-dich-a8226.html